Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân

0:00 / 0:00
0:00
Số tiền trung bình khoảng 40-50 triệu đồng một tháng từ việc cho thuê trọ, thuê cửa hàng, bán trà đá giúp gia đình chị Duyên có cuộc sống "nhàn tênh" giữa một vùng quê đang dần đô thị hóa.

Kiếm hàng chục triệu từ việc cho thuê trọ, bán trà đá

Buổi sáng hàng ngày, chị Phùng Thị Duyên lái xe máy kéo chiếc xe tự chế ra khu vực chân cầu vượt Phú Cát (xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) rồi tất bật dọn quầy trà đá.

Nhờ quán trà đá nhỏ này, chị Duyên thu về khoảng 300.000 đồng mỗi ngày, có đợt đông khách, cao điểm chị thu về 500.000 đồng/ngày.

Những ngày cao điểm, đông khách mà chị Duyên kể là thời điểm trước dịch COVID-19 hay khi hoạt động mua bán, giao dịch bất động sản khu vực Hòa Lạc sôi động. Khách khắp nơi đổ về xem đất lại dừng chân uống trà đá, bàn chuyện giá cả.

Chị Phùng Thị Duyên sống ở thôn 2 (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất) địa phương giáp ranh với xã Thạch Hòa nơi có Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - khu vực sau này dự kiến sẽ trở thành thành phố mới của Hà Nội.

Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân ảnh 1

Xã Hạ Bằng nơi chị Duyên sống, nhà cửa cao tầng mọc lên san sát.

Ngồi ở quán nước dưới chân cầu vượt Phú Cát, chỉ tay chếch sang phía bên trái, chị Duyên kể, con đường trước mặt vốn có một phần đất ruộng của gia đình chị. Khi quy hoạch xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đất ruộng bị thu hồi phục vụ mở đường.

Chị Duyên sống cùng bố mẹ chồng. Cách đây ít năm, khi các công ty trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đi vào hoạt động, ngày càng có nhiều công nhân tới đây sinh sống.

Nhận thấy nhu cầu thuê trọ tăng cao, gia đình chị Duyên đã xây dựng một khu 20 phòng trọ cho công nhân, sinh viên thuê. Giá thuê từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng.

Gia đình có một mảnh đất mặt tiền ở khu vực sầm uất của xã Hạ Bằng. Thời gian đầu, vợ chồng chị Duyên mở cửa hàng kinh doanh vật liệu điện nước, xây dựng. Tuy nhiên, việc kinh doanh không mấy thuận tiện khi nhiều người liên tục nợ tiền hàng.

Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân ảnh 2

Chị Duyên chứng kiến sự thay đổi từng ngày của địa phương nơi mình sống sau mỗi đợt thu hồi đất, quy hoạch dự án, thay đổi hạ tầng.

Thấy việc cho thuê "ngon ăn" hơn, thu nhập cao hơn mà lại nhẹ đầu, gia đình chị Duyên quyết định cho một cá nhân thuê lại mặt bằng mở quán karaoke với giá trên 10 triệu đồng/tháng.

Chị Duyên sau đó mở quán bán trà đá, thu nhập đều đặn mỗi ngày từ 300.000 đến 500.000 đồng. Chị chỉ cần nhập một số loại nước ngọt, sữa, vài chiếc bánh mỳ, luộc vài chục trứng, ủ sẵn nước chè, nước vối để bán. Mùa hè, chị còn phục vụ thêm món chè đỗ đen, đỗ xanh.

Chị Duyên cho biết, việc bán hàng nhẹ nhàng, không mệt đầu như kinh doanh vật liệu xây dựng mà còn có thu nhập ổn định.

Số tiền từ việc bán trà đá, chị Duyên dành tích lũy hoặc đóng học cho con. Tiền chi tiêu hàng tháng chị được bố mẹ chồng hỗ trợ gần như toàn bộ vì cả hai ông bà nắm giữ nguồn thu từ việc cho thuê trọ, thuê cửa hàng trong nhà.

Có thể thấy, so với mức thu nhập của người dân địa phương, gia đình chị Duyên có nguồn thu nhập khá tốt nhờ cho thuê phòng trọ, mặt bằng và bán trà đá. Số tiền trung bình khoảng 40-50 triệu đồng một tháng khiến họ có cuộc sống "nhàn tênh" giữa một vùng quê đang dần đô thị hóa.

Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân ảnh 3
Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân ảnh 4

Những con đường mới thay đổi diện mạo của vùng quê.

Làm thuê 3 ngày đã đủ mua 1 tạ lúa cho cả nhà ăn

Sinh sống sát Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc, cách các trường đại học lớn chỉ vài km, mấy năm nay, nhiều người dân ở xã Hạ Bằng có khoản thu nhập ổn định hàng tháng từ 5-8 triệu đồng, thậm chí cao hơn nhờ làm công nhân hoặc kinh doanh dịch vụ. Không ít người đã bỏ ruộng, thoát ly nông nghiệp để vào làm tại các công ty.

Con đường H14 mở rộng chạy qua nhà khiến căn nhà của anh Đỗ Văn Chấn (xã Hạ Bằng) có mặt tiền thoáng đẹp. Anh Chấn có một quán sửa xe máy với nguồn khách hàng quen là người dân trong xã và công nhân.

Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân ảnh 5

Anh Đỗ Văn Chấn.

Vợ anh Chấn làm nhân viên kho gạch thuộc một công ty trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Mỗi tháng, chị nhận được khoảng 8-9 triệu đồng tiền lương. "So với làm ruộng thì hơn hẳn", anh Chấn nói.

Nguồn thu nhập ổn định từ việc sửa xe và làm công nhân giúp vợ chồng anh Chấn nuôi 3 con và phụng dưỡng mẹ già. Mỗi tháng, họ còn để dành được một khoản để tiết kiệm.

Chị Quyên (ở xã Hạ Bằng) từng là nhân viên môi giới bất động sản, làm việc tại nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, cách đây 3 năm, chị chuyển về mở quán cơm ở trung tâm xã để phục vụ công nhân Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân ảnh 6

Quán cơm bình dân của chị Quyên có nguồn khách hàng ổn định là công nhân trong khu công nghiệp.

Mỗi ngày, chị Quyên bán hàng trăm suất cơm. Lượng khách đông, chị phải thuê thêm 2 người làm để phụ giúp. Thu nhập từ quán cơm giúp gia đình chị Quyên có cuộc sống khá giả.

"Ngoài phục vụ ăn tại chỗ, tôi còn cho người ship (vận chuyển) vào các khu công nghiệp", chị Quyên nói.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, trưởng thôn 2, xã Hạ Bằng chia sẻ, trước đây, người dân trong xã sinh sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, một năm canh tác 3 vụ trồng lúa, trồng ngô, khoai. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, người dân đã bỏ hết ruộng.

Người trẻ đi làm công nhân. Những người khoảng 40-50 tuổi thì làm lao công, bảo vệ, thợ xây. Thu nhập từ những công việc này đều đặn, cao hơn hẳn việc làm ruộng nặng nhọc, chỉ đủ ăn. Vậy nên không ai còn mặn mà với đồng ruộng.

"Khi chúng tôi đi vận động người dân cấy lúa, tránh bỏ hoang đồng ruộng thì nhiều người chia sẻ rằng, một ngày công lao động trung bình 300.000 đồng. Họ đi làm 3 ngày đã đủ mua 1 tạ lúa.

Trong khi 1 sào ruộng chăm sóc vất vả một vụ cũng chỉ cho 2 tạ lúa. Ngoài công chăm sóc còn tiền cày bừa, phân bón, thuốc trừ sâu, thuê cấy nên không ai muốn cấy lúa vì vất vả quá", chị Nguyệt cho hay.

Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân ảnh 7

Chị Nguyễn Thị Nguyệt cho biết nhiều người sẵn sàng bỏ ruộng để đi làm công nhân.

Đảm bảo nguồn thu nhập lâu dài là điều không dễ

Theo chị Nguyệt, chị đã nghe nhiều về thông tin, địa phương nơi mình sinh sống có thể sẽ quy hoạch vào khu đô thị Hòa Lạc, phát triển thành thành phố. Những điều chỉnh về quy hoạch nhiều năm qua đã thay đổi rõ rệt bộ mặt của địa phương.

Con đường H14 chạy dọc xã cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác như trường học, cảnh quan…được Nhà nước đầu tư xây dựng. Nhiều gia đình "sống khỏe" nhờ nguồn việc dồi dào từ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tuy nhiên, đổi lại, họ cũng có không ít trăn trở.

Theo chị Nguyệt, vì ở trong diện quy hoạch, nên công tác quản lý về đất đai ở địa phương chặt chẽ hơn. Nhiều người không thể tùy ý xây nhà trên đất của cha ông.

"Xưa nay, người dân cứ nghĩ đất bố mẹ cho là đất được xây nhà nhưng xem xét theo quy định chỉ là đất vườn, đất trồng cây lâu năm. Mà đất loại này thì không được xây nhà. Điều này khiến nhiều người dân có những phản ứng nhất định", chị Nguyệt nói.

Vị trưởng thôn này còn băn khoăn, người dân địa phương vốn gắn liền với nông nghiệp. Nếu địa phương được quy hoạch phát triển thành thành phố thì sẽ khó tránh khỏi việc diện tích canh tác bị thu hẹp. Những tầng lớp lao động chân tay có tuổi lúc đó sẽ khó tránh khỏi lao đao.

Ở thành phố mới: Thu nửa triệu/ngày nhờ trà đá, sống khỏe nhờ làm công nhân ảnh 8

Theo chị Nguyệt, nhiều người lo ngại về các vấn đề tệ nạn xã hội, nuôi dạy con cái giữa dòng chảy phát triển.

"Hiện tại khu công nghệ còn đang nhiều việc vì đang trong quá trình xây dựng. Nay họ cần người san đất, mai họ cần người trồng hoa. Sau này khi trở thành thành phố mới, khu công nghệ hoàn thiện rồi thì lực lượng lao động chân tay này sẽ dôi dư ra nhiều trong khi ruộng đất lại bị thu hẹp", chị Nguyệt nói.

Ngoài ra, những lo ngại về các vấn đề tệ nạn xã hội, nuôi dạy con cái giữa dòng chảy phát triển cũng là những vấn đề khiến người dân nơi đây đau đáu.

Nhờ thay đổi về quy hoạch và được Nhà nước đầu tư, những địa phương thuộc khu vực Hòa Lạc và các xã lân cận đã có sự thay đổi rõ rệt những năm qua. Mà theo như chị Duyên hay vị trưởng thôn chia sẻ thì nhiều người đi xa quê lâu năm, thậm chí còn không nhận ra đường về nhà.

Cuộc sống của nhiều gia đình được cải thiện nhờ chuyển đổi công việc, kinh doanh. Tuy nhiên, về tương lai, để cả một cộng đồng ổn định được cuộc sống, đảm bảo thu nhập lâu dài khi thay đổi về quy hoạch, chuyển đổi từ quê lên phố là điều không hề dễ dàng.


Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/o-thanh-pho-moi-thu-nua-trieungay-nho-tra-da-song-khoe-nho-lam-cong-nhan-20230822112850436.htm

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.