Năm ông 14 tuổi (giai đoạn 1944-1945), chiến tranh trở nên ác liệt, ông Long nghỉ học và tham gia Đoàn Thanh niên địa phương. Một thời gian sau, ông được bầu làm Trưởng ban Bình dân học vụ Ủy ban kháng chiến hành chính xã Qưới Xuân, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cũ, với nhiệm vụ giúp xóa mù chữ cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, vài năm sau, ông cùng vợ lui về làm nông nghiệp, tập trung nuôi dạy con cái.
Đến những năm 80, hiểu được tình cảnh khổ cực khi học sinh nhiều nơi phải đi học xa, ông bàn với gia đình và hiến 2.800 m2 đất để xây trường.
Với tình yêu nghề giáo nhưng không có điều kiện để thực hiện lâu dài, ông Long lần lượt hướng con cái mình theo nghiệp này. Trong số 11 người con, ông có đến 9 người theo nghiệp dạy học, một người làm bác sĩ, một người làm nội trợ.
Mượn cây bút và cuốn sổ của PV, ông Long vạch từng dòng kể về từng người con đang theo nghề giáo. Dù tuổi đã cao nhưng nét chữ của ông vẫn rất rõ ràng, sạch đẹp. Ông Long vừa viết vừa nói: “Ba người con đầu đã về hưu, một người nghỉ giữa chừng vì sức khỏe, ba đứa đang làm quản lý giáo dục và hai giáo viên đang trực tiếp “gõ đầu trẻ”, cả thảy là 9 người đã và đang làm nghề dạy học”.
Trong số các con của ông Long có cô Nguyễn Thị Kim Xuyến, hiện đang làm Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT TPHCM. Tiếp đó, cô Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12; cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu phó Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, quận 12; cô Nguyễn Thị Kim Ngân giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12… Cả gia đình ông có 6 người vinh dự được Bộ GD&ĐT trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cùng nhiều giấy khen, bằng khen khác…