Nữ sinh đất Tổ và hành trình 'đổi màu huy chương'

0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Thị Thu Nga chụp ảnh cùng cô giáo Vũ Thị Hạnh sau khi giành tấm Huy chương Bạc ở kỳ thi IBO 2021. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Thu Nga chụp ảnh cùng cô giáo Vũ Thị Hạnh sau khi giành tấm Huy chương Bạc ở kỳ thi IBO 2021. Ảnh: NVCC
TP - Nguyễn Thị Thu Nga vì hoàn cảnh gia đình từng từ chối vào trường chuyên của tỉnh Phú Thọ, thế nhưng cô đã mang tới câu chuyện đẹp về hành trình chinh phục kiến thức Sinh học, đổi màu huy chương Olympic quốc tế và ước mơ trở thành bác sĩ.

Thành quả ngọt ngào

Nguyễn Thị Thu Nga (SN 2003) lớp 12 trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, là một trong bốn đại diện của Việt Nam đua tài trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) 2021. Đây là lần thứ hai Nga tham gia kỳ thi Olympic quốc tế (IBO 2020, Nga giành giải Khuyến khích), cũng là lần thứ hai lỡ duyên xuất ngoại và phải thi qua hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19.

“Em có một chị gái mạnh mẽ, học tập chăm chỉ là gương sáng noi theo. Em có một người mẹ tần tảo nuôi các con ăn học và cô giáo Vũ Thị Hạnh - người mẹ thứ hai luôn đồng hành suốt năm tháng học ở trường chuyên xa nhà. Ba người phụ nữ mà em yêu thương nhất chính là động lực lớn, giúp em mạnh mẽ hơn, nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống”.

Nguyễn Thị Thu Nga

Với Nga, IBO 2021 không chỉ là cuộc so tài với hơn 300 thí sinh của 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn là cuộc đua “vượt qua chính mình”. Trong quá trình làm bài dự thi Olympic lần đầu tiên, cô đã gặp những trục trặc khi “có nhiều bỡ ngỡ về kinh nghiệm thi, máy móc và kiến thức chưa đủ độ chín”.

Vì vậy, chuẩn bị cho lần trở lại Olympic Sinh học, cô đã tập trung ôn chắc kiến thức cơ bản, dành nhiều thời gian học, nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng, cũng như bổ sung kỹ năng sử dụng máy tính. Mỗi ngày, Nga chỉ dành 5 - 6 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi.

Nữ sinh đất Tổ và hành trình 'đổi màu huy chương' ảnh 1

Cô Hạnh và Nga trên hành trình chinh phục kiến thức Sinh học. Ảnh: Thanh Hùng/NVCC

Trong kỳ thi IBO 2021, Nga cùng các thí sinh quốc tế làm bài Thực hành và Lý thuyết trong hai ngày thi, mỗi ngày thi làm trong ba giờ trên hệ thống thi trực tuyến TestWe. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên các thí sinh làm bài hoàn toàn trên máy tính với nhiều kiểu, dạng câu hỏi khác nhau kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Nga chia sẻ, đề thi không quá khó, nhưng đòi hỏi thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản và cẩn thận khi làm bài. Phần thi hay, khó nhất là sinh thái học vì dài, có nhiều thí nghiệm đòi hỏi thời gian đọc lâu hơn, dễ bị lẫn. Song, cô đã cơ bản hoàn thành bài thi.

“Buổi tối công bố kết quả bằng video trực tiếp trên Youtube, em và cô giáo đã cùng nhau ngồi theo dõi, nín thở. Khoảnh khắc tên em có trong danh sách huy chương Bạc IBO 2021, em và cô giáo đều vỡ oà, hạnh phúc. Em rất vui mừng vì mình đã đổi được màu huy chương, và liền gọi điện về cho mẹ và người thân”, Nga chia sẻ.

Vượt lên gian khó

Nga yêu thích bộ môn Sinh học từ năm lớp 8 ở Trường THCS Lâm Thao, Phú Thọ. Trong quá trình học, Nga tìm được niềm say mê với kiến thức về sự sống xung quanh, từ cơ thể con người, động vật đến các sinh vật trong thế giới tự nhiên. Đặc biệt, động lực nữa đến từ người chị gái, từng là học sinh giỏi tỉnh môn Sinh và thi đỗ ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên.

Để thành tích như hiện nay, Nga đã có hành trình đầy nghị lực và rất đẹp của tình cô trò. Bố mất vì đột qụy. Tiền lương công nhân may ít ỏi gần 4 triệu đồng/tháng của mẹ càng thêm eo hẹp, khi trang trải, lo ăn học cho ba đứa con và phụng dưỡng mẹ già.

Nữ sinh đất Tổ và hành trình 'đổi màu huy chương' ảnh 2

Nguyễn Thị Thu Nga đã giành huy chương Bạc trong kỳ thi IBO 2021

Thương mẹ tảo tần, cô bé Nga - giành giải nhất Sinh học tỉnh Phú Thọ năm lớp 9, suýt từ chối nộp hồ sơ dù được tuyển thẳng vào trường THPT chuyên Hùng Vương. Nga chọn trường gần nhà để phù hợp với điều kiện gia đình và có thể phụ giúp việc nhà.

“Em đã rất phân vân bởi vào học trường chuyên là niềm mơ ước lớn của nhiều học sinh. Nhưng em lại sợ chi phí sinh hoạt xa nhà và mức học phí cao thì mẹ lại thêm vất vả “, Nga tâm sự.

Người giúp làm Nga thay đổi quyết định ấy là cô giáo Vũ Thị Hạnh - Tổ trưởng Tổ sinh Học của trường THPT chuyên Hùng Vương. Theo yêu cầu của lãnh đạo nhà trường, cô đã về Lâm Thao tìm hiểu gia cảnh, thuyết phục Nga.

Suốt hai tiếng tâm tình, cô Hạnh chia sẻ nhiều về khả năng, về tương lai và cơ hội mà Nga không nên bỏ qua, cùng những dẫn chứng chính cuộc đời của mình. Với những lý lẽ và câu nói “có cô rồi, em không phải lo gì nữa! Nếu có khó khăn không ở được tại trường thì về ở với cô”, Nga cũng đồng ý đi học với lá đơn nộp hồ sơ đầy nước mắt.

Không phụ công chăm lo như con trong gia đình và kèm cặp dạy dỗ của cô Hạnh, Nga ngày càng chứng tỏ khả năng tiếp thu nhanh, trí nhớ và suy luận tốt. Trong đợt thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia môn Sinh năm học 2018-2019 của Phú Thọ, Nga là học sinh lớp 10 duy nhất nhưng đạt số điểm cao nhất. Tiếp đó, Nga giành giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và lọt vào đến vòng hai đội tuyển đi thi quốc tế.

Năm lớp 11, Nga đoạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, rồi tranh tài trong kỳ thi IBO 2020 và giành giải Khuyến khích. Với kết quả này, cô được ĐH Y Hà Nội nhận tuyển thẳng và được bảo lưu kết quả này tới khi học xong THPT; là đại diện của học sinh Phú Thọ tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, năm 2020.

Nga chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình có khó khăn, từ nhỏ em đã luôn được dạy dỗ phải học hành chăm chỉ. Em cũng hiểu học tập không phải là cách duy nhất, nhưng là cách tốt nhất để có thể thành công và giúp đỡ gia đình. Vì thế, không vì khó khăn mà em chùn bước, bỏ bê học hành và từ bỏ ước mơ”.

Ước mơ làm bác sỹ

Nga bộc bạch: “Em đến với Sinh học từ sự tò mò, thích thú của học trò cấp hai, rồi lớn dần thành đam mê khi được cô Hạnh truyền lửa. Dần dần, em coi việc học tập môn Sinh học là trách nhiệm cần phải làm vì mục tiêu học Đại học Y và ước mơ làm bác sĩ”.

Ước mơ đó của Nga không chỉ để thực hiện đam mê với môn Sinh học, nhất là những kiến thức liên quan đến sinh lý cơ thể con người, mà còn để giúp đỡ gia đình, người thân và cứu người.

Điều này càng "cháy bỏng" hơn khi dõi theo thông tin về dịch bệnh COVID-19 và đội ngũ y bác sỹ nơi tuyến đầu căng mình chống dịch; sinh viên ngành y viết đơn tình nguyện đi chống dịch tại điểm nóng, tâm dịch.

“Hình ảnh sinh viên ngành Y và y bác sỹ làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ kín mít vào những ngày nắng nóng khiến em xót xa, nhưng không vì thế mà chùn bước. Em càng thấy hình ảnh y bác sỹ thật đẹp và càng yêu nghề chữa bệnh cứu người này hơn, để bản thân cố gắng rèn luyện tâm lý, bản lĩnh và sức khỏe để có thể tiếp bước các anh chị”, cô nói.

MỚI - NÓNG