Ông Biden cố ghi điểm trước chuyến công du châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Ngày 29/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường thực hiện chuyến công du thứ hai, sau khi công bố đề xuất gói ngân sách hàng ngàn tỷ USD mà ông nói là có vai trò quan trọng để quyết định vị thế của Mỹ.

Chuyến đi lần này trở thành giao điểm mạnh mẽ giữa chương trình nghị sự trong nước và đối ngoại, khi ông Biden cố gắng thuyết phục những người cùng đảng Dân chủ ủng hộ gói đề xuất ngân sách trước khi ông lên chiếc Không lực Một sang Roma (Ý) dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (Hội nghị G20).

Trong phát biểu tại Nhà Trắng trước khi lên đường, ông Biden nói về cuộc mặc cả kéo dài hàng tháng xung quanh đề xuất ngân sách như một nỗ lực thiện chí để tìm ra điểm thoả hiệp giữa hai phe tự do và ôn hoà trong đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ có vẻ thừa nhận sự thất vọng của một số thành viên trong đảng sau khi những điều khoản mà ông ca ngợi từ lâu như trả lương cho người nghỉ phép và giáo dục đại học cộng đồng miễn phí đã bị loại khỏi thoả thuận cuối cùng. “Tôi biết điều đó khó khăn. Tôi biết mọi người thất vọng như thế nào về những điều mà họ đã đấu tranh”, ông nói.

Trước khi lên đường dự 2 hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn, ông nói rằng những khoản đầu tư mới sẽ là vấn đề cấp thiết đối với quốc gia. “Đó là vấn đề dẫn dắt thế giới hoặc là để thế giới vượt qua chúng ta”, ông nói. Khuôn khổ này sẽ “đưa chúng ta vào một con đường không chỉ để cạnh tranh mà để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21 với Trung Quốc và mọi nước lớn khác trên thế giới”, ông Biden nói sau khi trình Quốc hội Mỹ thoả thuận khung cho kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” mang dấu ấn của ông, với trị giá 1,75 nghìn tỷ USD, Reuters đưa tin.

Vì không thể thuyết phục hai đảng đồng ý, gói ngân sách đề xuất đã bị giảm một nửa so với mức đưa ra ban đầu. Ông Biden cũng phải từ bỏ kế hoạch tăng thuế đối với các doanh nghiệp, người giàu và nhà đầu tư triệu phú.

“Khi tổng thống lên máy bay, chúng tôi muốn ông ấy có một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội này”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trước các nghị sĩ Dân chủ dự cuộc họp. Chủ tịch Hạ viện nhấn mạnh rằng bà muốn một cuộc bỏ phiếu về gói ngân sách hạ tầng của lưỡng đảng vào cuối ngày 28/10, và nhắc nhở những người cùng đảng đừng làm ông Biden xấu hổ bằng cách phủ quyết gói đề xuất trước.

Điều này khiến ông Biden đứng trước hai khả năng: hoặc ông sẽ gặp các lãnh đạo toàn cầu sau khi đã giành được một chiến thắng lập pháp lớn trong nước hoặc bay qua Đại Tây Dương mà không có gì trong tay.

Những diễn biến đó cho thấy ông Biden coi thành công ở trong nước có vai trò như thế nào trong nỗ lực theo đuổi các mục tiêu ở nước ngoài. Trong những cuộc gặp riêng, ông Biden thừa nhận uy tín của ông đang bị đe doạ khi ông đang cố đạt được thoả thuận về nhiều chương trình hành động trong nước, trong đó có lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Cuộc gặp được chú ý

Ông Biden nhấn mạnh rằng chủ đề chính trong nhiệm kỳ của ông là người Mỹ phải thể hiện với thế giới rằng mô hình dân chủ kiểu Mỹ hoạt động hiệu quả hơn và có thể xử lý những thách thức ngày nay. “Cả thế giới đang băn khoăn rằng chúng ta có thể vận hành hay không”, CNN dẫn lời ông Biden.

Tuy nhiên, các thành viên tự do trong Quốc hội Mỹ nói họ vẫn muốn biết thêm chi tiết, sau khi những nội dung như trả tiền nghỉ phép bị loại bỏ. Và họ vẫn kiên quyết yêu cầu phải thông qua dự luật chi tiêu xã hội đồng thời với dự luật hạ tầng. Khuôn khổ bao gồm hàng loạt ưu tiên của đảng Dân chủ, như mở rộng trường mầm non công lập và chăm sóc trẻ em, cùng với khoản đề xuất 555 tỷ USD dành cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Khí hậu là một trong những chủ đề mà Tổng thống Mỹ sẽ nói tới trong buổi tiếp kiến Giáo hoàng Francis. Đó sẽ là một cuộc gặp lịch sử giữa vị tổng thống theo Công giáo Roma thứ hai của Mỹ với vị Giáo hoàng có những quan điểm tương đồng về di cư, bất bình đẳng thu nhập và môi trường. Sau đó, ông Biden dự kiến có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26) tại Glasgow (Scotland).

Ở nước ngoài, ông Biden vẫn được coi là cứu cánh sau 4 năm của người tiền nhiệm Donald Trump, người đã gây nhiều náo loạn tại các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, tại Hội nghị G20 và các cuộc họp bàn về khí hậu sau đó tại Scotland, ông Biden cũng sẽ gặp nhiều soi xét.

Các trợ lý của ông Biden từng hy vọng sắp xếp một cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20, như ông Trump đã làm hồi năm 2018 ở Argentina. Ông Biden và ông Tập chưa có cuộc gặp trực tiếp nào từ khi ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, và ông Tập cũng chưa một lần rời khỏi đất nước từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Thay vào đó, ông Biden dự kiến sẽ có cuộc gặp trực tuyến với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những tháng tới. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết thời gian vẫn chưa được ấn định.

Vì thế, cuộc gặp song phương được chú ý nhất của ông Biden dịp này là với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã phản ứng gay gắt sau khi Mỹ, Anh và Úc thông báo lập liên minh ba bên để bán công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc. Cơn thịnh nộ của Paris khiến Washington cũng bực tức, cho rằng nhà lãnh đạo Pháp làm đến mức đó là vì sẽ phải chạy đua tái tranh cử vào đầu năm sau. Tuy nhiên, ông Biden đã nói một cách ôn hoà trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Pháp, thừa nhận rằng trao đổi nhiều hơn sẽ tốt hơn cho hai bên. Và ông đồng ý sẽ gặp trực tiếp ông Macron tại Hội nghị G20.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ dự và phát biểu tại Hội nghị G20 từ ngày 30-31/10 tại Roma thông qua video ghi hình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ngày 29/10. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng sẽ không tham dự trực tiếp.

Theo Reuters, CNN
MỚI - NÓNG