Nước Mỹ và tình huống chưa từng có tiền lệ

Ông Donald Trump sẽ tạo ra một tình huống chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ?
Ông Donald Trump sẽ tạo ra một tình huống chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ?
TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục phủ nhận kết quả cuộc bầu cử, gây sức ép buộc các quan chức bang Michigan và Georgia làm trái ý muốn của cử tri, đồng thời làm gia tăng lo ngại rằng ông có thể từ chối nhường quyền cho tổng thống đắc cử Joe Biden.

Nhưng theo Washington Post, những ai muốn soi chiếu trong hiến pháp Mỹ để tìm phương án giải quyết sẽ thất vọng. Theo ba nhà sử học và một giáo sư luật hiến pháp, hiến pháp Mỹ không có quy định về việc phải làm gì nếu một tổng thống từ chối từ chức khi hết nhiệm kỳ.

Nhà sử học Sean Wilentz (Đại học Yale) nói: “Không, các nhà lập quốc đã không hình dung ra tình huống một tổng thống từ chối từ chức hoặc thảo luận về những gì nên làm trong tình huống như vậy. Rõ ràng là trong hiến pháp không nói gì về việc này”. Nhà sử học Jack Rakove, giáo sư danh dự tại Đại học Stanford, nhận định: “Đây là một tình huống mà chưa ai chủ động tính đến cho đến mùa thu năm nay”.

Jeffrey A. Engel, giám đốc sáng lập của Trung tâm Lịch sử Tổng thống thuộc Đại học Southern Methodist, nói: “Chúng tôi [các nhà sử học] tự hào khi nói rằng, Đừng lo lắng, điều này đã xảy ra trước đây, hoặc “Hãy lo lắng, điều này đã xảy ra trước đây. Bây giờ, tất cả những gì các nhà sử học có thể nói là: Chúng ta đang ở trong vùng nước hoàn toàn chưa được khám phá. Tôi thậm chí không biết phần còn lại của câu đó kết thúc như thế nào”.

Gần đây, ông Engel yêu cầu các nghiên cứu sinh và sinh viên (có lĩnh vực nghiên cứu trải dài từ Tổng thống George Washington đến Donald Trump) bỏ mọi thứ họ đang làm và tìm kiếm bất kỳ manh mối hoặc điểm tương đồng lịch sử nào. “Tất cả họ đều nói rằng họ không có gì”, ông Engel nói.

Hạn chót: Trưa 20/1

Theo Hiến pháp Mỹ, nhiệm kỳ của tổng thống sẽ hết hạn sau bốn năm. Quốc hội Mỹ ấn định nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống lập quốc Washington chính thức bắt đầu vào ngày 4/3/1789. Ngày 4/3 trở thành ngày nhậm chức trên thực tế cho đến khi được Tu chính án thứ 12 vào năm 1804 chính thức hóa. Sau đó, năm 1933, Tu chính án 20 dời ngày nhậm chức của tổng thống lên ngày 20/1 và cụ thể hơn là nhiệm kỳ của tổng thống cũ sẽ hết hạn vào buổi trưa hôm đó.

Theo ông Engel, vào ngày nhậm chức năm 1989, khi nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Ronald Reagan kết thúc và Phó Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) sắp nhậm chức tổng thống, ông Reagan mời ông Bush tham dự cuộc họp giao ban hằng ngày cuối cùng của ông tại Phòng Bầu dục sáng hôm đó. Tổng thống Reagan nói. “Tốt. Tôi nghĩ việc của tôi thế là hoàn tất” và lấy mã vũ khí hạt nhân từ trong túi ra để đưa cho Colin Powell, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia. Và ông Powell nói: “Thưa tổng thống, ông phải giữ lấy những thứ đó cho đến khi không còn là tổng thống nữa”, có nghĩa là, đến trưa hôm đó.

Theo nhà sử học Engel, một số ứng cử viên tổng thống thất cử đã có những tuyên bố tìm kiếm các biện pháp pháp lý hòng xoay chuyển tình thế, như Andrew Jackson năm 1824, Richard Nixon năm 1960 và Al Gore năm 2000, “nhưng không ai trong số những người đó từng đưa ra gợi ý rằng họ sẽ không tôn trọng quyền hạn hợp pháp của bất kỳ ai đã chiến thắng trong quá trình này”.

Ban vận động của ông Biden nói rằng, nếu ông Trump từ chối rời đi vào ngày 20/1, “chính phủ Mỹ hoàn toàn có khả năng hộ tống những kẻ xâm phạm ra khỏi Nhà Trắng”. Nhưng theo nhà sử học Wilentz, đó chỉ đơn giản là - lẽ thường”, không phải là một quy trình được mô tả trong hiến pháp hay bất kỳ luật nào khác.

Ông Trump cuối tuần qua lên án việc ông Biden lựa chọn thành viên nội các mới khi chiến dịch của ông Trump tiếp tục thách thức pháp lý ở một số bang chiến trường. “Tại sao Joe Biden lại nhanh chóng thành lập nội các khi các nhà điều tra của tôi đã phát hiện ra hàng trăm nghìn phiếu bầu gian lận, đủ để xoay chuyển kết quả của ít nhất bốn bang, quá đủ để thắng cử?”, ông Trump viết trên Twitter. Bình luận của ông Trump được đưa ra khi bang Wisconsin đang kiểm phiếu lại, vài giờ sau khi một thẩm phán Pennsylvania bác bỏ một vụ kiện khác từ phía ông Trump nhằm ngăn chặn việc chứng nhận kết quả bầu cử của bang.

MỚI - NÓNG
Diễn biến đợt mưa rất lớn ở miền Trung
Diễn biến đợt mưa rất lớn ở miền Trung
TPO - Đêm qua và sáng sớm nay, mưa bắt đầu ở Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Trong hôm nay và ngày mai, mưa mở rộng ra toàn bộ khu vực từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi. Nhiều điểm mưa hơn một ngày có thể lên tới hơn 350mm.