Bác sỹ thú y bén duyên với gấc
Giữa các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng Tây Nguyên, bún gấc thiên nhiên của HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (HTX Nam Hà, huyện Cư Jút, Đắk Nông) nổi bật hẳn nhờ sắc cam lấp lánh, kèm theo quả gấc tươi tròn phụ họa. Anh Trần Đình Lượng - Giám đốc HTX Nam Hà cho biết, ngoài bún, đơn vị còn sản xuất thêm phở, sợi hủ tiếu, bánh tráng, tinh dầu, sản phẩm làm đẹp... Tất cả sản phẩm đều được chế biến kết hợp từ gấc và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện an toàn thực phẩm.
Vùng nguyên liệu gấc của HTX Nam Hà |
Nhìn anh Lượng nhiệt tình tư vấn sản phẩm cho khách, ít ai biết, xuất phát điểm của ông chủ trẻ là bác sĩ thú y. Anh Lượng chia sẻ, học bác sỹ thú y vì nghĩ nghề này cần thiết cho đất nước “lấy canh nông làm gốc”. Nhờ lợi thế ngoại ngữ, năm 2015 khi đang sinh viên năm nhất Trường Đại học Tây Nguyên, anh được gửi đi Israel thực tập. Một năm thực hành tại quốc gia được coi “Thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước, anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm và nhận ra phép màu ngay trong tay chúng ta. Năm 2018, anh tiếp tục được sang Đức thực tập tại một trang trại nông nghiệp.
Sản phẩm bún gấc thiên nhiên của HTX Nam Hà được chứng nhận đạt OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh Đắk Nông; sản phẩm dinh dưỡng, hóa phẩm từ gấc đoạt giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh năm 2021. Năm 2020, HTX được đánh giá là doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt toàn quốc tại cuộc thi thanh niên khởi nghiệp.
Tốt nghiệp ra trường, anh hăm hở về quê lập thân, lập nghiệp song vùng quê đang ảm đạm khi vườn hồ tiêu nhiễm bệnh, chết; cà phê giảm năng suất, giá cả lao dốc. Anh trăn trở, phải làm điều gì đó giúp bà con nên cất tấm bằng đại học còn thơm mùi mực in, khảo sát đất đai và tìm cây thay thế phù hợp. Thấy HTX Nam Hà đang phát triển cây gấc, anh Lượng tìm hiểu, nhận thấy gấc chứa nhiều dinh dưỡng đúng với danh xưng loại quả “đến từ thiên đường” và quyết định góp vào HTX. Từ kiến thức học được ở Israel, Đức, anh Lượng hỗ trợ bà con trồng, chăm sóc cây gấc theo chuẩn VietGAP, hướng tới hữu cơ. Nhờ đi đúng hướng, sản phẩm gấc rộng đường tiêu thụ. Những vườn cà phê, hồ tiêu chết yểu được thay thế bằng màu xanh của cây gấc, cho trái quanh năm.
Anh Lượng bên các sản phẩm từ gấc |
Ông Nguyễn Giáp Thỉnh - một nông dân trồng gấc bán cho HTX chia sẻ, trước đây ông làm giàn trồng bầu, bí, mướp bán cho một siêu thị ở Đắk Lắk. Tuy nhiên ông nhận thấy công việc rất vất vả, thức khuya dậy sớm, chưa kể, khi vận chuyển, chỉ cần bị trầy vỏ 1 chút là coi như bỏ. Về sau ông quyết định chuyển sang cây gấc. Theo ông, gấc chịu hạn tốt, trồng 1 lần cho quả trên 10 năm; thu hoạch xong, chở ra HTX bán, không bị trả hàng hay thức khuya dậy sớm.
Vượt ra vùng an toàn
Sau khi mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 100 héc-ta, anh Lượng thấy việc sấy khô màng gấc rồi xuất thô không nâng cao được giá trị sản phẩm, nên cùng cộng sự thử nghiệm làm bún gấc. Một vị khách hỏi: “Chỉ cần trộn màng gấc với gạo sẽ cho ra bún gấc?”, anh Lượng mỉm cười ban đầu cũng nghĩ thế nên phải nếm trải nhiều thất bại. “Để ép thành sợi bún có màu đỏ cam không khó, nhưng khi phơi khô lại bị giòn rụm hoặc rất dai. Vậy nên tôi cùng cộng sự phải điều chỉnh tỉ lệ pha trộn gạo với tinh chất gấc, nhiệt độ ép sợi, đặc biệt, nhào trộn bột thật kỹ lưỡng để cho ra mẻ bún thơm ngon, mềm dai đủ độ. Chất lượng gạo cũng rất quan trọng quyết định đến độ dai, mềm của sợi bún. Anh Lượng chọn phương pháp sấy bằng đèn hồng ngoại để giữ hương thơm, dưỡng chất trong bún gấc.
“Lượng rất điềm đạm, dám nghĩ, dám làm và dám dấn thân, có tố chất của người kinh doanh chân chính. Bạn ấy luôn khát khao đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn. Huyện Đoàn luôn đồng hành, kết nối để Lượng tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm. Về ý tưởng thành lập CLB khởi nghiệp, phía Đoàn, Hội đánh giá rất cao, đang cùng Lượng bàn kế hoạch triển khai trong thời gian tới”.
Chị Lê Thị Duy Linh, Phó bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Cư Jút
Sau nhiều tháng nghiên cứu, bún gấc thiên nhiên của HTX chính thức có mặt trên thị trường vào năm 2019. Dù sản phẩm mới, giá thành cao hơn các loại bún khác, song anh rất vui khi nhận nhiều phản hồi tích cực. Với nguồn vốn khiêm tốn, HTX Nam Hà chọn cách tiếp thị sản phẩm thông qua các siêu thị nhỏ, các nhà hàng… Trung bình mỗi năm, HTX đưa ra thị trường hơn 3.000kg bún gấc khô. Có động lực, anh làm thêm phở, hủ tiếu, bánh tráng gấc. Đặc biệt, anh cũng lấn sân sang sản phẩm làm đẹp như: Son dưỡng, xà phòng, sữa tắm… từ gấc.
Sản phẩm đang lưu hành tốt thì bất ngờ nằm kho, đứt gãy chuỗi cung ứng vì COVID-19. Hầu hết các đối tác tạm ngưng nhập hàng, trong khi HTX vẫn phải thu mua nguyên liệu nên áp lực quay vòng vốn rất lớn. Xác định khó khăn là thử thách, anh Lượng cùng các thành viên dồn thời gian nghiên cứu sản phẩm tinh dầu gấc. May mắn, HTX đã tìm được đối tác nước ngoài thu mua số lượng lớn. Nói về thành công, anh Lượng chia sẻ, nhờ kế thừa kinh nghiệm của tiền bối, kết hợp tư duy sáng tạo đổi mới của thế hệ trẻ, đưa quả gấc vươn xa. Hiện, doanh thu của HTX đạt trên 6 tỷ đồng/năm; trong đó 20% từ các sản phẩm chế biến sâu, còn lại sấy khô.