Nữ điệp báo siêu hạng dưới vỏ bọc tiểu thư

Trong con mắt của những nhân viên cùng phòng và người dân, tiểu thư Mỹ Nhung đi làm chỉ để kiếm chồng Mỹ và khoe sắc, khoe của. Với vỏ bọc hoàn hảo như vậy, nữ điệp báo đã lấy được rất nhiều nguồn tài liệu tối mật từ cơ quan tình báo Hoa Kỳ, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của Cụm tình báo H63 anh hùng.

Bà Tám Thảo không nổi tiếng như những huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Tàu, Phạm Ngọc Thảo… Nhưng mỗi khi nhắc đến bà, những người đồng đội ấy đều rất cảm phục, quý mến bởi sự thông minh, sắc sảo, xử lý linh hoạt nhiều tình huống nguy hiểm bảo vệ tính mạng mình và đồng đội, cung cấp nguồn tài liệu quý giá phục vụ cách mạng. Tuổi thanh xuân bà đã dành trọn cho nhiệm vụ hiểm nguy sống trong lòng địch với lý tưởng Tổ quốc trên hết…

Nữ điệp báo siêu hạng dưới vỏ bọc tiểu thư ảnh 1

Bà Tám Thảo lưu giữ hàng trăm bức ảnh chụp cùng đồng đội như một tài sản quý giá.

Nữ tình báo xinh đẹp năm xưa Nguyễn Thị Mỹ Nhung (tức Tám Thảo) nay đã 83 tuổi nhưng nét đài các thuở nào của cô tiểu thư con nhà giàu vẫn phảng phất trên khuôn mặt và trong giọng nói của bà. Nữ tình báo Tám Thảo, kể: Tôi quê gốc ở Bắc Ninh, sinh ra trong một gia đình nhà buôn có tiếng ở Sài Gòn nên từ nhỏ đã chẳng phải làm gì. Năm 16 tuổi, tôi theo cha mẹ về Vĩnh Long tham gia kháng chiến. Hằng ngày, được tận mắt chứng kiến các chị bên hội phụ nữ đi rải truyền đơn, tôi đã muốn làm theo nhưng không được.

Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm tìm ra vùng chiến khu và được giao nhiệm vụ ban đầu là tập chèo xuồng lái đò đưa cán bộ qua sông. Trong những chuyến đưa đò ấy tôi đã được gặp anh Ẩn (điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn-PV).

Từ những công việc bình thường ban đầu, bà phấn đấu hoàn thành thật tốt. Hai năm sau, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, vinh dự và trách nhiệm của người đảng viên luôn là mệnh lệnh thôi thúc bà phấn đấu quên mình vì Tổ quốc. Đồng thời, cũng từ đây, quãng thời gian hoạt động của bà gắn liền với những người đồng đội trong ngành tình báo, đặc biệt là hai nhân vật có vai trò quan trọng: Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) và Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng cụm tình báo H63. Bà Tám Thảo, nhớ lại:

Năm 1964, do yêu cầu nhiệm vụ, tôi phải tìm cách lọt vào cơ quan đầu não của địch. Với khả năng tiếng Anh lưu loát, tôi đã xin được vào làm phiên dịch trong một cơ quan Hải quân Mỹ. Sau này tôi mới biết, đây thực chất là một cơ quan của tình báo Hoa Kỳ. Ở đó, tôi lần lượt giúp việc, thông dịch cho các đời trưởng phòng là thiếu tá, cố vấn tình báo Mỹ. Chúng luân phiên sang Việt Nam công tác 18 tháng rồi lại trở về Mỹ. Điều này cũng có cái lợi nhưng cũng có khó khăn cho tôi trong việc giữ bí mật, gây thiện cảm và tiếp cận tài liệu cung cấp cho kháng chiến. Bởi vậy, trong sinh hoạt, công tác hằng ngày tôi phải luôn tỉnh táo, khéo léo để giữ mình, che mắt địch, tạo niềm tin với “sếp” và những người xung quanh.

Cách mà nữ tình báo Tám Thảo dùng để tạo vỏ bọc qua mặt hàng loạt mật thám, CIA Mỹ trong suốt thời gian dài chính là thái độ thân thiện, tính cách "phớt Ăng-lê" và hơi “chảnh” của tiểu thư con nhà tư sản. Bà đã từng đập tay xuống bàn cự lại “sếp” của mình khi bị yêu cầu làm việc thêm ngoài giờ, ngày nghỉ để được tăng lương. Nhớ lại chi tiết đó, bà cười:

Hôm đó là ngày làm việc cuối tuần, tên sĩ quan trưởng phòng kêu tôi làm thêm giờ nhưng tôi nhất định không chịu. Hắn giận dữ, đập tay xuống bàn, quát: “Đi làm có thêm tiền, tại sao cô không đi?”. Tôi đứng phắt dậy, cũng đập bàn, đáp: “Ông có ngày chủ nhật của ông, tôi cũng có ngày chủ nhật của tôi. Tôi không cần tiền làm thêm giờ. Lương cả tháng không bằng tôi ở nhà buôn bán trong 2 ngày. Tôi cần thời gian dành cho gia đình”. Nghe vậy, tên trưởng phòng im bặt, lặng lẽ bỏ đi… Mình làm việc ngay trong lòng địch, sơ hở một chút là chết liền, thế nên nguyên tắc đầu tiên của tôi là phải sống thật. Nếu không sống thật thì mình sẽ chết thật.

Trong con mắt của những nhân viên cùng phòng và người dân, tiểu thư Mỹ Nhung đi làm chỉ để kiếm chồng Mỹ và khoe sắc, khoe của. Bởi vậy, Mỹ Nhung được sĩ quan Mỹ tin tưởng, thậm chí còn bảo vệ cô khi có ai đó tỏ ý nghi ngờ. Chính sự khéo léo, tự tin đã giúp bà vượt qua nhiều thức thách cam go, chuyển tài liệu ra ngoài trót lọt, nhất là sau khi bà vượt qua thử thách của chiếc máy kiểm tra nói dối. Nữ tình báo hồi tưởng:

Nữ điệp báo siêu hạng dưới vỏ bọc tiểu thư ảnh 2

Nữ tình báo Tám Thảo cùng người chỉ huy Tư Cang (thứ hai từ trái sang) và đồng đội.

Người Mỹ rất nguyên tắc, dù đã tin tưởng mình nhưng họ vẫn tiến hành kiểm tra. Trước đó, tôi đã được anh Tư Cang thông báo là bọn địch mới đưa sang một số máy kiểm tra nói dối và sẽ sử dụng ở cơ quan Hải quân. Sáng đó, khi tôi vừa đến sở làm việc thì tên thiếu tá “sếp” của tôi bảo lên xe zeep và chở đến một tòa nhà có căn phòng rất rộng. Ở đó, tôi thấy có chiếc máy khá lạ. Tôi chợt nhớ tới lời anh Tư Cang và đoán chắc đó là chiếc máy kiểm tra nói dối. Tự nhủ lòng phải thật bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra, tôi ngồi rất thoải mái trên ghế. Tên thiếu tá bước ra ngoài cửa đứng đợi. Một tên sĩ quan khác bước vào. Hắn bảo tôi: “Cô chỉ được nói tiếng Việt, không quá 3 từ”. Tôi liếc qua bản danh sách có khoảng hơn 20 câu hỏi. Cuộc khảo sát bắt đầu: “Cô người Bắc hay Nam?”. “Bắc”. “Anh cô tập kết ra Bắc phải không?”. “Phải”. “Một năm cô gửi mấy lá thư ra Bắc?”. Thoáng chút đắn đo, nếu nói không gửi hoặc gửi nhiều quá đều sẽ rất nguy hiểm, tôi quyết định trả lời: “Hai”…

Cứ thế, chúng hỏi tôi khá nhiều với thái độ thoải mái dần, không quá căng thẳng, nghiêm túc như lúc đầu. Quá trình kiểm tra, chúng kết hợp quay phim. Tôi cũng đấu trí bằng cách nhớ lại tên các nhân vật trong những bộ phim tôi đã từng xem, không còn quan tâm đến câu hỏi của chúng để tinh thần tỉnh táo cao độ, không bộc lộ một chút lo sợ. Đến quá trưa, cuộc kiểm tra kết thúc. Tôi bước ra ngoài cửa, tên thiếu tá vẫn đứng chờ, tỏ vẻ sốt ruột, hỏi: “Sao cô ở trong đó lâu quá vậy?”. Tôi tỉnh bơ trả lời: “Anh hỏi sếp của anh ấy, làm sao tôi biết”. Hắn đưa tôi lên xe chở về phòng làm việc. Trong đầu tôi vẫn rất bình tĩnh, tự tin sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Tối đó về nhà, bà kể lại toàn bộ sự việc cho đồng chí Tư Cang (lúc này đang sống trong nhà cô Mỹ Nhung với vỏ bọc người anh thứ tư từ dưới quê lên). Mặc dù rất tin tưởng nữ đồng đội thông minh, sắc sảo nhưng người chỉ huy cụm tình báo chiến lược vẫn rất lo lắng bởi nếu bị lộ thì cơ sở của ta cài cắm trong các cơ quan đầu não của địch sẽ khó bảo toàn. Tám Thảo vẫn tự tin động viên thủ trưởng yên tâm bởi theo bà chẳng có máy móc nào đo được bản lĩnh của con người, chẳng qua đó chỉ là phương pháp cân não, kiểm tra tâm lý mà thôi. Sáng hôm sau, bà đi làm sớm hơn mọi ngày với ý định dò hỏi kết quả từ tên thiếu tá chỉ huy. Vừa thấy hắn vào phòng làm việc, bà khóc và trách hắn:

Tôi đã làm việc cùng anh hơn 1 năm trời, vậy mà anh còn nghi ngờ tôi.

Hắn cười, bảo:

Đó là nguyên tắc. Ngay cả tôi cũng sẽ bị kiểm tra nếu thấy cần thiết. Kết quả của cô rất tốt, nếu không thì cô đã bị đưa đi ngay từ trưa hôm qua rồi. Tôi đợi cô ở cửa trước là rất tin cô sẽ vượt qua, không bị đưa đi lối cửa sau.

Nở nụ cười chiến thắng, bà Tám Thảo nói:

Nghe hắn giải thích tôi mới hình dung ra căn phòng kiểm tra có một lối cửa sau hun hút. Những ai có kết quả nghi ngờ lập tức sẽ bị đưa theo lối đó và vĩnh viễn không thể trở về. Trong lúc trả lời các câu hỏi phải thật bình tĩnh, chỉ cần mình hồi hộp, lo lắng là chiếc máy sẽ cho kết quả khác liền.

Sau lần ấy, bà càng chiếm được lòng tin của sĩ quan Mỹ nên công việc khá thuận lợi. Từ việc ra vào cổng gác không bị xét hỏi, đi muộn về sớm… đến sự vắng mặt do vận chuyển tài liệu đều được bà giải quyết ổn thỏa không để địch nghi ngờ, mang lại thành công lớn cho cách mạng.

Bà Tám Thảo kể:

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch vô cùng hoang mang, chúng tăng cường bố phòng để ngăn chặn lực lượng ta. Cũng thời điểm này, quân địch gia tăng các hoạt động quân sự gây cho ta nhiều tổn thất. Yêu cầu của cách mạng là phải nắm được phương án của địch nhận định về ta để có cơ sở tiếp tục tổ chức tiến công đợt hai. Nhiệm vụ này được Cụm trưởng tình báo H63 giao cho tôi phải nhanh chóng tiếp cận, tìm cho được hồ sơ liên quan đến nhận định của chúng. Chỉ ít ngày sau, cơ quan tình báo cố vấn Hải quân Mỹ họp bàn về kế hoạch tiến công của lực lượng Việt cộng.

Biết được thông tin, sau giờ làm việc buổi sáng tôi ở lại muộn hơn mọi ngày. Đợi cho cả cơ quan về hết, tôi nhanh chóng tiếp cận tủ tài liệu, tìm văn bản mới nhất bỏ vào túi rồi ung dung ra về. Đến nhà, tôi đưa cho anh Tư Cang sao chụp lại trong vòng 15 phút thì xong tập tài liệu hơn 20 trang, rồi lập tức mang trả lại chỗ cũ. Do tôi đến sớm hơn mọi ngày nên vừa tới cơ quan thì gặp một tên sĩ quan đang trong phòng tắm. Sợ hắn nghi ngờ, tôi quyết định đi ngang qua. Hắn ngượng ngừng kêu lên “Ối, ối”. Tôi phản ứng bằng cách cười to và nói: Tôi chưa nhìn thấy gì hết đâu nhé! Có lẽ biết tôi đùa giỡn một cách tự nhiên nên hắn cũng cười rồi đóng nhanh cửa lại. Tắm xong, hắn bảo: Lần sau cô đến sớm thì phải đánh động từ xa nhé!

Tập tài liệu lần đó bà mang về có nội dung vô cùng quan trọng, ghi rõ nhận định của địch về ta sau Mậu Thân 1968. Chúng khẳng định, trước những tổn thất về cơ sở cách mạng và chưa đủ lực nên nhất định Việt cộng sẽ không dám tiếp tục tiến công. Nguồn tin này là cơ sở để ta tổ chức tiến công đợt 2 năm 1968. Với thành tích này, nữ tình báo Tám Thảo đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Trong những trường hợp không thể mang tài liệu về nhà, bà phải nghĩ cách “sao chép” nội dung vào bộ nhớ. Đối với tài liệu Tiếng Việt thì bà dịch sang tiếng Anh và tài liệu tiếng Anh thì bà dịch sang tiếng Việt. Cách làm này rất hiệu quả, nhớ lâu, nhớ chính xác nhưng cũng có lần khiến bà suýt gặp rắc rối. Bà Tám kể:

Có những bản tài liệu tối mật, dịch xong phải nộp ngay trong khi mình nhớ chưa kỹ. Cho nên, dù đã nộp rồi tôi vẫn tư duy dịch lại. Bởi thế, cô nhân viên cùng phòng tên là Mỹ Hồng, con của một đại tá cảnh sát ngụy, cùng làm phiên dịch như tôi, thắc mắc: “Sao đã dịch rồi còn dịch lại làm gì? Đây có phải nhiệm vụ của bồ đâu”. Tình huống bất ngờ, tôi trả lời: “Mình thấy có mấy chỗ dịch chưa sáng ý lắm nên dịch lại để nâng cao tay nghề”. Nói rồi tôi lấy ví dụ cụ thể cho Mỹ Hồng và khẳng định: “Chắc chắn chỗ này “sếp” sẽ có ý kiến cho mà xem”. Đúng như dự đoán, văn bản được chuyển lại, trong đó có vài chỗ gạch chân, hỏi chấm. Tôi được thể “lên nước” với Mỹ Hồng. Từ đó, cô ta rất ngưỡng mộ tôi.

Cũng nhờ chiếm được niềm tin của hầu hết sĩ quan, nhân viên cùng làm nên bà đã truyền tin, cứu được một đồng chí của mình thoát nạn. Số là, trước giờ tan sở, bà tình cờ nghe được mấy sĩ quan tác chiến chuyện gẫu với nhau về một chiến sĩ Việt cộng cài cắm vào Bộ Tư lệnh Hải quân, bị tình báo địch phát hiện. Do anh này nghỉ phép nên chúng lập kế hoạch sẽ bắt vào sáng thứ Hai khi anh trở lại làm việc. Lập tức, bà thông báo ngay cho chỉ huy Cụm để xử trí.

Chiều thứ Hai, đi ngang qua phòng tác chiến, bà được biết người chiến sĩ đó đã trốn thoát ra vùng căn cứ. Hay trong dịp Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà đã chuyển tài liệu bố phòng quân sự tại Bộ Tư lệnh Hải quân ra ngoài căn cứ để làm sơ đồ cho biệt động Sài Gòn tấn công. Ngày mùng hai Tết, bà cùng Cụm trưởng Tư Cang đã chia lửa cứu nguy cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập bị bao vây, truy bắt…

Còn hàng trăm những việc làm thầm lặng của nữ tình báo Mỹ Nhung. Chính những chiến công của bà đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung của Cụm tình báo H63 anh hùng. Đúng như lời nhận xét của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu, người chỉ huy trực tiếp của nữ tình báo Tám Thảo: “Những tin tức mà Tám Thảo gửi ra căn cứ đều rất nhanh nhạy, chính xác, có giá trị rất lớn cho cách mạng”.

Kết thúc chiến tranh trở về với đời thường, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung công tác ở Hội Dịch thuật TP Hồ Chí Minh và đảm nhiệm nhiều cương vị  khác. Dù bận rộn, bà vẫn luôn dành thời gian cho công việc từ thiện xã hội. Nay tuổi cao, sức yếu bà vẫn tâm niệm: Gian nan đã trải, hiểm nguy đã từng, tôi thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do, của cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Bởi vậy, đi gần trọn cuộc đời tôi vẫn muốn góp sức mình nhân lên những niềm vui cho cuộc sống.

Theo Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG