Hút nước giếng làm nước đá
Tại một cơ sở sản xuất trên đường Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q1, TP.HCM nước đá viên đổ thành đống xuống sàn nhà cáu bẩn. Trần nhà cơ sở lợp bằng tôn đầy mạng nhện, chung quanh chỉ che chắn sơ sài, còn các khay làm đá thì gỉ sét, bụi bám đầy. Cách đó không xa là một cơ sở sản xuất nước đá cây. Khu vực làm đá nhếch nhác, bẩn thỉu, ẩm ướt, trên nền đầy nước đọng. Những cây đá lớn bị dẫm đạp, ném xuống nền đất, sau đó để vào các bao tải gai chuyển đến các cơ sở bán nước giải khát.
Tương tự, tại cơ sở sản xuất nước đá cây ở huyện Hóc Môn, toàn bộ qui trình từ lấy, lọc nước, làm lạnh, bảo quản rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ đều rất mất vệ sinh. Cơ sở này sử dụng nước giếng làm nước đá nhưng hệ thống lọc cực kỳ đơn sơ. Người làm thản nhiên đi chân đất trên miệng khuôn...
Theo quan sát của chúng tôi, tất cả cơ sở sản xuất được khảo sát đều làm theo kiểu “nhiều không”: không bảo hộ lao động, không che chắn, nhân viên không đeo găng tay, không khẩu trang, khay đựng đá không được che đậy khiến bụi bặm bay vào bất cứ lúc nào. Hầu hết đều sử dụng nước giếng khoan, không qua quá trình xử lý, lọc hay lắng cặn.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, hiện thành phố có hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá cây và viên. Trong năm 2014, các đoàn liên ngành đã kiểm tra và phát hiện trên 80 cơ sở (43%) vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nguồn nước đều được xử lý qua loa, không được kiểm định. Theo quy định, nước giếng phải được lọc kỹ trước khi đưa vào sản xuất nước đá vì nước giếng thường nhiễm thạch tín, phèn, sắt, các chất hữu cơ...
Còn theo quy trình sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn thì nước phải được lấy từ độ sâu hàng trăm mét, sau đó xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược, diệt vi khuẩn bằng tia cực tím rồi mới cho vào bộ phận làm lạnh. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều phải bằng inox, hoặc thiết bị chống gỉ sét. Khi bảo quản đá phải có phòng cách ly với bên ngoài...
Nước đá pha bụi cát
Tại khu vực chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, vào buổi sáng, nước đá cây được các đại lý xếp đống trên vỉa hè để chuẩn bị phân phối đến các nơi tiêu thụ, bên dưới chỉ lót một lớp bao mỏng.
Còn tại các hàng quán, nước đá được bảo quản càng mất vệ sinh hơn, nhất là các hàng quán vỉa hè, trước cổng bệnh viện, bến xe. Trước cổng bệnh viện Ung Bướu TPHCM, nhiều quán cà phê cóc chất nước đá cây, đá viên trong một thùng xốp nhỏ đen ngòm. Người bán dùng tay bốc đá cho vào ly; người mua vô tư uống mà không quan tâm đến vệ sinh, miễn làm sao cho thỏa cơn khát.
Thậm chí những lúc giữa trưa, khi đá hết mà khách vẫn đông, người bán hàng này còn tận dụng đá thừa của khách để cho vào thùng rồi lại bóc ra bán tiếp. Đáng lưu ý, một số quán không sử dụng đá viên tinh khiết mà dùng đá cây đập vụn cho vào thùng xốp bảo quản để bán cà phê, nước giải khát, trong khi theo quy định đá cây chỉ được dùng để ướp thực phẩm.
Nước đá không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn là nguồn lây bệnh nguy hiểm, chứa các loại vi khuẩn, gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp. Trong năm 2014, các đoàn liên ngành đã lấy 107 mẫu nước đá để xét nghiệm và ghi nhận 12 mẫu (9 mẫu đá viên, 3 mẫu đá cây) nhiễm các loại vi khuẩn như Coliforms, E. Coli, Feacal Streptoccoc và Pseudomonas aeruginosa.
Theo lời khuyên của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, người dân phải có ý thức trong việc sử dụng nước đá; tuyệt đối không dùng nước đá ướp thực phẩm như thịt, cá, trái cây... chung với nước đá dùng để uống vì có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.