Cuốn hồi ký của ông Obama khiến Trung Quốc tức giận

Ông Barak Obama và ông Tập Cận Bình khi ông Barak Obama thăm Trung Quốc tháng 11/2014
Ông Barak Obama và ông Tập Cận Bình khi ông Barak Obama thăm Trung Quốc tháng 11/2014
TP - Cuốn hồi ký vừa xuất bản của của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến Trung Quốc tức giận. Các chuyên gia Trung Quốc chỉ trích ông “đã cầu đến Trung Quốc lại còn ra vẻ”, cho rằng ông Obama là hiện thân của tính hai mặt của các chính trị gia Mỹ.  

Vào ngày 17/11, cuốn hồi ký “A Promised Land” (Miền Đất hứa) của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức được xuất bản. Chỉ trong 24 giờ đầu tiên, gần 890.000 bản đã được bán tại Hoa Kỳ và Canada, lập kỷ lục về số lượng ấn bản hồi ký tổng thống được bán trong ngày đầu tiên xuất bản. Tờ The Guardian của Anh ngày 19/11 đưa tin Miền Đất hứa đã phá vỡ mọi kỷ lục về số lượng sách đặt hàng trước, sách điện tử và sách nói của nhà xuất bản Penguin Random House. Phóng viên Julian Borger của The Guardian đã chỉ ra rằng “đọc cuốn tự truyện của Obama, ngày cuối cùng của ông ấy so với sự vùng vẫy giận dữ của ông Donald Trump giống như vực thẳm của hai thái cực trong bản chất con người, khiến người ta muốn biết vì sao trong cùng một quốc gia lại có thể có lựa chọn ra những con người khác nhau đến thế”.

Tuy nhiên, cuốn hồi ký ăn khách của ông Barak Obama lại khiến Trung Quốc tức giận. “Nếu không có những ràng buộc của cuộc khủng hoảng tài chính, tôi sẽ có hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại” - ông Barak Obama đã viết như trên trong cuốn sách của ông. Phát biểu này đã bị các chuyên gia Trung Quốc chỉ trích ông “đã cầu đến Trung Quốc lại còn ra vẻ”, cho rằng ông Obama là hiện thân của tính hai mặt của các chính trị gia Mỹ.

Ngày 19/11, Thời báo Hoàn cầu cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã dẫn lời ông Lã Tường, chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng dưới thời Tổng thống Obama, chính phủ Mỹ có thái độ rất mâu thuẫn với Trung Quốc, vừa tìm đến Trung Quốc nhưng lại luôn cảnh giác. Thái độ hoài nghi này đã được ông Barak Obama viết trong hồi ký, là một biểu hiện điển hình của tính hai mặt trong các chính sách của giới chính trị Mỹ đối với Trung Quốc.

 Ông Obama đề cập trong cuốn sách ông đã đến thăm Trung Quốc ba lần trong nhiệm kỳ của mình. Trong chuyến thăm lần đầu tiên, phía Mỹ suy đoán rằng trong tất cả các phòng khách sạn đều có thể gắn camera quay lén. Để tránh bị quay phim, chụp ảnh trộm, vị tổng thống Mỹ này đã chọn cách giặt quần áo và tắm trong bóng tối. Cuốn sách cũng đề cập đến việc ông Gary Locke, khi đó là Bộ trưởng Thương mại đang cùng phái đoàn của tổng thống sang thăm Trung Quốc và sau đó làm đại sứ tại Trung Quốc, do quên đồ phải quay trở lại phòng khách sạn. Ông Gary Locke mở cửa và thấy hai nhân viên dọn dẹp đang dọn giường cho mình trong khi hai người đàn ông mặc vest khác đang cẩn thận lật xem tài liệu trên bàn của ông.

Lã Tường chỉ trích điều này: “Chúng ta có thể cho rằng rằng điều này là chuyện gây cười được bịa đặt thêm vào để cuốn sách bán chạy hơn”. Lã Tường cũng nói, một người bạn cảnh sát của ông nói rằng câu chuyện của nghi phạm càng sinh động thì càng có nhiều kẽ hở. Không ai có thể chứng thực các chi tiết trong cuốn sách của Obama. “Không loại trừ việc họ đã suy bụng ta ra bụng người đổ vấy những gì họ đã làm cho Trung Quốc, khi cho rằng nếu họ làm điều này thì Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy”.

Ông Barak Obama giữ chức tổng thống Mỹ từ năm 2009 đến năm 2017, trong thời gian đó ông Joe Biden là cấp phó cho ông. Miền Đất hứa, được xuất bản chính thức vào ngày 17/11, là nửa đầu của bộ hồi ký của ông, kể về quãng thời gian của ông từ những ngày đầu bước vào làm chính trị cho đến khi bước chân vào Nhà Trắng và chỉ huy quân đội Mỹ săn lùng tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden của tổ chức khét tiếng Al Qaeda. 

Tờ Atlantic Monthly của Mỹ hôm 16/11 đã đăng bài phỏng vấn ông Obama. Ông tuyên bố rằng trong những ngày đầu nhậm chức nhiều chính sách được áp dụng đều bị trói buộc bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Ông giải thích khi đó Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; điều này đã cản trở ông xử lý chính sách trọng thương “vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế” của Trung Quốc; nếu không xảy ra cuộc khủng hoảng này, ông có thể đã ra tay rất nặng với Trung Quốc.

Ông Obama nói: “Tôi không thể phát động một cuộc chiến tranh thương mại vào năm 2009 hay 2010. Vào lúc đó, tôi cần hợp tác với Trung Quốc, châu Âu và tất cả những đối tác tiềm năng khác chỉ để khởi động lại nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn, ông Obama cho rằng “việc gây áp lực lớn hơn lên Trung Quốc về các vấn đề thương mại là hoàn toàn hợp pháp”.

Cuốn hồi ký của ông Obama khiến Trung Quốc tức giận ảnh 1 Cuốn hồi ký Miền Đất hứa rất ăn khách của ông Barak Obama

Trong cuốn Miền Đất hứa, ông Obama đã trình bày chi tiết vai trò của kế hoạch kích thích kinh tế kỷ lục của Trung Quốc trong việc hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu trong những năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông từ 2009 đến 2017. Ông viết, điều này đã hạn chế ý tưởng của ông về việc trừng phạt mạnh Bắc Kinh.

Obama đã viết trong Miền Đất hứa: “Để Mỹ và phần còn lại của thế giới thoát khỏi suy thoái, chúng ta cần sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hơn là thu lại. Nếu không có áp lực từ chính phủ của tôi, Trung Quốc sẽ không thay đổi các phương cách thương mại. Tôi cần đảm bảo rằng chúng ta không bắt đầu một cuộc chiến thương mại, nó sẽ khiến thế giới chìm trong tiêu điều và làm tổn hại những người lao động mà tôi đã hứa sẽ giúp đỡ”. 

MỚI - NÓNG