Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã Quý IV năm 2024.
Theo kết luận, việc cải thiện chất lượng môi trường không khí và xử lý rác thải không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, mà còn là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến sự phát triển bền vững và chất lượng sống của Nhân dân Thủ đô.
Rác thải, đất tập kết tại công trường thi công đường Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội). Đáng chú ý, công trường này không được che chắn, gây phát tán bụi bẩn rất lớn. Ảnh: Trường Phong |
Theo kết luận của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và yếu kém, như: hệ thống quan trắc môi trường chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng đốt rác tự phát và xả thải không đúng quy định vẫn xảy ra tại nhiều nơi, trên nhiều địa bàn. Việc triển khai dự án lắp đặt hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường không khí và Đề án hạn chế phương tiện cá nhân còn chậm so với tiến độ đề ra...
Cùng với đó, thành phố cũng chưa triển khai quyết liệt việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và tổ chức các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp. Vẫn còn tình trạng đổ rác thải không đúng quy định, bỏ rác không đúng giờ, đổ trộm phế thải xây dựng bừa bãi tại vỉa hè, đường phố, đặc biệt tại các vị trí vắng, tuyến đường đê liên thông các quận, huyện và khu vực các bờ sông...
Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn.
Sáng nay (3/1), Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí do hệ thống theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận. Các hệ thống quan trắc trong nước cũng ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khoẻ con người).
Lãnh đạo thành phố yêu cầu rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý ô nhiễm môi trường không khí. Xây dựng quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên tỉnh, liên vùng. Hoàn thiện và vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục. Kiểm kê phát thải nhằm xác định nguồn phát thải và đối tượng phát thải chính, xây dựng cơ sở dữ liệu chung về môi trường, đồng thời chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý phối hợp liên ngành.
Thành phố cũng yêu cầu tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính của các khu vực nội thị, khu vực đông dân cư để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió.
Một vấn đề nữa, thành phố nhấn mạnh việc hình thành các vùng phát thải thấp, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch, xanh, thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển giao thông vận tải công cộng để giảm phương tiện cá nhân; tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Thành phố cũng lưu ý việc tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt tại các khu đất trống, có biện pháp rào chắn, quản lý không để đổ trộm chất thải. Đôn đốc, kiểm tra duy trì tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương, các cá nhân được phân công phụ trách nếu để xảy ra tình trạng đổ chất thải, rác thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định tại địa bàn quản lý.