Ở nhà nát, bỏ trăm triệu xây cầu cho dân

Vợ chồng ông Lê Văn Thành bên cây cầu Vườn Bộng. Ảnh: Hoài Văn.
Vợ chồng ông Lê Văn Thành bên cây cầu Vườn Bộng. Ảnh: Hoài Văn.
TP - Cầu bê tông Vườn Bộng (thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định) vừa khánh thành, có tấm biển nhỏ đề “tài trợ chính Lê Văn Thành”. Người nơi xa qua đây chắc ít ngờ rằng, nhà tài trợ chính ấy là một lão nông nghèo phải làm thêm nghề phụ hồ nuôi 4 con ăn học, căn nhà cấp 4 mà gia đình ông đang ở bong tróc từng mảng…

Hãi hùng ký ức cầu tre

Cầu Vườn Bộng dài 6m, rộng 3,5m được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 9, thay cho cây cầu tre tạm bợ. Ông Thái Cao Sang, trưởng thôn Thọ Lộc 1, cho biết, trước đây, không ít học sinh và người dân trượt chân rơi xuống nước khi đi qua cầu tre tạm bợ. Có đám đưa tang đang qua cầu thì gãy giữa nhịp, toàn bộ đoàn người rơi xuống nước, riêng chiếc quan tài mắc lại trên cầu.

Xã Nhơn Thọ đã làm đơn đề nghị khen thưởng đối với ông Lê Văn Thành trong phong trào Nông thôn mới, khuyến khích và nhân rộng ý thức đóng góp cho cộng đồng. 

Không nói ra, nhưng từ lâu lão nông Lê Văn Thành (56 tuổi) đã khao khát dỡ bỏ cầu tre tạm bợ, nguy hiểm để thay bằng cây cầu bê tông kiên cố. Đời làm nông lấm lem ruộng bùn chẳng đủ ăn nên phải kiêm thêm nghề phụ hồ chật vật nuôi 4 đứa con ăn học. 

Bản tính nhà nông quen dành dụm, tiết kiệm nên khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống đỡ chật vật hơn, vợ chồng chi tiêu dè dặt, tích cóp được hơn 100 triệu đồng phòng đau ốm về già. Nhưng cứ mỗi khi đi ngang cây cầu tre trong xóm, mỗi lần chứng kiến những đứa trẻ trong làng bì bõm dưới nước, ông lại thêm ám ảnh. 

“Tôi bàn với vợ đóng góp số tiền 110 triệu đồng dành lo hậu sự để làm cây cầu bê tông. Tưởng bả ngăn vì nhà cửa còn ọp ẹp, xuống cấp, lại lo đau ốm, nhưng bả ủng hộ ngay và đồng tâm cùng làm”, ông Thành vui mừng kể.

Vợ ông, bà Trương Thị Hoa, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời với tám sào ruộng và vài con heo nái, nên số tiền đó là cả một gia tài. Nhưng bà bảo, nghĩ sau có chết đi cũng không mang theo được, hay chăng mình làm việc tốt vừa đỡ cho dân vừa tích đức về sau cho con cái. 

Cũng chính bà Hoa từng suýt mất mạng khi qua những cây cầu tre ọp ẹp trong xóm. Có hôm trời chập choạng, bà đạp xe từ ruộng về nhà, đi đến nửa cầu thì cả người lẫn xe nhào xuống dòng nước xiết. May sao lúc đó có cô hàng xóm nhìn thấy vội thả gậy kéo lên bờ.

Cây cầu đoàn kết

Ngay khi vợ gật đầu ủng hộ, ông Thành liền chạy lên báo cáo với thôn, xã về việc ủng hộ xây cầu. Được cấp trên duyệt, ông lại theo chân trưởng thôn đi vận động dân làng đóng góp thêm, người góp công, người góp của rồi tất tả lo chuyện thiết kế, vật liệu xây cầu. Kinh phí xã có hạn, nên xã đóng góp dầm sắt, rồi liên hệ nhờ công ty tư vấn thiết kế xây dựng làm giúp bản thiết kế miễn phí.

Đúng ngày 2/9/2015 khởi công, cả làng xúm tay cùng làm. Người xách máy bơm từ nhà đi kéo nước, người chặt tre làm cốp pha, trộn vôi vữa... Ông Thành xắn tay, hì hục dưới nước từ mờ sáng. Vốn có chút kinh nghiệm từ nghề thợ xây nên ông cáng đáng luôn chức thợ cả, chỉ bày cho từng người làm các khâu.

 Bà Hoa tất bật lo phục vụ nước cho đội lao động. Ngày 25/9, cây cầu mới vững chãi, có lan can an toàn hoàn thành trong niềm hân hoan của làng trên xóm dưới. Tổng kinh phí xây dựng 157 triệu đồng, trong đó ông Thành đóng góp 110 triệu đồng. 

Chủ tịch UBND xã Nhơn Thọ, ông Nguyễn Tấn Hào, gật gù: “Đây là câu cầu nông thôn đẹp nhất của xã, vừa thiết kế an toàn, kiên cố vừa thể hiện được tình đoàn kết của dân. Vậy là cây cầu tre duy nhất còn lại của xã đã được xóa bỏ”. Việc đi lại của hơn 200 người dân ở hai thôn Thọ Lộc 1 và Thọ Lộc 2, nhất là các em học sinh, đã trở nên thuận tiện, an toàn.

Trong ngôi nhà cấp 4 được xây gần 30 năm trước, nay nhiều mảng tường đã bong tróc nặng, vợ chồng ông bà Thành-Hoa vui vẻ ngồi tiếp khách. Ông Thành cho biết, còn cây cầu ở bến Bà Mưu (thôn Thọ Lộc 1) xây 15 năm trước. 

Thời ấy, ông cùng bà con trong làng từng chung tay xây cầu, nhưng do kinh phí ít lại không được đầu tư thiết kế bài bản nên nay đã xuống cấp. Nhẩm tính làm lại giờ cũng hết 80 triệu đồng. “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đi vận động bà con, mình làm việc chung, không tư lợi, chắc hẳn sẽ được ủng hộ thôi”, ông nói. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.