Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021

Rộng cửa vào đại học

0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại TPHCM ngày 28/3
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại TPHCM ngày 28/3
TP - Ðề án tuyển sinh năm học 2021- 2022 của các trường đại học khá đa dạng với 5-6 phương thức. Bên cạnh xét tuyển bằng kết quả điểm thi THPT, việc xét tuyển bằng kết quả học bạ, thi đánh giá năng lực, tuyển thẳng… giúp tăng cơ hội vào giảng đường đại học của thí sinh.

Ưu tiên thí sinh giỏi ngoại ngữ

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, năm 2021, trường dự kiến tuyển sinh bằng 4 phương thức với 3.500 chỉ tiêu cho 26 ngành học. “4 phương thức tuyển sinh của trường, gồm xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo các tổ hợp môn xét tuyển từng ngành học (50%); xét tuyển học bạ THPT các năm (40%); xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm bài thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2021 (tối đa 5%)...”, ông Sơn thông tin.

Ông Sơn cho biết, nguyên tắc xét tuyển là từ cao trở xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Nếu xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu nhưng số thí sinh cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại thì xét tuyển theo các tiêu chí phụ. Thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển, riêng 2 ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc thì ưu tiên môn Tiếng Anh.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Công nghệ TPHCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, cũng có nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó dành 50% - 65% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Tư vấn, tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho biết, trường dành 65% chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại, gồm xét kết quả kỳ thi ĐGNL 2021 của ĐH Quốc gia TPHCM: xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 và xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), chiếm 35%.

Năm nay, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ cũng được xếp vào dạng ưu tiên khi hàng loạt trường như Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Ngân hàng, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật... ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên.

Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng… ngoài các phương thức phổ biến như xét kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia, xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, xét điểm thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM…, còn tự tổ chức kỳ thi ĐGNL riêng của trường. PGS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết, việc đa dạng hoá phương thức xét tuyển nhằm giúp thí sinh có thêm cơ hội vào đại học, giảm áp lực cho thí sinh, nhất là ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia…

Trúng tuyển sớm bằng thi đánh giá năng lực

Ngày 28/3, gần 70.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Đây là kỳ thi có số lượng lớn thí sinh tham gia chỉ xếp sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Kết quả của kỳ thi này hiện được 75 trường đại học, cao đẳng sử dụng để tuyển sinh đầu vào với chỉ tiêu dao động từ 10-70%.

Bài thi đánh giá năng lực gồm 120 câu, thí sinh làm bài dưới dạng trắc nghiệm trên giấy trong 150 phút. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt); toán học, tư duy logic, phân tích số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề (50 câu liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa và sử).

Trong số các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm ĐGNL nhất. TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết, đây là năm thứ hai liên tiếp trường dành đến 70% (tương đương 3.500 chỉ tiêu) cho kết quả thi ĐGNL. Theo ông Phúc, năm học trước, trường dành 70% chỉ tiêu nhưng chỉ gọi được khoảng 45% và cuối cùng nhập học là 30%. Mức điểm chuẩn của trường dao động từ 702-907 điểm. Xếp sau Trường ĐH Bách khoa là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn với 50% chỉ tiêu. Các trường khác như Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin… chỉ tiêu dao động từ 30- 45%. Ở các trường khối ngoài ĐH Quốc gia TPHCM, lượng chỉ tiêu dành cho hình thức ĐGNL dao động từ 5-30%.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, ở đợt 1 (tổ chức ngày 28/3) kỳ thi ĐGNL có trên 70.000 thí sinh đăng ký, trong đó có 69.826 thí sinh hoàn tất các thủ tục dự thi, tỉ lệ dự thi đạt 97,94%, cao nhất từ trước đến nay. Theo ông Chính, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức đã phải lùi thời gian về sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Do thí sinh đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT nên nhiều em đã bỏ thi. Thống kê của ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, trong tổng số 53.000 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ có chưa đầy 45% thí sinh dự thi”, ông Chính nói.

Thí sinh Châu Mỹ Hạnh (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) sau khi kết thúc kỳ thi ĐGNL nói rằng, bài thi tương đối nhẹ nhàng, tâm lý thoải mái nên dự đoán điểm thi sẽ cao. “Em vừa nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào một số trường, vừa thi ĐGNL và sắp tới là thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Em nhận thấy, việc xét tuyển đại học năm nay khá dễ do có nhiều phương thức khác nhau. Sắp tới, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu trường nào gọi nhập học đúng với sở thích, kỳ vọng thì em sẽ đăng ký nhập học, chứ không chờ đợi đến tháng 8 để xét điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia”, Hạnh nói.

MỚI - NÓNG