TPO - Rời khỏi nơi trọ khi còn tờ mờ sáng, Lê Thị Thúy Kiều tất tả bán những phần điểm tâm cho học sinh và sau đó mới quảy ba lô đến giảng đường.
Đó là hành trình quen thuộc của nữ sinh viên năm nhất Lê Thị Thúy Kiều (18 tuổi, quê Ninh Thuận) kể từ khi bắt đầu chặng đường học tập mới ở khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.
Ba mẹ chia tay, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, ngay từ khi vào đại học, Thúy Kiều đã tự lực cánh sinh chuyện sinh hoạt, học tập ở nơi đất khách quê người. Từ đầu tháng 10 vừa qua, qua giới thiệu của các chị ở lưu xá, Kiều nhận việc bán các món ăn điểm tâm (như sushi, sandwich, hamburger) trước một điểm trường ở TP Dĩ An (Bình Dương) vào mỗi buổi sáng để kiếm thêm khoản tiền trang trải cuộc sống thường nhật.
Đều đặn mỗi ngày, cứ 5 giờ 30 sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, Kiều bày biện 'gian hàng' nhỏ trước khu vực cổng trường để bắt đầu buổi mưu sinh.
Cô học trò chăm chỉ tận dụng khoản thời gian sáng sớm để buôn bán và tranh thủ đi học ngay sau đó.
Thúy Kiều cho biết, bản thân thích học Hóa nên muốn theo ngành Thú y nhưng gia đình khuyên “nhà làm nông khổ rồi giờ đừng theo ngành nông nghiệp nữa", nên Kiều đã chọn ngành Công nghệ thông tin. "Em dự định, đến năm thứ 3 sẽ kiếm việc làm tester (kiểm thử phần mềm) để chuẩn bị cho công việc chuyên môn tương lai", Kiều chia sẻ.
Nữ sinh đất nắng và gió Ninh Thuận chia sẻ, bước vào đời sinh viên, kiến thức đại học rất mới mẻ và khó, do đó bản thân Kiều luôn cố gắng tự học, tự trau dồi. "Khó khăn hiện tại của em là ở lưu xá đông người, khá ồn nên em khó tập trung. Vì vậy em chủ yếu học buổi tối hoặc ra ngoài ban công để có thể tập trung hơn", Kiều bộc bạch.
Từ lúc bắt đầu làm thêm đến nay, Kiều chỉ nghỉ đúng 1 buổi bán do hôm đó có lịch học sớm.
Mỗi buổi bán, Kiều được trả công 40.000 đồng. Cùng với số tiền xăng hỗ trợ thêm 20.000 đồng, mỗi tuần nữ sinh chỉ thu nhập vỏn vẹn 220.000 đồng sau 5 ngày mưu sinh.
"Khoản thu nhập này cũng đủ để em đổ xăng, mua mì gói, sữa và in tài liệu học tập", Kiều chia sẻ và cho biết những lúc mua bán đếm không kỹ bị thiếu hụt, bạn phải bỏ tiền túi để bù vào.
Dù số tiền kiếm được khá ít ỏi, Kiều gói gọn đủ tự trang trải sinh hoạt thường nhật, để ba dành tất cả thu nhập lao động ở quê chăm lo cho hai em nhỏ ở quê nhà.
Nữ sinh bộc bạch, từ ngày mẹ bỏ đi, ba bạn buồn rầu nên cứ sau những giờ lao động cật lực thì lại lao vào rượu bia để giải sầu, khiến sức khỏe sa sút. "Em tự hứa với lòng phải cố gắng học tập, nỗ lực hết mình để đạt kết quả cao, lấy đó làm niềm vui, động lực cho ba. Em cũng mong ba vơi bớt nỗi buồn, ít uống rượu bia mà còn ở với mấy chị em thật lâu để em báo hiếu", Thúy Kiều chia sẻ.
Hiểu được hoàn cảnh gia đình, hè vừa rồi, khi vừa hoàn thành kỳ thi Tốt nghiệp THPT, Kiều cũng đã đi phụ quán cà phê để phụ ba chăm lo các em. Cảm kích nghị lực vượt khó của Lê Thị Thúy Kiều, báo Tiền Phong (Cơ quan thường trực Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam) quyết định trao học bổng Nâng bước thủ khoa để động viên, tiếp sức bạn trên hành trình phấn đấu sắp tới.
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.
TPO - Trước dự báo mưa lớn kéo dài, Hà Tĩnh đã kích hoạt xả tràn nhiều hồ chứa nước lớn, gồm: Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí và Khe Xai để ứng phó mưa lũ.