Nước uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Ai bồi thường cho người tiêu dùng?

Tiến sỹ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Tiến sỹ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
TPO - Hành vi bán ra thị trường 2 lô nước uống C2 và Rồng đỏ nhiễm chì vượt mức cho phép của URC đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính hơn 5,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trách nhiệm của URC với người tiêu dùng vẫn chưa thấy đâu.

Phóng viên Tiền Phong đã có buổi trao đổi với tiến sỹ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) về vấn đề này. Ông cho rằng, ở sự việc này người tiêu dùng không chỉ thiệt hại về tiền bạc, vật chất mà bị cả thiệt hại về sức khỏe. Cơ quan chức năng xác định phần lớn các lô sản phẩm nước uống C2, Rồng đỏ đó đã được tiêu thụ ra thị trường. Vậy việc xử phạt hơn 5,8 tỷ đồng đối với doanh nghiệp liệu có tương xứng mức độ thiệt hại của người tiêu dùng hay không?

Thưa ông, theo quy định URC phải chịu trách nhiệm ra sao với người tiêu dùng?

Theo Điều 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng khi hàng hóa dịch vụ xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng thì doanh nghiệp, đơn vị cung cấp hàng hóa phải chịu trách nhiệm bồi hoàn. Thứ nhất, thiệt hại về vật chất tức là tôi bỏ một đồng ra để mua một chai C2 thì tôi phải được chai C2 đạt tiêu chuẩn, chất lượng chứ không phải là chai C2 không đúng chất lượng. Vậy số tiền tôi bỏ ra để mua nước phải được thu hồi lại.

Điều đó chưa hết trách nhiệm của doanh nghiệp, vì sản phẩm với hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép còn có thể xâm hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Cũng theo Điều 23, trường hợp này doanh nghiệp phải đền bù xứng đáng cho những tổn hại về sức khỏe. Tuy nhiên, mức độ đó như thế nào thì hiện nay chưa có đánh giá chính xác được. 

Câu chuyện đặt ra là 5,82 tỷ đồng tiền phạt đó có tương xứng với mức độ thiệt hại của người tiêu dùng hay không. Đây là việc mà kể cả cơ quan chức năng xác định cũng rất khó và chỉ có thể đánh giá một cách tương đối. Đây là vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu vì không phải chỉ có một mình trường hợp nước uống C2, Rồng đỏ mà thực tế còn rất nhiều trường hợp tương tự khác đang vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Như vậy quyền lợi của người tiêu dùng vẫn đang bị xâm hại nghiêm trọng nhưng thiếu các biện pháp bảo vệ, thưa ông?

Đúng là có tình trạng này. Cần phải thu hồi các khoản tiền do sai phạm của doanh nghiệp mà có. Tiền này là của những người tiêu dùng đơn lẻ nhưng không thể trả lại cho những người tiêu dùng. Ngay cả trường hợp hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,... được phát hiện, xử phạt và rất rất nhiều trường hợp khác thì một phần tiền đó được thu hồi cũng là tiền của người tiêu dùng. 

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã từng có kiến nghị tiền thu hồi được nhưng không trả lại cho người tiêu dùng cụ thể thì nên đưa vào một Quỹ phục vụ lợi ích người tiêu dùng, sử dụng cho hoạt động bảo vệ, quyền lợi người tiêu dùng.

Việc cần làm là phải làm sao để các doanh nghiệp đề cao trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng. Tiếp nữa, phải tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm của cơ quan quản lý. Ngoài ra, bản thân người tiêu dùng cũng phải tự nâng cao hiểu biết, nâng cao trách nhiệm với chính mình và với xã hội.

MỚI - NÓNG