Giải mã hiện tượng ngày càng nhiều người có bằng cấp thất nghiệp - Bài 4:

Ông Cử, bà Cư hành xác trở thành công nhân

TP - Làm công nhân, cử nhân phải thích nghi với công việc nặng nhọc tốn nhiều sức lao động, tăng ca, tăng kíp, môi trường độc hại... Thậm chí, ngay cả việc “ăn như cướp” cho kịp giờ làm cũng phải quen. Tác giả bài viết đã cùng những cử nhân khác hành xác để trở thành công nhân thực thụ.

Lơ ngơ học việc


Tại Cty TNHH Denso Việt Nam, danh sách trúng tuyển thông báo ngày 5/7, ngay hôm sau, những người trúng tuyển bắt đầu học việc, với các kỹ năng dây chuyền mình làm.

Nguyễn Thị Hằng (quê Mê Linh, Hà Nội, cử nhân Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) chỉ bàn tay sưng vù, dán đầy miếng giảm đau mếu máo: “Chân tay đau không nhấc lên được, ngày nào cũng phải dùng dầu xoa bóp. Về đến nhà chỉ nằm ngủ, không ăn uống được. Nhiều người còn ngất xỉu ngay trong xưởng”. Nhiều cử nhân khó thích ứng với công việc, có người bỏ việc khi chưa hết tháng đầu. 

Ông Cử, bà Cư hành xác trở thành công nhân ảnh 1 Giấc ngủ vùi 10 phút giữa ca trong nhà xưởng

Ngày làm việc bắt đầu, các khuôn mặt bơ phờ chào nhau bằng câu hỏi: “Đỡ đau chân chưa, học thuộc bài chưa?”. PV Tiền Phong làm tại dây chuyền vận chuyển sản phẩm. Tờ hướng dẫn thao tác gồm 16 bước, quy định rõ nội dung, lưu ý trong mỗi bước và dùng tay trái, tay phải hoặc cả 2 tay thực hiện. 

Vừa nhận vào dây chuyền, Đỗ Thị Thúy - một công nhân làm trước đó, tay bê từng hộp linh kiện (khoảng 15kg) đặt lên xe đẩy chuyển đến dây chuyền gia công, miệng nói: “Mình tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhưng chưa tìm được việc nên vào đây làm. Đi làm mới biết, công ty có nhiều công nhân là cử nhân thất nghiệp, riêng lớp đại học cùng mình có hai người đang làm ở đây”. Sau ngày làm đầu tiên, chân tay của đám cử nhân rã rời, lưng đau thắt vì phải bê hộp linh kiện cả ngày. 

Khiếp nhất là cảnh từng đôi tay thoăn thoắt đặt sản phẩm vào máy gia công lênh láng hóa chất. Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ làm việc, đôi găng tay cao su của công nhân bị ăn mòn, thủng lỗ chỗ trên các đầu ngón tay. Những giọt hóa chất trắng đục như nước bột giặt bắn tứ tung, rơi vãi trên sàn.

“Hóa chất này độc lắm, rơi vào tay thì phải dùng khăn lau ngay lập tức nếu không sẽ bị phồng rộp, để lại sẹo”, cầm vội chiếc khăn lau hóa chất trên tay, Nguyễn Văn Thành (cử nhân Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Đại học Thành Đô) giải thích.

Giờ giải lao 10 phút giữa ca làm, những công nhân mới lê bước chân nặng nề đến ghế nghỉ rồi ngủ gục trên chiếc bàn nhỏ. Đôi tay quen cầm bút đang phồng rộp, trầy xước vì linh kiện sắc nhọn, hóa chất vương vãi. Để chống chọi với mùi dầu mỡ trong dây chuyền lắp ráp ở phòng sạch, những cử nhân – công nhân phải đeo khẩu trang, mặc đồng phục kín mít. Giờ nghỉ, một tay bịt mũi, một tay cầm cốc nước uống. 

Thấy chúng tôi phàn nàn, chị Nguyễn Thị Nguyên (quê Bắc Giang, cử nhân Kế toán, Đại học Công nghiệp Hà Nội) an ủi: “Các bạn cố gắng, vài hôm sẽ quen. Công việc ở công ty này là nhàn rồi, ở nhiều nơi vất vả hơn nhiều”.

Ra trường, chị Nguyên làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất linh kiện máy tính. Công việc phải tiếp xúc với axit cả ngày, chị bị mẩn ngứa khắp người, có lần khuôn mặt sưng vù vì dị ứng. Công việc vậy, nhưng lương chỉ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng (tùy giờ tăng ca từng tháng). 

Kết thúc ngày làm việc, trở về phòng thay đồng phục, nhiều người nằm, ngồi bệt trên sàn cả tiếng đồng hồ cho đỡ mỏi trước khi về nhà. Để đủ tiền trang trải cuộc sống, không ít công nhân phải làm thêm giờ, nhận sản phẩm về nhà làm thêm. 

Cuộc sống công nhân làm việc quanh năm không thấy ánh mặt trời. Ngày tháng qua đi, họ gắn bó với ánh đèn, máy móc, linh kiện và 4 bức tường nhà xưởng. Thời gian được đo bằng số lượng sản phẩm làm ra mỗi ngày. Niềm vui duy nhất đến từ những tiếng chuông báo hiệu nghỉ.

Không ăn nhanh sẽ hết phần

Giờ nghỉ trưa 30 phút, công nhân Cty TNHH Denso Việt Nam tràn về lối dẫn lên nhà ăn chật kín. PV Tiền Phong cố gắng chen chân vào hàng dài xếp quanh chiếc cửa dẫn vào nơi cấp suất ăn. Tới lượt đã mất nửa thời gian nghỉ, bữa ăn có cơm, canh, rau, miếng cá kho (thịt kho hoặc đôi ba con tôm chiên). Bụng đói cồn cào sau nửa ngày làm việc, ai cũng nhai ngấu nghiến rồi nuốt vội, cả nghìn công nhân nhưng không khí khá im ắng. 

Ông Cử, bà Cư hành xác trở thành công nhân ảnh 2 Ăn ngấu nghiến cho kịp giờ làm

Ngày đầu tiên ăn cơm, tôi bắt chuyện với người bên cạnh: “Chị làm ở công ty lâu chưa?”. Nữ công nhân đáp: “Mới vào được 2 tháng” rồi cúi xuống khay cơm ăn tiếp. Người bên cạnh khuyên: “Tập trung ăn cho no đi, sắp hết giờ rồi, ăn xong còn về làm tiếp, về muộn lại bị phạt”. Do chưa quen, sau khi ăn, bụng chúng tôi đau quặn thắt vì vừa ăn no phải làm việc ngay.

Nuốt vội miếng cơm, Nguyễn Thị Lương (quê Nghệ An, cử nhân Quản trị Nhân lực, Đại học Công đoàn Hà Nội) an ủi: “Các bạn cố gắng ăn lấy sức làm việc, bữa ăn được thế này là tốt lắm rồi. Tháng trước, mình còn làm ở công ty chuyên sản xuất dây truyền dẫn điện, bữa ăn sắp thành mâm, ai không ăn nhanh thì hết phần”.

Đồng lương ít ỏi, cử nhân hay lao động phổ thông đi làm công nhân đều phải chịu cảnh như nhau, ăn uống qua loa, ở tạm bợ. Tại thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) có cả ngàn phòng trọ cấp 4, giá từ 500 - 700 nghìn đồng/tháng chuyên phục vụ công nhân. Mỗi nhà có 2 - 3 dãy trọ từ 5 đến 7 phòng, diện tích 6 - 10m2, thậm chí tới 20 phòng chỉ có 1 khu nhà tắm, một nhà vệ sinh chung.

“90% công nhân phải đi thuê trọ trong các khu nhà ổ chuột. Tổng Liên đoàn có chương trình phối hợp với Bộ Xây dựng, xây dựng chính sách và kiểm tra về vấn đề thực hiện nhà ở cho công nhân, nhưng kết quả còn nhiều bất cập” - ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Như dãy trọ của nhà bà Nguyễn Thị H. (thôn Bầu) có 5 phòng trọ, xây hơn chục năm trước. Phòng ẩm thấp, hôi hám khiến người lần đầu tiên đến cảm giác buồn nôn. Ngay cạnh vòi nước rửa mặt là cống rãnh thoát nước của cả thôn, mùi hôi thối, tanh nồng bốc lên khi trời nắng, nước cống đen ngòm sục lên ngập cả sân mỗi ngày mưa lớn.

Không khá hơn là khu phòng trọ của ông Nguyễn Văn C., dãy trọ gồm 20 phòng xây thành 2 dãy. Nền nhà cao khoảng 20cm, chỉ trận mưa nhỏ, nước ngập lênh láng cả phòng.

Trong phòng, từng mảng tường bong tróc, mốc meo. Để đỡ ẩm thấp, nhiều công nhân - cử nhân dán giấy tường nhưng vài hôm, lại bong tróc. Không ít người dùng tấm pano quảng cáo nhặt ngoài đường về đóng đinh lên tường khiến căn phòng như phòng quảng cáo thu nhỏ.

Cả khu trọ có 5 chiếc vòi nước cho sinh hoạt nhưng quá đông người nên luôn phải xếp hàng. Nhà tắm kiêm nhà vệ sinh không ai cọ rửa cáu bẩn, gạch ốp tường màu trắng ngả sang vàng, đen.

Không ít công nhân lựa chọn cách “sống thử” để tiết kiệm chi phí, và cuối năm sẽ cưới. “Hai đứa dự định đi làm dành dụm tiền để cuối năm về cưới. Nhưng lương tháng của anh ấy chỉ được 3 triệu, mình mới đi làm cũng chừng đó nên chỉ đủ tiêu, chứ chẳng dành dụm được”, chị Hoàng Thị Gạo (quê Yên Bái, Cử nhân Cao đẳng Sư phạm Yên Bái), đang làm công nhân KCN Thăng Long nói.

Với khu trọ đã vậy, với khu ký túc xá dành cho công nhân cũng không khá hơn. Có nơi, chiều về, có lúc mất nước, hàng dài công nhân bê trên tay chiếc chậu nhựa, xếp hàng trước cửa nhà tắm. Mặc vội bộ quần áo khi trên người dính đầy sữa tắm, chị Dương Thị Khánh (quê Sơn Dương, Tuyên Quang - Cử nhân Sư phạm, Cao đẳng Mầm non Trung ương) hớt hải cầm chiếc chậu nhựa chạy khắp nơi hứng nước về tắm.

“Ở đây người đợi tới lượt lại hết nước, hoặc đang tắm hết nước cũng là chuyện bình thường”, Khánh nói. Cạnh nhà tắm là khu vòi nước cho việc nấu ăn, với 4 chiếc vòi nước nhưng có tới gần trăm công nhân nên lại phải xếp hàng.

(Còn nữa)

Bài 5: Một số nhà tuyển dụng thẳng thừng “không có chỗ cho cử nhân” trong Cty của họ. Vì sao họ nói vậy? Hãy cùng nhìn nhận chất lượng cử nhân qua những người trong cuộc.

MỚI - NÓNG