Nửa số DN Nhật gặp khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam

Ra mắt Bộ phận hỗ trợ DN Nhật Bản (Japan Desk) tại Việt Nam.
Ra mắt Bộ phận hỗ trợ DN Nhật Bản (Japan Desk) tại Việt Nam.
TPO - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Hà Nội (JETRO Hà Nội) – ông Atsusuke Kawada cho biết, có hơn một nửa số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam nói rằng họ gặp khó khăn, vướng mắc khi đầu tư tại Việt Nam, như thủ tục thuế, hành chính phức tạp, vận hành pháp luật chưa minh bạch.

Con số trên được ông Atsusuke Kawada đưa ra tại buổi lễ ra mắt Bộ phận hỗ trợ DN Nhật Bản (Japan Desk), do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng nay (21/11).

Theo Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, số liệu truy cập vào website tổ chức này để tìm hiểu thông tin môi trường đầu tư nước ngoài của các DN Nhật cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai về lượng tìm kiếm tại khu vực ASEAN (sau Thái Lan). Cụ thể, khoảng 20% số DN Nhật đầu tư ra nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến; gần 70% DN Nhật đã đầu tư vào Việt Nam có dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 1-2 năm tới.

Lợi thế của Việt Nam so với các nước khác, theo ông Atsusuke Kawada, là nhờ chi phí nhân công rẻ (chỉ bằng một nửa Thái Lan, Trung Quốc), chi phí sản xuất thấp (điện, nước). Tuy vậy, Việt Nam kém Thái Lan về sự rõ ràng, minh bạch của hệ thống pháp luật; cơ sở hạ tầng; công nghiệp phụ trợ (tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ được 30%, trong khi Thái Lan 60%)…

Dẫn chứng cho hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện, vận hành pháp luật chưa minh bạch, ông Atsusuke Kawada cho biết, có DN phản ánh, thuê đơn vị điện lực về sửa chữa hệ thống điện, nhưng khi thanh toán đơn vị điện lực lại không xuất hóa đơn đỏ. “Với DN, thanh toán chi phí nhưng không có hóa đơn đỏ sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong Bộ KH&ĐT hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc như vậy”, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội nói.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư lớn nhất Việt Nam (đứng đầu về cấp vốn ODA và thứ 2 về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Thời gian qua, có nhiều cơ quan cả Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia hỗ trợ các hoạt động đầu tư của DN Nhật. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa chuyên nghiệp, sự ra đời của Japan Desk sẽ khắc phục những điều này.

Theo ông Hoàng, qua Japan Desk, DN Nhật đầu tư vào Việt Nam sẽ được hỗ trợ tiếp cận các chính sách của Việt Nam, tiếp xúc các địa phương, cơ sở hạ tầng…

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tới nay, Nhật Bản có 2.434 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 36,507 tỷ USD; trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký đầu tư 1,66 tỷ USD vào Việt Nam (chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam).

MỚI - NÓNG