Nước mắm Phú Quốc đối mặt với hàng giả, hàng nhái

Nước mắm Phú Quốc đối mặt với hàng giả, hàng nhái
TPO - Là sản phẩm đầu tiên của khối ASEAN được EU cấp chứng nhận Bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhưng để giữ được thương hiệu, nước mắm Phú Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức như chất lượng, kiểm soát được hàng giả, hàng nhái.

Đây là thông tin được ông Bryan Fornari, Phó ban hợp tác và phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký GI ở châu Âu," do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức ngày 22/7.

Theo ông Bryan Fornari, giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) có thể được xem như một công cụ tiếp thị quan trọng, giúp cho nước mắm Phú Quốc bán chạy hơn ở EU và các thị trường khác. Nhưng đây chỉ là bước đầu để nước mắm Phú Quốc tiếp cận tốt hơn và sinh lời tại thị trường EU.

“Cần phải nghiên cứu làm sao cho chứng chỉ PDO có thể đem lại lợi nhuận, cho phép thương hiệu sản phẩm trở nên nổi tiếng bởi chất lượng của chính sản phẩm đó. Đây là một thách thức còn đang ở phía trước”, ông nói.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết, hiện có 68/80 doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Ước tính mỗi năm các doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường khoảng 24 triệu lít nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên, do thương hiệu này đang rất nổi tiếng nên tình trạng làm giả, nhái thương hiệu vẫn còn khá phổ biến.

Các loại nước mắm Phú Quốc chính hiệu thường có 3 loại tem: Tem về mã số sản phẩm (được dán trên cổ chai), logo chung về Phú Quốc và logo dán chỉ dẫn địa lý của châu Âu. Tem về mã số sản phẩm sẽ được cấp theo tên của từng doanh nghiệp khi đạt các tiêu chuẩn về chỉ dẫn địa lý. Khi cần, chỉ cần nhìn vào mã số ghi trên sản phẩm là có thể truy xuất được thông tin về chất lượng và doanh nghiệp đó.


Trong khuôn khổ tuần lễ truyền thông chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ ký thỏa thuận thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm Phú Quốc với một số doanh nghiệp như BigC, Hapro, Fivimart, Ocean Mart Công ty cổ phần chợ Đồng Xuân...

Trước đó, tháng 10/2012, Liên minh châu Âu đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm của tỉnh Kiên Giang, được bảo hộ tại thị trường EU dưới dạng tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO). Với chứng nhận bảo hộ tên gọi xuất xứ, việc đảm bảo bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào và quy trình sản xuất nước mắm Phú Quốc phải tuân thủ theo hồ sơ đăng bạ với EU.

MỚI - NÓNG