Nuôi thành công nhiều động vật quý hiếm

Nuôi thành công nhiều động vật quý hiếm
TP - Nhu cầu được thưởng thức đa dạng các loại thịt động vật ngoài những gia súc truyền thống (lợn, gà, bò, dê…) càng tăng cao. Phòng Động vật quý hiếm (Viện Chăn nuôi) đã và đang thuần hoá một số loài động vật quý hiếm đáp ứng nhu cầu trên.

Năm 1996, trong một chuyến công tác châu Phi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ nhận thấy nghề nuôi đà điểu ở đây phát triển rất mạnh, dễ triển khai mà lại cho giá trị kinh tế cao, ông quyết định mang về 100 quả trứng giống, giao cho Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (VCN) ấp nở và nuôi thử nghiệm.

Trại nghiên cứu đà điểu được thành lập năm 1997, sau khi Nhà nước chính thức phê duyệt Dự án Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam. Cùng với đàn đà điểu con ban đầu, năm 1998 trại nhập thêm 150 đà điểu bố mẹ gốc từ Australia.

Đã có trên 3.000 đà điểu giống được ấp nở từ đây và được cung cấp cho các trang trại chăn nuôi ở 23 tỉnh thành thuộc các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Con trống lớn nhất có chiều cao hơn 2m, nặng khoảng 140 kg; con mái thường cao 1,7- 1,9m và nặng khoảng 110 kg.

Đà điểu là giống ưa chạy, chúng càng chạy nhiều thì cặp đùi càng săn chắc và thịt càng thơm ngon. Thịt đà điểu giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là không có gân và hàm lượng cholesterol rất thấp.

Đà điểu được coi là “thịt sạch của thế kỷ 21”. Hiện có gần 30 nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội hút khách nhờ các món ăn chế biến từ thịt đà điểu. Giá thịt đà điểu khá đắt, tại Hà Nội 200.000 đồng/kg, tại TPHCM 270.000 đồng/kg.

Không chỉ là loại thực phẩm bổ dưỡng, da đà điểu đẹp và bền hơn da cá sấu, được dùng để sản xuất các sản phẩm thời thượng của con người như: túi xách, ví, áo, giày... Trên thị trường quốc tế, 1m2 da đà điểu có giá 400 USD.

Lợn rừng

Là động vật hoang dã mới được thuần hoá tại Thái Lan, nên thịt lợn rừng được bán với giá rất đắt, chăn nuôi lợn rừng đang là nghề hốt bạc. Cả nước ta hiện có trên 20 trang trại chăn nuôi lợn rừng quy mô lớn, đấy là chưa kể hàng trăm hộ chăn nuôi số lượng ít.

Tuy nhiên, theo TS Võ Văn Sự (trưởng phòng ĐV quý hiếm – VCN): nuôi lợn rừng không dễ, chi phí giống đắt, nên số lượng lợn rừng thuần chủng xuất chuồng chỉ chiếm một phần nhỏ so với thịt lợn rừng đang được tiêu thụ trên thị trường dưới “mác” lợn rừng.  

Phần nhiều những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã cho lai lợn rừng đực với lợn địa phương, họ chỉ phải mua một con lợn rừng đực nguyên gốc, đem phối với rất nhiều nái có sẵn cho ra vô vàn con giống đời sau. Chỉ lợn rừng thuần chủng mới được coi là lợn rừng, tất cả những loại lợn lai, lợn địa phương không thể được coi là lợn rừng. Viện Chăn nuôi đang tham mưu cho Cục Chăn nuôi đề ra các quy chế nhằm quản lý việc chăn nuôi lợn rừng.

Lợn rừng Thái Lan đã thuần hoá 10 năm, nhưng ở Việt Nam cách đây 4 năm, Viện Chăn nuôi mới được Nhà nước cho phép nghiên cứu để thuần hóa lợn rừng.

Mong muốn của các nhà khoa học Việt Nam là sẽ có được giống lợn rừng Việt Nam, mang những tính trạng khác biệt hẳn với lợn rừng Thái Lan, sẽ được chăn nuôi đại trà tại Việt Nam, và giới thiệu, cung cấp giống ra các nước trong khu vực.

Nhím

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nghề chăn nuôi nhím, Phòng ĐV quý hiếm VCN đã nghiên cứu thuần hoá nhím, đồng thời tham mưu cho cơ quan quản lý đề tài nghiên cứu “Sinh sản, sinh trưởng và hiệu quả chăn nuôi nhím với phương thức nuôi nhốt” do TS Võ Văn Sự làm chủ nhiệm.

Chăn nuôi nhím chỉ đắt ở con giống, còn phí chăn nuôi không đáng kể. Khi nuôi nhím đến độ sinh sản thì các hộ chăn nuôi không cần chi phí mua con giống, đủ thấy chăn nuôi nhím quả là nghề dễ “hái ra tiền”.

Tuy vẫn còn được coi là thú rừng, nhưng từ vài năm trở lại đây, việc chăn nuôi nhím ở nước ta phát triển rất mạnh và đã trở thành nghề đem lại lợi ích kinh tế rất cao cho nhiều hộ nông dân. Nghề nuôi nhím đã lan ra rất nhiều nơi: Đăk Lăk, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên...

Gia đình nuôi nhiều đến 170 con, hộ nuôi ít nhất cũng từ 4 con trở lên. Nhím nuôi rất ít bệnh. Nhiều người nuôi nhím lâu năm cho biết: cả 10 năm nay chưa gặp một bệnh nào ở nhím, ngoại trừ ký sinh trùng ngoài da (ve, mạt, mò).

Thịt nhím thơm ngon, là món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích. Mật, dạ dày, lông dùng làm thuốc chữa bệnh dạ dày, viêm tai giữa, làm thuốc xoa bóp...

Nhím ăn tạp, có thể dùng rất nhiều loại thức ăn để chăn nuôi, từ lá, rễ cây, củ quả đến côn trùng, ốc, giun đất. Một con nhím mỗi tháng cần 15 kg rau xanh, 9 kg thức ăn tinh, 5 kg củ quả (bí đỏ, khoai, sắn...). Nhím lớn rất nhanh, chỉ sau hai tháng đạt 2,5-3 kg, nuôi sau một năm sẽ đạt trọng lượng 10 kg, sau 2 năm đạt khoảng 20 kg.

Hiện tại nhím giống có giá bán từ 150-250 ngàn đồng/kg; nhím thịt là 100-140 ngàn đồng/kg. Bên cạnh giá trị lấy thịt làm thực phẩm, một chiếc dạ dày nhím đã phơi khô có giá tới 200-300 ngàn đồng.

Gà H’mông

Gà H’mông là giống gà da đen, xương đen, thịt đen, có nguồn gốc từ vùng núi cao, đã được Viện Chăn nuôi Quốc gia thuần hóa thành công từ nhiều năm nay và được nhiều trang trại đưa vào chăn nuôi, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Thịt gà H’mông xuất hiện đầu tiên trong các nhà hàng, quán ăn ở Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, nay đã tràn về Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, TPHCM... và mau chóng trở thành món ăn đặc sản “khoái khẩu” đối với nhiều thực khách.

Vào năm 1999, các cán bộ của Viện Chăn nuôi đã phát hiện giống gà H’mông tại Trung tâm khoa học và sản xuất Tây Bắc Sơn La, ngay sau đó đoàn cán bộ Viện Chăn nuôi đã lên vùng cao Sơn La để điều tra giống gà này.

TS Võ Văn Sự, Trưởng khoa Động vật quý hiếm - Viện Chăn nuôi, cho biết: nghiên cứu về mặt dinh dưỡng, gà H’mông giá trị gấp nhiều lần giống gà ác. Người vùng cao Tây Bắc có món truyền thống là gà H’mông tần thuốc Bắc, dành để tẩm bổ cho những người ốm yếu. Nhận thấy đây là giống rất quý, có thể sản xuất đại trà và tiêu thụ được ở những vùng dân có thu nhập cao, Viện Chăn nuôi đã quyết định đưa về Hà Nội chọn lọc lại và thuần hóa. 

Năm 2000, với kinh phí của dự án “Bảo tồn các giống vật nuôi có vốn gen quý hiếm tại Việt Nam”, TS Võ Văn Sự đã chủ trì đề tài nghiên cứu, và Viện Chăn nuôi đã chăn nuôi thích nghi thành công giống gà H’mông tại Hà Nội. Sau khi thuần hóa thành công, Viện Chăn nuôi đã chuyển giao giống và kỹ thuật cho nhiều trang trại chăn nuôi để đưa gà H’mông vào sản xuất đại trà.

Ban đầu Viện Chăn nuôi giúp đỡ đầu ra cho sản phẩm gà H’mông, vì thực khách ở Hà Nội rất ưa chuộng món ăn này, nên số lượng xuất chuồng bao nhiêu, các quán ăn ở Hà Nội đều đặt mua hết.

MỚI - NÓNG