Ô tô nhập khẩu về Việt Nam thấp kỷ lục

Honda quyết định nhập khẩu nguyên chiếc CRV 2018 từ Thái Lan về Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế
Honda quyết định nhập khẩu nguyên chiếc CRV 2018 từ Thái Lan về Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế
TPO - Còn hơn 1 tháng nữa sẽ bước sang năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN giảm về 0%. Tuy nhiên, trước những thay đổi trong chính sách, thuế, nhất là hiệu lực của Nghị định 116, nhiều chuyên gia cho rằng, lượng xe nhập từ Thái Lan và Indonesia sẽ khó tăng đột biến.

Nhiều hãng điều chỉnh chiến lược

Đến hết tháng 10/2017, thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục chững lại, doanh số chung (không bao gồm xe tải và xe buýt) chỉ đạt 14.694 xe, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Công ty Toyota Việt Nam (TMV) – đang chiếm thị phần lớn nhất trong VAMA ở mảng xe du lịch, chịu ảnh hưởng chung của thị trường, tổng doanh số bán hàng của công ty trong tháng 10 chỉ đạt 4.397 xe, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ở phân khúc xe thương mại (CV), công ty này đã giảm nguồn cung và bán ra 663 xe Innova, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2016. Trong phân khúc xe nhập khẩu và phân phối (CBU), Fortuner cũng chỉ bán được 994 chiếc, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, ngay sau khi Nghị định 116 của Chính phủ ban hành ngày 17/10, Toyota và các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã tiếp tục gửi kiến nghị xin tháo gỡ khó khăn, nới lỏng các điều kiện về nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, bảo hành, bảo dưỡng, thử nghiệm ô tô.

Ngay từ đầu tháng 11, TMV đã công bố chương trình khuyến mãi giảm từ 24 đến 60 triệu đồng đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước như Vios, Innova để kích cầu mua sắm.

Đại diện Ford Việt Nam cũng cho hay, trước tình hình thị trường ô tô đang có dấu hiệu giảm nhiệt do khách hàng có tâm lý chờ đợi các chính sách thuế mới có hiệu lực vào tháng 1/2018, doanh số tháng 10 của hãng chỉ tăng nhẹ với 2.282 xe được bán ra.

Honda Việt Nam cũng sụt giảm mạnh thị phần so với tháng trước. Tuy nhiên, liên doanh này cũng đã có những toan tính từ trước, sớm xả hết hàng (đặc biệt là dòng Honda CR-V) trong tháng 9 để chuẩn bị tung ra thị trường các mẫu xe mới.

Trả lời câu hỏi: Nghị định 116 ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ở Việt Nam? Liệu Honda Việt Nam có điều chỉnh từ nhập khẩu sang sản xuất lắp ráp thêm các mẫu xe mới ở Việt Nam trong năm 2018 không, ông Toshio Kuwahara, Tổng Giám đốc Cty Honda Việt Nam cho biết: “Do ảnh hưởng từ Nghị định 116 và cam kết tại các hiệp định tạo thuận lợi thương mại, chúng tôi đã quyết định ngừng lắp ráp phiên bản CRV tại Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu phiên bản CRV thế hệ thứ 5, đời 2018 từ Thái Lan. Đây là mẫu xe đủ điều kiện được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% vào năm 2018. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì lắp ráp mẫu xe City ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu một cách tích cực các nội dung liên quan đến nghị định, chính sách để có thể sản xuất, lắp ráp các dòng xe mới khác ở Việt Nam”.

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam thấp kỷ lục ảnh 1

Ông Toshio Kuwahara, Tổng Giám đốc Cty Honda Việt Nam cho biết việc điều chỉnh nhập khẩu xe dựa trên các điều tra về quy mô thị trường, năng lực, công suất, sản lượng và ảnh hưởng của chính sách tới giá thành xe.

Về giá bán của mẫu xe CRV lần này, ông Toshio Kuwahara cho biết mới chỉ dự kiến giá bán dưới 1,1 tỷ đồng. Công ty nhận đặt hàng từ tháng 12/2017, dự kiến bàn giao từ tháng 1/2018. Khi được hỏi liệu Nghị định 116 có ảnh hưởng đến thời gian bàn giao xe cho khách hàng đầu năm 2018 hay không? Lãnh đạo Honda Việt Nam cho biết: “Tùy thuộc vào số lượng đăng ký đơn hàng của khách, chúng tôi sẽ có trả lời chính xác từ phía các đại lý cho khách hàng”.

Theo lãnh đạo Honda Việt Nam, ảnh hưởng từ Nghị định 116 không chỉ là vấn đề riêng của công ty mà liên quan tới tất cả các thành viên trong VAMA. Do đó, Honda Việt Nam sẽ thông qua VAMA để kiến nghị và đối thoại trực tiếp với Chính phủ Việt Nam nhằm có những xem xét, điều chỉnh hợp lý. “Hiện nay, Nghị định này chưa có Thông tư hướng dẫn. Vì vậy, thời điểm này chúng tôi chưa có thêm ý kiến gì về việc nội dung của Nghị định ảnh hưởng cụ thể như thế nào tới các mẫu xe của Honda Việt Nam” – ông Toshio Kuwahara cho hay.

Mấy tháng đầu năm 2018 sẽ sụt giảm số lượng

Liên tiếp từ đầu năm 2017 đến nay, Thái Lan và Indonesia vẫn thay nhau “thao túng” thị trường xe nhập ở Việt Nam, chiếm tới 60% tổng số xe, đánh bật các đối thủ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh và Đức. Nguyên nhân bởi xe nhập từ các nước này về Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi thuế nhập khẩu giảm từ 40% năm 2016 xuống còn 30% trong năm 2017.

Đó cũng là điều dễ hiểu khi từ đầu năm 2017, một số liên doanh ô tô lớn nhất nhì thị trường Việt Nam đã thay đổi chính sách từ sản xuất, lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc một số mẫu xe từ Indonesia và Thái Lan như Toyota nhập Fortuner, Honda nhập City và Civic...

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến nay, Thái Lan vẫn duy trì ngôi vị quán quân trong làng xe nhập khẩu. Riêng trong tháng 10, dù có sụt giảm số lượng so với tháng 9 nhưng nước này vẫn dẫn đầu thị trường xe nhập vào Việt Nam với 2.291 chiếc. Tháng 9, nước này cũng dẫn đầu với 2.765 xe nhập về Việt Nam. Tháng 8, xe Thái xếp thứ 2, sau Indonesia. 

Cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng 10, Indonesia nhập khẩu tổng số 16.000 chiếc, tăng gần 13.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2016, tăng mạnh nhất trong các thị trường xe nhập vào Việt Nam.

Trong khi đó, dù mức tăng không cao song Thái Lan vẫn đang là thị trường cung cấp lượng xe nhập lớn nhất cho Việt Nam. 10 tháng đầu năm, Thái Lan đã cung ứng cho Việt Nam 28.900 xe, tăng hơn 2.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm 9 nước xuất khẩu xe hơi lớn nhất vào Việt Nam, 10 tháng đầu năm ghi nhận 4 thị trường có lượng xe nhập nguyên chiếc giảm mạnh nhất. Trong đó, Hàn Quốc giảm hơn 8.700 chiếc, Ấn Độ giảm gần 8.000 chiếc, Nhật Bản giảm hơn 3.700 chiếc, Đức giảm hơn 1.400 chiếc.

Bên cạnh giảm lượng xe nhập về Việt Nam thì dòng xe nhập cũng được điều chỉnh. Đó cũng là lý do khiến các dòng xe nhập có giá bán trung bình tăng lên. Chẳng hạn, xe Ấn Độ tháng 9/2017 có giá trung bình chỉ 480 triệu đồng/chiếc, nhưng sang tháng 10, giá xe lên đến gần 1,3 tỷ đồng/chiếc. Dòng xe giá rẻ trong đó có Hyundai không còn được nhập nhiều từ Ấn Độ về Việt Nam nữa, thay vào đó là các loại xe liên doanh của Ấn Độ với Pháp, Đức.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải Quan, trong tháng 10/2017 cả nước đã nhập khẩu 5.838 xe ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 4,5% về số lượng và 6,1% về giá trị. Đáng chú ý nhất là lượng xe ô tô dưới 9 chỗ về Việt Nam tiếp tục thấp kỷ lục với chỉ 878 chiếc được nhập về trong tháng 10/2017.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), dự báo những tháng cuối năm 2017, đầu 2018 lượng xe nhập khẩu về Việt Nam sẽ tiếp tục sụt giảm, giá xe cũng có thể bị điều chỉnh tăng lên do thay đổi các chính sách thuế, nhất là ảnh hưởng từ Nghị định 116.

Trước đó, các doanh nghiệp rục rịch chuyển sang nhập khẩu mạnh xe từ Thái Lan, Indonesia để hưởng thuế ưu đãi cũng đã khiến cho nguồn thu ngân sách của ngành Hải quan sụt giảm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.