Nữ sinh Việt ở Singapore tự tử bằng quai túi xách

Nữ sinh Việt ở Singapore tự tử bằng quai túi xách
Cơ quan điều tra Singapore kết luận, nữ sinh Nguyễn Cao Minh Ngọc đã dùng dây quai túi xách bằng da để treo cổ trong tủ áo quần ở ký túc xá Singapore.

>> Nữ sinh chết tại Singapore: Không loại trừ khả năng tự sát

Cổng chính ký túc xá sinh viên Queensway. Ảnh: Thục Minh
Cổng chính ký túc xá sinh viên Queensway. Ảnh: Thục Minh (Thanh Niên).


Nhiều câu hỏi chưa trả lời

Phóng viên chuyên viết mảng tòa án của báo Straits Times, cô Elena Chong, hôm qua cho biết, sinh viên Nguyễn Cao Minh Ngọc tự tử bằng sợi dây da màu nâu. Cô Chong đã tham dự phiên tòa ngày 2 - 8, công bố kết luận điều tra của cảnh sát về nguyên nhân cái chết của Ngọc.

Như đã đưa tin, Ngọc, 24 tuổi, sang Singapore hồi tháng 11 - 2009, học khóa Cao học Tài chính và Ngân hàng tại trường Phát triển Quản lý Singapore (MDIS). Cô trú tại ký túc xá (KTX) Queensway.

Sáng 15 - 12 - 2009, quản lý KTX phát hiện thi thể Ngọc trong tủ áo quần tại căn phòng mà cô ở cùng một nữ sinh Việt Nam khác không học trường MDIS.

Báo Straits Times, khi đó, trích lời cảnh sát nói, thi thể Ngọc được tìm thấy trong tư thế ngồi dựa vào thành tủ, mặc quần áo đầy đủ, trên người không thấy thương tích rõ rệt. Kết luận ban đầu cho rằng, Ngọc chết trước thời điểm được tìm thấy khoảng 2 ngày.

Theo biên bản điều tra được đọc tại phiên tòa hôm 2 - 8, có một sợi dây da màu nâu siết cổ Ngọc và được chốt lại bằng một móc kim loại chạm vào phần cổ bên phải. Đầu dây còn lại có dấu bẻ ngoặt. Trên thanh ngang để treo áo quần trong tủ, các móc áo được lùa về một bên, phần giữa thanh ngang bị cong võng xuống, một đầu thanh treo bị biến dạng.

“Điều đó chứng tỏ Ngọc đã buộc dây treo cổ vào thanh treo áo quần. Vì sức nặng của cơ thể, thanh treo bị võng xuống. Sau khi Ngọc chết thì đầu dây buộc vào thanh treo bị sút, cả người cô rơi xuống”, cô Chong nói.

“Chiều cao của thanh treo là bao nhiêu?”, phóng viên hỏi. “Cô Ngọc cao 1m49, nặng khoảng 40 kg. Còn chiều cao thanh treo tính từ đáy tủ là 1m55”, cô Chong trả lời.

“Nếu cô ấy nhón chân một tí thì đầu đã có thể chạm thanh ngang. Làm sao cô ấy có thể treo mình được? Vả lại độ chắc chắn của các thanh treo áo quần thường không cao?”, phóng viên hỏi. “Tôi nghĩ cô ta có thể. Mặt khác, mọi thứ trong phòng đều nguyên vẹn, không có dấu hiệu của sự xâm nhập từ bên ngoài”, cô Chong nói.

Phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với bà Lynn Sim, Giám đốc KTX Queensway và hỏi liệu có thể tự tử được trong tủ áo quần như vậy không? Bà Sim trả lời: “Chúng tôi không thể nói điều đó có thể xảy ra được hay không. Chúng tôi cũng không bình luận về kết luận điều tra của cảnh sát”.

Chiều qua, phóng viên cũng đã liên lạc với tòa án Singapore để xin toàn bộ biên bản điều tra và kết luận của cảnh sát. Phía tòa án hứa sẽ cung cấp trong hôm nay. Trong khi đó, ông Choo Hong Xian, từ bộ phận đối ngoại của Lực lượng cảnh sát Singapore, nói rằng: “Vụ việc coi như đã khép lại và cơ quan điều tra sẽ không có thêm giải thích gì”.

Vắng bóng các bên liên quan

Phiên tòa ngày 2 - 8 thuộc dạng để Singapore công bố kết quả điều tra về bối cảnh và nguyên nhân của những cái chết bất thường. Trong những phiên tòa kiểu này, thân nhân của người chết, nhân chứng và các bên liên quan được mời đến nghe báo cáo điều tra, cung cấp thêm lời khai hoặc đối chất, cật vấn về những thông tin chưa rõ, chưa thỏa đáng. Nếu các bên đồng tình và thỏa mãn với các chi tiết trong báo cáo điều tra thì phiên tòa sẽ ra phán quyết kết luận nguyên nhân cái chết.

Trong phiên tòa của Ngọc, theo nhà báo Elena Chong, không có ai bị bắt buộc phải đến dự. Vì thế, chỉ có đại diện Đại sứ quán Việt Nam có mặt và không ai đặt câu hỏi gì với quan tòa.

Ông Nguyễn Việt Kiên, Bí thư thứ nhất phụ trách về lãnh sự của sứ quán, cho phóng viên biết, người tham dự phiên tòa là ông Bùi Tấn Long, Tham tán phụ trách về lãnh sự. Hôm qua, phóng viên không liên lạc được với ông Long.

Bà Amy Sim, phụ trách quan hệ báo chí của trường MDIS, trả lời qua e-mail rằng, nhà trường không biết thông tin về phiên tòa nên không có ai đến dự. Giám đốc KTX Queensway, bà Lynn Sim, cũng nói, bà chỉ biết tin về phiên tòa nhờ đọc báo.

Bà Sim cũng từ chối tiết lộ thông tin hiện cô bạn cùng phòng với Ngọc có còn ở trong KTX hay không. Cô này đã khai với cảnh sát rằng, Ngọc cãi nhau với bạn trai vì anh ta không gửi tiền cho Ngọc đóng học phí và không mua vé máy bay cho cô về nước.

Người đàn ông được cho là bạn trai của Ngọc cũng không có mặt tại phiên tòa và nơi sinh sống của anh ta không được cảnh sát nhắc tới. Cảnh sát nói đó là một kỹ sư 36 tuổi, đã có vợ, và thừa nhận không thể gửi tiền cho Ngọc vì đang gặp khó khăn về tài chính ở Việt Nam. Cảnh sát cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến chuyện Ngọc tự tử.

Theo Thục Minh
Thanh Niên

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.