Giờ đây, bà Thomas-Greenfield đã trở lại và đang dẫn đầu nhóm chuyển giao của ông Joe Biden nhằm xây dựng lại bộ ngoại giao.
Đó sẽ là một chiến dịch tham vọng nhằm xây dựng lại hàng ngũ bằng cách triệu hồi những quan chức kỳ cựu giống như chính bà, và tái bổ nhiệm khoảng 1.500 vị trí đã bị thay thế dưới thời ông Trump, cũng như bổ nhiệm những vị trí đại sứ còn trống.
Ông Biden có thực hiện được lời hứa khôi phục “tình trạng bình thường” trong chính phủ Mỹ hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi sinh những cơ quan quan trọng, bắt đầu từ bộ ngoại giao và cơ quan bảo vệ môi trường.
“Sẽ cần phải tái thiết chính phủ ở hàng loạt vị trí”, Max Stier, chủ tịch Partnership for Public Service, tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động để nâng cao hoạt động của chính phủ liên bang, nói.
Bà Thomas-Greenfield ủng hộ sử dụng người dựa trên cả kinh nghiệm và tính đa dạng. “Sự giải giáp ngoại giao đơn phương của chính quyền Trump nhắc nhở chúng ta rằng xây khó hơn phá. Đất nước này không thể có sự xa xỉ là chờ đợi bổ sung mang tính thế hệ”, bà Thomas-Greenfield viết trên tạp chí Foreign Affairs gần đây.
Đến lúc này, việc ông Trump từ chối công nhận thất bại đang làm chậm nỗ lực chuẩn bị nhân sự của bà Thomas-Greenfield vì không được tiếp cận ngân sách và thông tin quan trọng.
Giai đoạn quá độ rất quan trọng vì đó là thời gian chuyển những lời hứa lúc tranh cử thành chính sách, nguyên tắc, truyền thông và xác định ai là người ở lại, ông Denis McDonough, cựu chánh văn phòng dưới thời chính quyền Obama, nói.
Ông nói từng bị các nhân viên kỳ cựu đầy lo âu chặn trên phố, sau khi ông Trump đắc cử năm 2016, để hỏi câu: “Liệu tôi có nên ở lại?”. Ông cho biết câu trả lời hồi đó của ông luôn là: “Chúng ta cần những chuyên gia phi chính trị để thúc đẩy lợi ích quốc gia, không phải lợi ích đảng phái”.
Ông Biden dự kiến sẽ bổ nhiệm các nhà ngoại giao kỳ cựu phi đảng phái vào các vị trí cấp cao, sau khi họ bị thay thế dưới thời ông Trump.
“Mọi thứ sẽ bắt đầu bằng việc bổ nhiệm. Điều cực kỳ dị thường trong lịch sử hiện đại của bộ ngoại giao là hoàn toàn không có quan chức kỳ cựu nào là trợ lý ngoại trưởng... Không có một người Mỹ gốc Phi nào ở cấp trợ lý ngoại trưởng trở lên”, Uzra Zeya, nhà ngoại giao có 27 năm kinh nghiệm nói với LA Times.
Số người thi vào các phái đoàn ngoại giao Mỹ giảm từ 20.000 trong những năm nhiệm kỳ của ông Obama xuống chưa đầy 5.000 hiện nay.
Sắp công bố danh sách
Ông Biden dự kiến sẽ công bố danh sách một số nhân sự chủ chốt trong tuần sau. Ngày 19/11, ông Biden nói rằng ông đã quyết định lựa chọn vị trí bộ trưởng Tài chính, nhưng các trợ lý cho biết ông cũng đã có quyết định đối với những vị trí quan trọng khác trong nội các. Vị trí ngoại trưởng dự kiến sẽ được công bố trước Lễ Tạ ơn (26/11), có thể vào thứ Hai và Ba tuần sau, CNN đưa tin.
Ông Biden thường chậm đưa ra quyết định, đặc biệt trong vấn đề nhân sự, nhưng công việc này đang được đẩy nhanh vì ông Trump không chịu hợp tác.
Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth đang được cân nhắc cho vị trí bộ trưởng quốc phòng. Nếu được xác nhận, đây sẽ là quyết định lịch sử, vì bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Lầu Năm Góc. Bà Michèle Flournoy, người từng đảm nhận các vị trí quan trọng dưới thời chính quyền Clinton và Obama, cũng là một ứng viên hàng đầu. Đại dịch COVID-19 và hậu quả kinh tế sẽ khiến ông Biden phải mất nhiều tháng đầu để xử lý. Vì thế, các quan chức và cựu quan chức cho rằng ông sẽ chọn ngoại trưởng là một người giàu kinh nghiệm tại bộ ngoại giao để không phải mất thời gian đào tạo.
Điều đó khiến bà Susan Rice, người từng đảm đương nhiều chức vụ từ châu Phi đến Liên Hợp Quốc, trở thành lựa chọn hàng đầu. Bà Rice và ông Biden hiện có quan hệ tốt đẹp. Một ứng viên tiềm năng khác là ông William Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao dưới thời Obama và hiện là chủ tịch Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế. Nghị sĩ Dân chủ bang Delaware Chris Coons, người đang giữ chức vụ cũ của ông Biden tại Thượng viện, và Thượng nghị Chris Murphy cũng được đánh giá là ứng viên tiềm năng, theo tạp chí Politico.