Nữ đạo diễn 8X làm phim chiến tranh

“Người trở về” sẽ thu hút khán giả trẻ nếu ra rạp.
“Người trở về” sẽ thu hút khán giả trẻ nếu ra rạp.
TP - Tự lượng sức mình không làm phim chiến tranh hoành tráng, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền chọn mảng tâm lý hậu chiến giản dị hơn trong Người trở về. Công chiếu báo giới sáng 27/8, bộ phim gây ngạc nhiên bằng cách kể chuyện, cảm xúc của dàn diễn viên trẻ mang lại.

Chân thực

Phim mở đầu bằng cảnh đám cưới rước dâu qua sông. Đám cưới của San, người yêu Mây-cô nữ y tá chiến trường đã được báo tử, nay trở về quê sau hơn một năm hòa bình. Hoàn cảnh trớ trêu này tạo ra những xung đột, mâu thuẫn và bước ngoặt đáng kể cho các nhân vật cả về tâm lý, hành động.

Đạo diễn từng chia sẻ chiến tranh chỉ là cái cớ, những thước phim của chị là câu chuyện về thân phận con người, cụ thể hơn là thân phận người phụ nữ đi qua chiến tranh phải đối mặt với nỗi đau khi trở về cuộc đời thực. “Nhiều người nghĩ nữ đạo diễn phải cố gồng lên như nam đạo diễn trên phim trường. Tôi lại nghĩ mình phải phát huy yếu tố nữ của mình trong phim một cách thông minh. Tôi có cảm giác mình cảm được về nhân vật sâu sắc hơn các nam đồng nghiệp”, Đặng Thái Huyền nói.

Có lẽ chất nữ của đạo diễn đã dồn cho nhân vật Mây nhiều đất diễn, nhất là về nội tâm. Một cô gái đau khổ khi chứng kiến người yêu lấy vợ ngay trong ngày về, cô kiên quyết từ chối lời đề nghị hủy đám cưới để hai người quay lại. Khi Quang, một trinh sát chiến trường tìm về bến sông Châu gặp Mây, với ẩn ức riêng cô thẳng thừng từ chối tình cảm tha thiết này. Đạo diễn lí giải, đề tài phụ nữ hậu chiến luôn khiến chị trăn trở, bởi mọi nỗi đau và mất mát thì nạn nhân chịu nhiều đau đớn nhất vẫn là phụ nữ. Chị làm được điều ước ao trong phim, đó là xây dựng được một người phụ nữ có những quyết định làm chủ cuộc đời mình, ngay cả lúc đau đớn nhất.

Chiến tranh trong Người trở về dừng lại ở các trung, tiểu cảnh. Những quả nổ, đạn và pháo nã liên hoàn xuống những khu lán quân y, hầm sập, người chết la liệt… lặp lại nhiều lần trong những hồi tưởng của Mây. Phim nhựa 35mm không cho phép can thiệp kỹ xảo nhiều, nhưng với lựa chọn khôn khéo này, đạo diễn và quay phim lấy được những góc máy thể hiện được phần nào không khí chiến tranh ác liệt. Đạo diễn cũng mạnh dạn cận cảnh những vết thương khủng khiếp, máu chảy đầm đìa hay chân tay đứt lìa, tạo cảm giác chân thực.

Làn gió mới

Đạo diễn Đặng Thái Huyền tự nhận rằng đây có thể là lựa chọn mạo hiểm của hãng phim Điện ảnh quân đội, vì chị là thế hệ 8X, không trải qua chiến tranh. Tuy nhiên chị nói, mình có và truyền được khao khát làm phim chiến tranh của thế hệ 8X, 9X để mang lại làn gió mới. Lựa chọn Lã Thanh Huyền cho vai Mây kể cũng là sự mạo hiểm rồi, nhưng chị bảo nhìn thấy Mây ở Lã Thanh Huyền: Một cô gái có ánh mắt sắc sảo, quyết liệt ở thời điểm cần quyết đoán, dám quyết định cuộc sống của mình.

Không riêng Lã Thanh Huyền, hai nam diễn viên Tiến Lộc (San) và Trương Minh Quốc Thái (Quang) cũng không để khán giả thất vọng. Dù chưa khai thác hết được sức mạnh, diễn xuất của đôi mắt nhưng nữ diễn viên chính cho thấy sự thay đổi đáng ngạc nhiên so với các phim trước. Cô cũng thuyết phục được khán giả tin vào tình cảm, nỗi đau của Mây. Tiến Lộc trong vai người đàn ông có phần nhu nhược, không vượt qua được sức ép gia đình, lúc nào cũng mang nỗi dằn vặt lớn.  Đạo diễn nói hài lòng với diễn xuất của các diễn viên chính, nhưng Tiến Lộc tỏ ra tiếc nuối, vì vai diễn có sức nặng tâm lý rất lớn này đáng ra có thể làm tốt hơn. “Xem phim xong tôi thấy có nhiều cảnh không ưng chút nào, có cảm giác chưa chuyển tải hết những gì mình suy nghĩ về nhân vật”, Lộc nói.

Làn gió mới mẻ này cũng đến từ tâm huyết xây dựng nhân vật Quang, mà đạo diễn nói nhỏ là hình mẫu đàn ông lí tưởng của mình. Trương Minh Quốc Thái khá ấn tượng với vai Nghĩa trong Những người viết huyền thoại, ở Người trở về có cơ hội nhập vai một anh lính trinh sát ở thời bình, dám đi tìm và quyết liệt bảo vệ tình yêu. Trong một vài cảnh ở chiến trường, Quang xuất hiện như một anh hùng bảo vệ Mây, khi trở về bên Mây để thuyết phục cô tin vào tình yêu, Quang cho thấy một mẫu người đàn ông quyết liệt trong tình yêu, yêu và bảo vệ tình yêu rất chân thành.

Các diễn viên phụ do NSND Như Quỳnh, NSƯT Lê Dũng Nhi tròn vai. Diễn viên Thiện Tùng trong vai Phán lại là nhân vật kéo giãn không khí căng thẳng, u ám của phim. Anh cảm ơn đạo diễn đã tạo ra những khoảnh khắc để nhân vật dù phụ, nhưng không bị mờ nhạt. Khán giả sẽ nhớ Phán, một kẻ cơ hội muốn làm người hùng nhưng không muốn ra trận, vừa phút trước còn hát “nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”, phút sau đã tự chặt đứt tay mình để trốn nghĩa vụ.

Phim không tránh được một số sạn nhỏ, nhưng điều phim làm được là mang đến cho khán giả cảm xúc chân thực bằng câu chuyện dung dị, nhân vật mang màu sắc hiện đại.

Người trở về dù được làm hậu kỳ trong nước hoàn toàn, nhưng chất lượng hình ảnh không có gì đáng phàn nàn lắm. Đúng như lời nhà quay phim Trịnh Quang Tùng, đoàn làm phim chọn được khúc sông như ý, với cây đa đầu làng và khung cảnh xung quanh rất hợp câu chuyện phim những năm sau hòa bình.

Chưa có kế hoạch phát hành rộng rãi, trước mắt Người trở về tiếp tục phục vụ khán giả vào 8h30 sáng thứ bảy, chủ nhật tuần này, tại rạp Kim Đồng.

MỚI - NÓNG