Mục tiêu, Tiếng Anh hay GPA, điều gì quan trọng nhất?
Sinh viên Lê Vũ Anh Thư, năm thứ nhất bằng Cử nhân về quản trị du lịch khách sạn trường Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc cho rằng, điều quan trọng nhất trong “chiến dịch” du học là cần phải có mục tiêu rõ ràng.
Theo Thư, mỗi người cần xác định rõ là đi du học chứ không phải xuất khẩu lao động. Mà nếu muốn đi du học thì cần tìm hiểu trước các trường mình muốn học hơn là tìm theo học bổng. Mình đã cất công đi học thì nên học các trường có chất lượng đào tạo. Sau khi lên danh sách một số trường mình muốn học, lúc đó mới nên đi đến các hội chợ du học.
Thư cho rằng, sau khi đã “nhắm’ đến trường nào thì bước tiếp theo là tìm hiểu rõ về trường qua các tiêu chí như là: Vị trí của trường học, khí hậu vùng đó, học bổng Chương trình học là bao nhiêu, Ranking của trường, học phí, cơ hội thực tập và việc làm sau này của sinh viên sau khi ra trường.
Từ thực tế bản thân, Thư cho rằng, việc du học cần được lên kế hoạch càng sớm càng tốt. Để có cơ hội trúng tuyển cao nhất, cần chuẩn bị cho mình học bạ tốt nhất, đẹp nhất: “Thực tế, nhiều bạn không cần điểm cao ở trường để đi du học, nhưng không tội gì, mình cứ làm nó đẹp nhất đi, nhỡ đâu về sau mình cần.
“Hồi cấp 3 em không nghĩ sẽ đi Úc và nghĩ đơn giản sẽ là đi Đức. Ngoài chứng chỉ tiếng Anh và điểm tổng kết trung bình cao em còn cố gắng đạt được 1 số giải và chứng nhận hoạt động như là các dự án, cuộc thi hùng biện, cuộc thi học sinh giỏi”- Thư nhấn mạnh.
Lê Vũ Anh Thư cũng cho rằng, với mỗi ngành nghề sẽ cần một số yêu cầu quen thuộc trong tuyển sinh. Nhưng cơ bản nhất là điểm trung bình và điểm IELTS cao.
Ngoài ra, Thư cho rằng, trước khi đóng hồ sơ và gửi cho đơn vị cấp học bổng, bạn hãy nhờ những người có kỹ năng tiếng Anh tốt và kinh nghiệm làm hồ sơ xem kỹ lại các giấy tờ, tài liệu, tránh để sót các lỗi ngữ pháp hay chính tả không đáng có. Đây là điểm trừ lớn khi xin học bổng.
Một du học sinh khác đã từng thành công xin học bổng tại Úc cũng chia sẻ thêm, ngoài điều kiện tiếng anh (IELTS và TOEFL) là bắt buộc. Nếu các bạn xin học bổng học sau đại học, thì kết quả học đại học ở Việt Nam phải tốt. Kết quả học tập chủ yếu thể hiện qua điểm tổng kết trung bình cuối khóa/chương trình học (GPA), các học bổng và giải thường mà các bạn đạt được.
Tuy nhiên, tùy từng chuyên ngành mà điểm tổng kết trung bình GPA khác nhau, tôi tham khảo các bạn bè được học bổng trước đó, GPA của ngành tài chính và ngân hàng khi xin học bổng khỏang 8.0 hoặc hơn, các ngành kỹ thuật thì khoảng 7.5. Nếu các bạn muốn xin học bổng học đại học thì điểm tổng kết phổ thông trung học phải tốt.
“Nhìn chung có GPA càng cao sẽ là một lợi thế lớn khi xin học bổng. Em có bạn thi ở một số cuộc thi thiết kế, và được học bổng của các trường lớn như học viện thiết kế London (Anh) mà không phải quá khó khăn”- Thư nói.
Có dễ xin học bổng toàn phần không?
Thư chia sẻ, thật ra, ở Úc thì các trường đại học họat động theo đúng tiêu chí tiền nào của nấy. Những trường nào đào tạo tốt thì thường có giới hạn học bổng.
“Thời điểm em ứng tuyển thì học bổng của em là cao nhất trường tức là 25%. Sau covid thì trường em đang theo học lại có các chương trình mới lên đến 100% chỉ với yêu cầu điểm trung bình trên 8.0 với IELST. Với các bạn học sinh bây giờ, các bạn có nhiều cơ hội học bổng hơn nhiều em thời điểm đó”- Thư nói.
Tuy nhiên, Thư cho rằng, trường em ở trong top 1% của thế giới và top 3 trường giỏi nhất của Melbourne , Úc trong ngành du lịch. Đây là trường công duy nhất ở Úc đào tạo chất lượng về ngành này. Vì thế, không được học bổng bán phần hay toàn phần em vẫn lựa chọn theo học.
Về học phí trong ba năm học đại học, Thư chia sẻ, trường của em có mức học phí khoảng 4200 đô/ môn học, mỗi năm có 8 môn học nên mỗi năm tiền học phí mất tầm 26.400 đô sau khi đã trừ tiền được cấp học bổng. Cộng thêm với tiền ăn ở mức ít nhất hơn 12.000 đô/ năm nữa, mỗi năm tiền học đại học bên Úc trên dưới 40.000 đô/năm.
Vấn đề việc làm, Thư nói, ở Úc không phải dễ để tìm việc làm thêm với mức lương cao nhưng nếu chủ động vẫn có thể làm thêm được khoảng hơn 1.6000 đô Úc/ tháng. Cá nhân Thư cho rằng, đã xác định đi du học để lấy kiến thức thì không nên quá chú trọng vào việc đi làm dù lương có cao đến đâu.
“Đã đánh đổi cả ước mơ, cả tiền bạc để đi du học ở thì mình nên chuẩn bị tâm lý và chấp nhận cho mọi khó khăn khi đi du học. Mỗi khi em đọc mấy bài mà đi du học xong không biết mình đi để làm gì, kêu ca tại sao phải bơ vơ một mình nơi xứ người thì em cảm thấy phát….cáu”- Thư chia sẻ.