Sắc lệnh nhập cư lần 2 này cũng rơi vào tình cảnh tượng tự khi mà phần lớn các thẩm phán và tòa án các bang đã ra phán quyết tạm đình chỉ việc thực thi chỉ vài giờ trước khi nó có hiệu lực.
Bài 1: Thấy gì qua sắc lệnh nhập cư lần thứ 2 của ông Trump
Ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã ký sắc lệnh nhập cư lần thứ nhất. Theo sắc lệnh này, người tị nạn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 120 ngày, người tị nạn từ Syria bị cấm vào Mỹ vô thời hạn, trong khi công dân từ 7 quốc gia Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày.
Lệnh này cũng áp dụng với cả những người đã có thị thực hợp lệ và thậm chí có hiệu lực đối với cả những công dân có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã bị chặn đứng bởi Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle, bang Washington ra phán quyết ngăn chặn với lý do trái với Hiến pháp Mỹ.
Sau đó vào đầu tháng 2, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của thẩm phán James Robart.
Cuối cùng đến ngày 27/2, Toà Phúc thẩm Liên bang tại San Francisco đã bác bỏ đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ về tạm ngừng việc dừng thi hành sắc lệnh này.
Rút kinh nghiệm thất bại trước đó, ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ký sắc lệnh nhập cư lần thứ 2, gần 1 tháng sau khi sắc lệnh nhập cư đầu tiên của ông bị các tòa án nước này ngăn chặn.
Theo lịch trình sắc lệnh nhập cư lần thứ 2 phải có hiệu lực vào ngày 16/3 vừa qua. Điều này đồng nghĩa với việc sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi trước đó phát ra hôm 27/1 đã được thu lại.
Sắc lệnh nhập cư lần thứ 2 tiếp tục cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm công dân từ 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somali, Syria, Sudan và Yemen được phép vào Mỹ trong vòng 90 ngày.
Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy rằng, điểm khác biệt so với sắc lệnh nhập cư lần đầu đó là, sắc lệnh mới không áp đặt những hạn chế nhập cư đối với Iraq, đây là 1 trong 7 quốc gia nằm trong “danh sách đen” cấm nhập cư của sắc lệnh lần thứ nhất. Điều này khiến cho số quốc gia có công dân bị cấm nhập cảnh vào Mỹ giảm xuống còn 6 nước.
Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên. Công dân 6 nước nêu trên nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ, tức là sở hữu Thẻ xanh và những người hiện đang có thị thực hợp lệ không bị ảnh hưởng theo sắc lệnh mới này. Ngoài ra, sắc lệnh mứi còn điều chỉnh một phụ lục bị chỉ trích là phân biệt đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số.
Sắc lệnh mới đã giải quyết các lời chỉ trích và kiện tụng trước đó, khi loại bỏ ngôn ngữ tiêu cực nhằm trực diện vào cộng đồng người Hồi giáo. Sắc lệnh mới cũng bao gồm ngoại lệ đặc biệt cho các công dân tạm thời nhập cư đúng luật, vốn là thành phần bị cấm ở sắc lệnh cũ.
Việc Iraq được loại bỏ khỏi danh sách các nước bị cấm nhập cảnh vào Mỹ là do chính quyền Donal Trump đã thấy được vai trò quan trọng của Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ thời gian tới.
Lộ trình cũng chậm rãi mang tính chất thăm dò hơn khi lệnh cấm này cần 10 ngày sau khi ban bố để hoàn toàn có hiệu lực. Hơn nữa, Tổng thống Donald Trump đã lặng lẽ ký sắc lệnh này, không công bố rộng rãi với công chúng. Đây cũng là điểm khác biệt với sắc lệnh cũ.
Việc các thẩm phán và tòa án Mỹ tạm đình chỉ việc thực thi sắc lệnh mới là một thất bại pháp lý nữa của chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời phát đi tín hiệu các nội dung khác trong sắc lệnh nhập cư sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý kéo dài và khốc liệt.
(còn nữa)