Oái ăm, máy hỏng thường xuyên vẫn muốn nhân rộng

Máy tập kết hợp lọc nước tại hồ Thanh Nhàn hỏng hóc, bể thủy sinh cỏ dại mọc um tùm.
Máy tập kết hợp lọc nước tại hồ Thanh Nhàn hỏng hóc, bể thủy sinh cỏ dại mọc um tùm.
TP - Cách đây hơn 1 năm, người dân Hà Nội rất phấn khởi khi những chiếc máy tập kiêm chức năng lọc sạch nước hồ được đưa vào thử nghiệm. Đến nay, những chiếc máy này đã bắt đầu hỏng hóc do ít người tập và thiếu sự duy tu. Tuy nhiên, chủ dự án vẫn muốn nhân rộng mô hình này.  

Mỗi tháng hỏng một lần

Đều đặn vào mỗi sáng, ông Thương (ngõ 281 Trần Khát Chân) lại ra hồ Thanh Nhàn để tập thể dục. Ngoài đi bộ, tập vẫy tay dưỡng sinh, ông còn dành 15 phút để tập với máy tập thể dục tích hợp lọc nước tại đây. Ông Thương cho biết, chiếc máy rất hay, vừa tập được đạp xe, vừa kết hợp được cả động tác tay nên nhiều người tới để tập. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng sử dụng, chiếc máy đã nhanh chóng xuống cấp. Bộ phận đạp bị hoen gỉ, đạp rất nặng, hầu như mọi người chỉ đạp được 1, 2 cái rồi bỏ. Do lâu ngày hỏng hóc, bể lọc nước và cây thủy sinh đã khô cong, cỏ dại mọc um tùm.

Ghi nhận lúc 7 giờ sáng ngày 10/5 tại hồ Hai Bà Trưng, đang có một số người dân tập thể dục tại đây nhưng không ai sử dụng máy. Ông Đỗ Văn Hoàn (phố Đồng Nhân) cho biết, máy thể dục này rất hữu ích nhưng cũng rất hay hỏng. Lúc thì ốc vít ở cần đạp bung gãy, lúc nước không lên bể, khi thì đạp rất nặng không rõ nguyên nhân. “Cứ hơn tháng máy lại hỏng một lần, mỗi lần như thế lại chờ thêm cả tháng mới có người đến sửa chữa”, ông Hoàn nói.

Còn tại hồ Xã Đàn (Nam Đồng), mặc dù đặt vị trí đẹp với 4 máy đạp nhưng thời điểm hơn 1 tuần trước đây, hầu như không ai sử dụng. Ông Đức Tuyền, một người dân tại đây cho hay, không khí trong lành mới tập thoải mái được. Có thời điểm, trời nóng nực, nước hồ ô nhiễm bốc mùi xú uế khiến cho máy bị bỏ không. 

Được biết, thiết bị này gồm hai bộ phận, máy tập thể dục và bộ phận bể lọc nước bao gồm các cấp lọc thô thông thường kết hợp sử dụng các loại cây có khả năng hấp thu chất ô nhiễm trong nước. Các máy tập này tích hợp bơm cơ học giúp bơm nước hồ lên bể lọc. Khi người tập thể dục sử dụng máy sẽ khiến bơm hoạt động. Thiết bị đã đoạt giải Eidea do Hội đồng Anh tổ chức năm 2011.

Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội- đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm mô hình trên địa bàn thành phố cho biết, các máy đã được lắp đặt ở bốn hồ Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng và Thanh Nhàn. Một ngày có khoảng 50 lượt người sử dụng/máy trong thời gian 10 phút, lọc được bình quân từ 14 - 24m3 nước/máy/ngày. Năm 2016, Quỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát để lắp đặt thiết bị ở 4 hồ khác.

Dễ biến thành các bãi rác trên hồ

Nhận thông tin mà phóng viên phản ánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phòng Môi trường, Viện Nước, tưới tiêu và môi trường (IWE), Chủ nhiệm Dự án máy tập thể dục bảo vệ môi trường vẫn khẳng định: Máy chạy tốt, không hề có chuyện hư hỏng. Tuy nhiên, khi hỏi về các vấn đề vận hành của máy tại các hồ, bà Ngọc Anh cho rằng: Đã bàn giao nên không nắm rõ hiệu quả của máy trên các hồ Hà Nội hiện nay như thế nào.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Triệu Như Long cho biết, chiếc máy tập thể dục lọc nước hồ đã được lắp đặt trên địa bàn hơn 2 năm. Thời gian đầu mọi người có sử dụng, sau này thì hầu như bỏ không. Không được sử dụng thường xuyên, cùng việc không được duy tu bảo dưỡng khiến máy hoen gỉ, xuống cấp. Thời gian gần đây đã có người của Sở Tài nguyên - Môi trường tới bảo dưỡng nhưng lượng người dùng vẫn hạn chế. Bởi thực tế, không khí tại hồ Thanh Nhàn khá ô nhiễm nên người dân cũng hạn chế việc tập thể dục tại đây.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, việc cải tạo môi trường các hồ Hà Nội dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có việc tăng cường diệt tảo, vứt váng, khử mùi chống ô nhiễm… Ông Hùng cho biết thêm, so với lượng nước trong hồ, việc tập thể dục để lọc nước giảm ô nhiễm gần như không có tác dụng gì.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, máy tập thể thao kết hợp lọc nước chỉ phù hợp với những hồ đang rất sạch. Việc tiếp tục lọc hồ sẽ khiến việc trao đổi ôxy được tiến hành, hồ càng thêm trong lành. Với một hồ đã ô nhiễm, có bổ sung hàng chục máy nữa cũng không có tác dụng. Cùng với đó, người dân không ai ra tập thể dục tại một hồ ô nhiễm để hít thở không khí cả. “Cần đánh giá hiệu quả của loại máy này một cách cẩn trọng, tránh lãng phí tiền ngân sách. Nếu không cẩn thận, trên hồ cũng sẽ biến thành bãi rác”, bà Lý nhấn mạnh.     

Một đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ chuyển quyền quản lý các máy tập kết hợp lọc nước cho các phường. Các phường có trách nhiệm trích một phần ngân sách về bảo vệ môi trường để duy tu, bảo dưỡng các thiết bị trên địa bàn.

MỚI - NÓNG