Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thúc đẩy sử dụng 'xe xanh'

0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Bộ GTVT cho biết, trong năm 2024, ngành đã tích cực triển khai cam kết của Việt Nam tại COP 26, đưa mức phát thải ròng về 0.

Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bổ sung các nội dung liên quan đến khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, phương tiện giao thông thông minh trong Luật Đường bộ năm 2024, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024.

Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông điện quốc gia theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030.

Cụ thể, tại quyết định số 1191/QĐ-BGTVT về Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 30% người dân sử dụng ô tô điện và 22% xe máy điện trong tổng số xe sử dụng.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thúc đẩy sử dụng 'xe xanh' ảnh 1
Xe buýt điện miễn phí tại sân bay Nội Bài. Ảnh: N. Hà.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, từ nay đến năm 2030, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam được Bộ GTVT yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan đến ô tô điện, xe mô tô, xe gắn máy điện.

Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức xây dựng bộ tiêu chí và dự thảo TCVN cho trạm dừng nghỉ xanh, cảng hàng không xanh, nhà ga đường sắt xanh làm cơ sở xây dựng mới, chuyển đổi trạm dừng nghỉ, cảng hàng không, ga đường sắt theo tiêu chí xanh. Trong đó có số lượng vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện trong trạm dừng nghỉ sẽ được áp dụng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.

Bộ đặt mục tiêu, đến năm 2030 toàn bộ xe máy đảm bảo đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100 km; toàn bộ ô tô từ 9 chỗ trở xuống được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu. Ô tô có dung tích động cơ <1400cc đạt 4,7 lít/100 km; ôtô từ 9 chỗ trở xuống dung tích động cơ 1400-2000cc đạt 5,3 lít/100 km và dung tích động cơ >2000cc đạt 6,4 lít/100 km.

Phương tiện mới áp dụng quy định trên theo lộ trình đạt 30% tổng số phương tiện vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.

Đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội là 45% - 50%, TPHCM là 25%, Đà Nẵng 25% - 35%, Cần Thơ 20%, Hải Phòng 10% - 15%, đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

Dấu hiệu nhận biết xe sử dụng năng lượng xanh

Đáng chú ý, Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì xây dựng Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ; dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Sau thời gian khẩn trương soạn thảo, lấy ý kiến, tháng 11, Bộ đã ban hành Thông tư 53/2024/TT-BGTVT quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ; dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường. Thông tư có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo đó, tại Khoản 3, Điều 9 Thông tư 53/2024/TT-BGTVT quy định: Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường là xe cơ giới không phát thải trực tiếp các-bon khi vận hành (như xe thuần điện PEV hoặc BEV, xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy PFCEV hoặc FCEV, xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô).

Ngoài ra, tại Điều 10, Thông tư cũng quy định, dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường khi tham gia giao thông được nhận biết bằng tem kiểm định có nền màu xanh lá cây.

Chiều 2/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về đề xuất chính sách khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn, đô thị đông dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có giải pháp tổng thể để giảm các nguồn gây ô nhiễm, trong đó các phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu.

"Đây là trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân và phải có những hành động cụ thể, kịp thời", Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng đã đến lúc các bộ, ngành phải đề xuất chính sách tổng thể, lộ trình cụ thể tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành vi của người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế sản xuất, nhập khẩu, sử dụng phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu và chuyển sang phương tiện giao thông xanh; tăng cường đầu tư phương tiện giao thông công cộng xanh; bố trí các điểm, tuyến giao thông công cộng thuận tiện; có phương án phân luồng sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đối với các khu vực có mức độ ô nhiễm khác nhau…


Link bài gốc: https://vietnamnet.vn/o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-thuc-day-su-dung-xe-xanh-2359681.html

Theo VietnamNet
MỚI - NÓNG