Ông Biden và sứ mệnh hàn gắn nước Mỹ

Nếu lên nắm quyền, ông Biden sẽ phải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc. Ảnh: AP
Nếu lên nắm quyền, ông Biden sẽ phải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc. Ảnh: AP
TP - Trong bài phát biểu sau khi nắm chắc phần thắng, ông Joe Biden tuyên bố “đã đến lúc hàn gắn” nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa chấp nhận thất bại và tiếp tục theo đuổi các vụ kiện để thay đổi kết quả. 

Chiến thắng của ông Biden tại Pennsylvania đưa ông vượt qua mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành tổng thống tiếp theo, chấm dứt 4 ngày căng thẳng chờ đợi từng diễn biến ở các bang chiến địa cuối cùng và kéo những người ủng hộ ông xuống đường phố trên khắp các thành phố lớn để ăn mừng.

“Người dân của quốc gia này đã lên tiếng. Họ trao cho chúng tôi một chiến thắng rõ ràng, một chiến thắng thuyết phục”, ông Biden nói trước đám đông ủng hộ tại thị trấn quê nhà ở Wilmington, bang Delaware.

Ông Biden cam kết rằng khi trở thành tổng thống, ông sẽ nỗ lực đoàn kết đất nước và “thống nhất các lực lượng” để chống đại dịch COVID-19, tìm lại sự thịnh vượng kinh tế, bảo đảm chăm sóc y tế cho các gia đình Mỹ và loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Không nhắc đến đối thủ, ông Biden nhắn nhủ tới 70 triệu dân Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Trump và nhiều người trong số đó đã kéo xuống đường để phản đối kết quả. “Tôi hiểu sự thất vọng của các bạn trong tối nay. Tôi cũng đã thất bại vài lần trong đời. Nhưng bây giờ hãy cho nhau cơ hội. Đã đến lúc bỏ đi những chỉ trích gay gắt, hạ nhiệt, nhìn lại nhau và lắng nghe nhau. Đây là thời điểm để hàn gắn nước Mỹ”, ông Biden nói.

Ông cũng cảm ơn các cử tri da màu, nói rằng cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã ủng hộ ông ngay cả ở thời điểm khó khăn nhất.

Lời chúc mừng ông đổ về từ khắp thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, khiến ông Trump khó thúc đẩy tuyên bố của mình mà không đưa ra bằng chứng, rằng cuộc bầu cử này bị gian lận để chống lại ông.

Đang chơi golf khi các đài truyền hình lớn khẳng định ông Biden chiến thắng, ông Trump ngay lập tức cáo buộc ông Biden “vội vã giả vờ là người thắng cuộc”.

“Cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc”, ông nói trong một tuyên bố.

Ông Trump đã nộp nhiều đơn kiện để bác bỏ kết quả, nhưng các quan chức phụ trách bầu cử ở nhiều bang khẳng định không có bằng chứng xảy ra gian lận đáng kể. Các chuyên gia pháp lý cho rằng nỗ lực của ông Trump khó có cơ hội thành công.

Khi có tin ông Biden đã có đủ phiếu đại cử tri, những tiếng hò reo và vỗ tay vang lên khắp thủ đô Washington khi người dân kéo ra ban công, bấm còi xe và gõ xoong nồi. Nhiều người dân kéo đến Nhà Trắng để ăn mừng bên ngoài hàng rào an ninh khi pháo hoa rực sáng bầu trời.

Phe ủng hộ ông Trump phản ứng với sự thất vọng và hoài nghi, cho thấy nhiệm vụ khó khăn mà ông Biden sẽ phải đối mặt để giành được tình cảm của một bộ phận lớn người dân Mỹ, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi người dân tin rằng ông Trump là tổng thống đầu tiên quan tâm đến lợi ích của họ.

Những người ủng hộ ông Trump tập trung bên ngoài trụ sở cơ quan lập pháp ở các bang Michigan, Pennsylvania và Arizona. “Chúng tôi muốn kiểm tra”, “Chúng tôi sẽ thắng ở toà án!” là những khẩu hiệu được họ giương lên.

Đồng minh của ông Trump tại Thượng viện, ông Lindsey Graham, kêu gọi Bộ Tư pháp điều tra cáo buộc xảy ra nhiều bất thường trong bầu cử. Những người thân cận với ông Trump tuyên bố ông sẽ không sớm lùi bước.

Nhiều khó khăn chờ đợi

Với những người ủng hộ ông Biden, thật phù hợp khi Pennsylvania quyết định chiến thắng của ông. Ông sinh ra ở thành phố công nghiệp Scranton ở vùng đông bắc, luôn tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, giành được đề cử của đảng Dân chủ với lời hứa sẽ giành lại ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động đã bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016.

Ông đang gặp phải những thách thức chưa từng có, nhất là đại dịch COVID-19 khi đã có hơn 237.000 người Mỹ thiệt mạng.

Khi bước vào Nhà Trắng vào ngày 20/1, ông Biden ở tuổi 78 và sẽ là người cao tuổi nhất từng nhậm chức tổng thống Mỹ. Ông chắc chắn sẽ rất khó khăn khi phải làm việc ở Washington chia rẽ sâu sắc, thể hiện ở số lượng cử tri bỏ phiếu cho ông Trump trong đợt bầu cử này.

Cả hai phe đều gọi cuộc bầu cử năm 2020 là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ, giống như cuộc bầu cử sau nội chiến Mỹ 1860 hay cuộc Đại suy thoái những năm 1930.

Đối với ông Trump, 74 tuổi, đây là kết thúc lộn xộn sau sự trỗi dậy đáng kinh ngạc trên chính trường Mỹ. Vị tỷ phú ngành bất động sản được cả nước biết đến với chương trình truyền hình thực tế ăn khách đã đánh bại đối thủ Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua năm 2016. Bốn năm sau, ông trở thành một trong số ít tổng thống trong lịch sử Mỹ không thể đắc cử lần thứ hai.

Theo luật Mỹ, quá trình chuyển giao sẽ diễn ra từ nay đến trước 20/1/2021, thời điểm tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức. Ngày 8/12, các bang sẽ chọn đại cử tri. Ngày 14/12, các đại cử tri bỏ phiếu để bầu tổng thống và phó tổng thống. Các đại cử tri cơ bản sẽ dựa vào đa số phiếu của các bang. Từ nay đến lúc đó, uỷ ban bầu cử ở các bang sẽ phải xác nhận kết quả cuối cùng về số phiếu phổ thông. Sau khi các đại cử tri bỏ phiếu xong, các bang sẽ xác nhận rồi gửi kết quả lên Quốc hội Mỹ. Ngày 6/1/2021, Quốc hội Mỹ chính thức kiểm phiếu và công bố người chiến thắng. Đó là thời điểm chính thức biết ai sẽ là tổng thống Mỹ tiếp theo. 

MỚI - NÓNG