Nữ cảnh sát có tài thương thuyết
Chiều muộn ngày cuối tuần nhưng trung tá Khúc Thị Bạch Liên (46 tuổi), trưởng Công an phường Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội), có gần 30 năm công tác trong ngành vẫn miệt mài với công việc tại trụ sở. Hai chiếc điện thoại của chị liên tục đổ chuông khiến cuộc trò chuyện với phóng viên bị ngắt quãng.
"Được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ rồi nên mình càng phải cố gắng hơn", nữ trung tá chia sẻ.
Khuôn mặt phúc hậu nhưng có ánh mắt sắc bén và giọng nói đanh gọn, chị chia sẻ chuyện phá án khi còn làm Phó trưởng công an phường Văn Quán rồi đến Trưởng công an phường Phúc La.
Nửa đêm một ngày trung tuần tháng 10/2010, người dân báo tin tại khu vực gần hồ Văn Quán có hai nhóm thanh niên đi taxi nghi mang theo vũ khí chuẩn bị dàn trận đánh nhau.
"Lúc đó chỉ có mình và một số chiến sĩ đang trực ở trụ sở. Nhận tin báo cả ca trực vội xuống hiện trường", chị nhớ lại.
Dù thấy xe cảnh sát hú còi, hai nhóm thanh niên vẫn thách thức nhau khiến cả đoạn đường náo loạn trong đêm. Nữ trung tá chia sẻ, trong đám đông, cái khó nhất là cần xác định “tâm bão” ở đâu để từ đó giải tán họ.
Sau khi xác định bộ đôi nghi cầm đầu hai nhóm, nữ trung tá mặc cảnh phục một mình tiếp cận họ. Gần nửa giờ thương thuyết, cả đám từ bỏ ý định đánh nhau và theo người phụ nữ về cơ quan công an hòa giải.
Chị bảo, với những người có lý lịch cộm cán, cảnh sát càng phải xử lý thấu tình, đạt lý. “Càng khiến họ nể phục mình bằng lý lẽ thì họ càng ít tái phạm. Đó có lẽ là một lợi thế khi mình là nữ”, nữ trưởng công an phường duy nhất ở Hà Nội cười, nói.
Theo trung tá Liên, chị từng hoà giải thành công nhiều vụ gây rối trật tự, bạo lực gia đình trên địa bàn. Cách giải quyết hầu hết các vụ việc chị đều dùng biện pháp thương thuyết.
Phá án ngày ba mươi Tết
Nữ trưởng công an phường kể, đêm 29 Tết năm trước, một trường mầm non báo bị kẻ gian trộm nhiều tài sản. Đang trong ca trực, chị cùng cán bộ xuống hiện trường rà soát. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đồ bị mất được giấu trong một tòa nhà đang xây, gần hiện trường.
Nhận định nghi can sẽ quay lại để lấy tài sản mang đi tiêu thụ trước giao thừa, cảnh sát chia nhiều mũi phục kích.
Sáng 30 Tết, chị Liên mặc thường phục đóng vai khách đến ăn sáng. Người phụ nữ này vào quán phở gần nơi thủ phạm giấu tài sản để theo dõi.
Gần 7h sáng, thấy một nam thanh niên đến bê loa đài, tủ nhà trẻ ra khỏi nơi giấu, nữ sĩ quan cùng các mũi phục kích ập đến khống chế. Thủ phạm vụ trộm cắp là thanh niên 30 tuổi, sinh viên lưu ban một trường đại học ở Hà Nội.
Theo vị trưởng công an, phường Phúc La khá phức tạp về an ninh trật tự. Đây là địa bàn giáp ranh nội ngoại thành nên có nhiều thành phần xã hội, gồm cả người tỉnh ngoài sinh sống xen kẽ các khu dân cư.
Ngồi cạnh những tập hồ sơ vụ án, nữ cảnh sát có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành chia sẻ, nhiều khi chị phải quên đi thiên chức của người phụ nữ trong gia đình để hoàn thành nhiệm vụ.
Chị bảo, an ủi lớn nhất với bản thân đó là người chồng. Anh cũng là một sĩ quan công an. “Là lính hình sự nên chồng mình chia sẻ nhiều kinh nghiệm và luôn đứng sau giúp mình phá nhiều vụ án”, trung tá Liên nói.
Có lần hai ngày liền không về nhà để trực ca đêm, nhưng chị luôn được người thân động viên. “Nhiều lúc không kịp về nấu bữa ăn cho gia đình, mình cũng thấy áy náy. Cũng may các con đều đã lập gia đình, nhà chỉ còn hai người nên mình được ông xã động viên”, nữ cảnh sát tâm sự.
Những người dân ở phường Phúc La cho biết, họ đã quen với hình ảnh một vị nữ trưởng công an thường xuyên xuống địa bàn để tuyên truyền mô hình liên kết phòng chống tội phạm giữa cơ quan, tổ chức và khu dân cư.
"Cương vị là một trưởng công an phường nhưng tôi thấy chị Liên vẫn xuống các tổ dân phố như một cảnh sát khu vực. Nữ cán bộ này là một người khá thân thiện với người dân nơi đây...", ông Hòa (56 tuổi, ở tổ dân phố 5, phường Phúc La, quận Hà Đông) nói.