Nước mắt 67

0:00 / 0:00
0:00
TP - Con tàu cá vỏ thép đóng mới 15 tỷ đồng, trong đó 90% là tiền ngư dân được hỗ trợ vay tín dụng ngân hàng, sau mấy năm hoạt động không hiệu quả, hỏng hóc nằm bờ liên tục, mới đây đã được đem bán đấu giá chỉ với 1,5 tỷ đồng!

Đã trắng tay vì cầm cố nhà cửa, tài sản để góp vốn đối ứng, nay ngư dân còn ôm món nợ ngân hàng khổng lồ lên tới ngót 14 tỷ đồng không tưởng tượng có cách nào trả nổi.

Đó là hoàn cảnh của một trong số hàng trăm ngư dân tại Quảng Nam và các tỉnh miền Trung khi tham gia chương trình Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá hiện đại. Số “nợ xấu” của những ngư dân giỏi giang và hăng hái tiên phong đổi mới này đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều người đã bị ngân hàng khởi kiện, siết chút ít tài sản còn lại vì không thể trả nợ.

Được biết, đến nay cả nước đã có 1.031 tàu đóng mới, 146 tàu nâng cấp theo Nghị định 67 với số tiền cho vay là 11.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thống kê của ngân hàng đến hết năm 2021, dư nợ của chương trình là 9.520 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu lên tới 67%.

Những gương mặt thất thần bên đống bằng khen, giấy khen, cúp vàng dành cho ngư dân sản xuất giỏi điển hình. Nụ cười đầy phấn khởi, hy vọng ngày đón nhận con tàu mới hiện đại ngày nào, giờ đây được thay bằng những giọt nước mắt nợ nần, là những lần phải hầu tòa vì bị ngân hàng kiện đòi nợ…

Khách quan mà nói thất bại này có phần lỗi của ngư dân. Đó là bà con còn chủ quan chưa lường trước được hết những khó khăn sẽ gặp phải; là chưa thực sự nắm bắt và thực hiện được một phương thức sản xuất, đánh bắt theo lối công nghiệp, hiện đại. Tuy nhiên, phần lỗi khách quan là chủ yếu. Ngoài lý do ngư trường cạn kiệt, giá xăng dầu và mọi nguyên liệu tăng đột biến, vì dịch bệnh, thì còn phải nói đến việc chúng ta đã vội vàng cho triển khai chương trình này một cách đại trà, trong khi chưa có phương án thí điểm từng bước để đúc kết kinh nghiệm. Ngư dân chưa được tập huấn một cách đầy đủ và bài bản với phương thức sản xuất trên phương tiện hiện đại, chưa được cảnh báo những khó khăn, rủi ro họ sẽ phải đối mặt,…

Nhớ ở Bình Định từng có dự án đánh bắt cá ngừ đại dương “kiểu Nhật” để xuất tươi sống bằng đường hàng không qua nước này bán giá cao gấp hàng chục lần kiểu đánh bắt truyền thống. Chuyên gia Nhật cũng đã sang theo tàu “cầm tay chỉ việc” cho bà con ngư dân. Nhưng giờ đây dự án thí điểm này ít được thấy nhắc đến.

Phải khẳng định Nghị định 67 là một chủ trương cần thiết và nhân văn, đặc biệt khi Biển Đông luôn “nổi sóng”, ngư trường của ta bị phía Trung Quốc ngăn chặn, gây khó khăn, áp lực… Đồng thời hiện đại hóa cũng chính là yêu cầu không thể khác với ngành khai thác thủy hải sản nói riêng và mọi ngành nghề nói chung. Nhưng như giờ đây đã thấy, việc thiếu một lộ trình bài bản, tính toán chặt chẽ, kỹ càng từ cả hai phía là Nhà nước và người thụ hưởng chương trình, đã dẫn đến một cái kết mặn hơn nước biển.

Nước mắt những “ngư dân 67” ấy giờ đang rơi trên bờ, rơi tại những phiên tòa đòi nợ. Trong khi “món nợ” mà chúng ta đang mang ơn những ngư dân mạnh mẽ, quả cảm và cũng đầy mất mát, nhọc nhằn ấy trong việc họ là những cột mốc sống gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thì vẫn chưa có cách gì trả được. Không giá nào trả được.

Rất cần có chủ trương kịp thời, hài hòa hợp lý để giải bài toán nan giải và đau xót này!

MỚI - NÓNG