Nhiều đại gia quốc tế, dù có thật nhiều tiền cũng khó có thể mua được nó. Chỉ có người tài danh, giàu có mới được Hãng PP duyệt bán.
Chỉ dành cho giới quý tộc
Chỉ riêng khoảng thời gian 35 năm, từ 1951 đến 1986, có những dòng sản phẩm chỉ có 349 chiếc được hãng sản xuất tung ra thị trường. Điều đó có nghĩa là, trung bình mỗi năm, hãng chỉ tung ra thị trường khoảng 10 chiếc đồng hồ loại này. Cho đến tận thời điểm này, Thierry Stern - chủ sở hữu hiện tại của Hãng Patek Philippe vẫn giữ nguyên tắc: Muốn mua đồng hồ, khách hàng phải gửi hồ sơ đăng ký trực tiếp với hãng. Hãng sẽ xét bán theo thứ tự ưu tiên: Danh nhân thế giới; Chính khách quyền lực; Nghệ sĩ nổi tiếng và cuối cùng là giàu có. Mỗi chiếc đồng hồ được xuất xưởng, chắc chắn sẽ mang sứ mệnh phục vụ cho một bậc danh tài của thế giới.
Vì thế, PP không xây dựng bất cứ một đại lý nào trên toàn thế giới mà chỉ bán trực tiếp cho khách hàng.
Mỗi khi hoàn tất một chiếc đồng hồ, hãng thực hiện một buổi lễ khai sinh và đặt tên. Vì vậy, mỗi chiếc đồng hồ đều có "nhân thân" riêng biệt. Bộ giấy "khai sinh" của mỗi chiếc được lưu trữ nghiêm cẩn trong tàng thư của hãng.
Trung bình giá xuất xưởng mỗi chiếc đồng hồ PP đều không dưới 15.000USD. Cứ mỗi năm tuổi, chiếc đồng hồ loại này càng tăng thêm giá, càng cũ giá càng cao.
Những khách hàng VIP của Patek Phiplippe có thể kể gồm: Vua Christian IX và Công chúa Louise của Đan Mạch, Vua Victor Emmanuel III của Italia, Hussein Kamel - lãnh đạo Hồi giáo Ai Cập (1914-1918), gia đình Saddam Hussein…
Một số quan chức Chính phủ Nga được biết cũng đam mê Patek Philippe, chẳng hạn như Tổng thống V. Putin. Ông đeo luân phiên 2 chiếc, trong đó có 1 chiếc Calatrava trị giá 120.000USD và 1 chiếc có lịch trị giá 60.000USD.
Chủ tịch Ngân hàng Alpha, Peter Aven, đeo một chiếc đồng hồ lịch năm bằng kim loại trắng trị giá hơn 19.000USD.
Thị trưởng Moscow, Yuri Luzkhkov, sở hữu một chiếc Patek Philippe Calatrava 18.000USD. Ngoài ra, ông còn có một chiếc khác chạm chân dung nhà thơ Alexander Puskin trên mặt sau. Chiếc này do Công ty Breguet tặng nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nga. Nicolas Sarkozy - cựu Tổng thống Cộng hòa Pháp cũng sở hữu một chiếc đồng hồ Patek Philippe.
Ở Việt Nam, có lẽ dòng đồng hồ vương giả này chỉ xuất hiện vào khoảng năm 1955. Người đầu tiên sở hữu là Ngô Đình Thục. Không ai biết làm cách nào ông Thục có được chiếc đồng hồ này. Ông Thục đã tặng chiếc PP này cho ông Diệm khi ông này cướp được chiếc ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) từ ông Bảo Đại.
Ông Diệm đã đeo chiếc Patek Philippe trên tay cho đến ngày bị nhóm quân nhân đảo chính giết chết. Không ai biết chiếc đồng hồ của ông Diệm bị ai tháo mất khỏi tay. Khi xe thiết giáp chở thi thể ông Diệm và ông Nhu về trụ sở Bộ Tổng Tham mưu thì người ta không còn trông thấy chiếc đồng hồ PP nữa. Có lẽ, kẻ giết ông Diệm đã lấy?
Giới săn đồng hồ Sài thành sau đó đã treo giá mua chiếc đồng hồ đó 200.000USD. Dù vậy, nó vẫn bặt vô âm tín.
Bà K.H. (năm 1978), người sở hữu 11 chiếc đồng hồ PP chính hãng. Trong đó có 3 chiếc đã từng là của gia đình Saddam Hussein.
Người sở hữu đồng hồ PP nhiều nhất Việt Nam
Có người đặt dấu hỏi: Làm cách nào để nhận biết chiếc đồng hồ PP đã từng thuộc quyền sở hữu của ai?
Như một cơ duyên, tình cờ chúng tôi được gặp bà K.H. - á khôi áo dài năm 1972 tại Sài Gòn. Tuy sắc nước hương trời đã tàn phai ít nhiều do tuổi tác nhưng nét sang trọng của một mệnh phụ vẫn còn phảng phất trong dáng điệu lẫn cách trò chuyện của bà.
Có lẽ bà K.H. là người duy nhất ở Việt Nam sở hữu đến 11 chiếc Patek Philippe. Trong đó có 3 chiếc đã từng thuộc về gia đình Saddam Hussein và 1 chiếc từng thuộc quyền sở hữu của tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (phu quân của Nghệ sĩ Ưu tú Thẩm Thúy Hằng). Không chỉ là người sở hữu đồng hồ PP nhiều nhất Việt Nam, bà K.H. còn được biết đến là người sưu tầm số lượng túi xách da, giày da có tiếng ở khu vực châu Á.
Bà K.H. cho hay chiếc đồng hồ mang nhãn PP đầu tiên bà có được là do một tướng chế độ cũ tặng. Kể từ đó bà mới tìm hiểu loại đồng hồ quý tộc này và trở nên mê mẩn nó.
Sau năm 1975, nghe tin bà Cecile Trần Thị Tạo - vợ ông Cao Văn Viên, nguyên là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng VNCH giai đoạn 1967-1975 muốn bán một chiếc đồng hồ PP loại bỏ túi. Vốn là bạn cũ, bà K.H. đến tận nơi mua với giá 7.000USD. Sau khi mua xong bà K.H. gửi hồ sơ sang hãng PP để xin xác lập giấy khai sinh. Hãng PP đã từ chối cung cấp khai sinh vì chiếc đồng hồ đó sản xuất ở... Trung Quốc.
Chiếc PP theo lời bà K.H. nguyên là của gia đình Saddam Hussein được chế tác bằng bạch kim.
Năm 2003, chính quyền của Saddam Hussein - Tổng thống Iraq (giai đoạn 1979 - 2003) bị lật đổ. Thông qua vài người bạn tham tán Đại sứ quán Mỹ tại Trung Đông, bà K.H. được biết gia đình của Saddam Hussein có ý định bán bớt một số tài sản, trong đó có 4 chiếc đồng hồ PP. Không chần chừ, bà K.H. đặt vé máy bay đến Trung Đông. Sau một tuần dò tìm người môi giới, cuối cùng bà K.H. cũng mua được 3 chiếc với giá 70.000USD/1 chiếc. Chiếc còn lại, một người khác ở TP HCM đã nhanh tay mua trước. Sau này, nhiều lần bà liên lạc với người này để mua lại với giá 40.000USD nhưng bị từ chối.
Giấy "khai sinh" chiếc đồng hồ nguyên của gia đình Saddam Hussein.
Được biết cả 3 chiếc đồng hồ PP của gia đình Saddam Hussein mà bà K.H. đang sở hữu đều sản xuất vào năm 1969.
Còn chiếc đồng hồ PP của ông Nguyễn Xuân Oánh được bà K.H. mua lại với giá 30.000USD.
Bà K.H. cho biết: "Mỗi chiếc đồng hồ bán ra, Hãng Patek Philippe đều lưu trữ hồ sơ, trong đó có rất nhiều thông tin gồm: ngày xuất xưởng, tên riêng của đồng hồ, số sêri, tên khách hàng... Sau khi mua được 1 chiếc PP, tôi đều gửi thư yêu cầu đến hãng đề nghị xác minh. Tôi phải nộp phí cho hãng với giá 2.200USD bao gồm tiền vệ sinh bảo quản, tiền trích lục in sao giấy khai sinh và một số chi phí khác. Sau khi hoàn tất thủ tục xác minh, hãng giao đồng hồ lại cho tôi trong 1 chiếc hộp bảo quản. Hộp bảo quản nằm trong một chiếc hộp lớn hơn. Điều quan trọng là hãng cung cấp cho tôi một giấy khai sinh. Cũng nhờ thủ tục xác minh này, tôi phát hiện chiếc PP của bà Cecile không có hồ sơ".
Với cách bảo quản hồ sơ như thế, khi bị mất trộm, khách hàng chỉ cần thông báo cho Hãng PP. Dù đi loanh quanh thế giới đến hàng trăm năm sau, nó cũng sẽ phải lộ diện.
Bà K.H. rút ra kinh nghiệm xương máu rằng chỉ riêng giá xác minh nhân thân đồng hồ PP đã là 2.200USD thì chỉ có đồng hồ PP dỏm mới bán dưới giá 10.000USD/1 chiếc.
Mang chiếc PP trên tay không chỉ mang cả một gia tài đồ sộ mà còn mang cả giá trị danh gia vọng tộc. Bởi thế, rất nhiều người khao khát sở hữu chiếc đồng hồ huyền thoại Patek Philippe. Không mua được hàng xuất xưởng, nhiều đại gia đã săn ngầm những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng. Với dân sưu tầm, những vật dụng bình thường, nếu có "tiểu sử thuộc sở hữu" của một nhân vật nổi tiếng đã là hàng hiếm. Đằng này, mỗi chiếc đồng hồ hiếm PP đã được chính hãng sản xuất trao cho nó một số mệnh của người nổi tiếng.
Vẫn chưa hài lòng với vị trí "đỉnh của đỉnh", được biết năm 2014, Hãng PP chỉ xuất xưởng có 7 chiếc đeo tay có tên khai sinh là "Grandmaster Chime 5175". Đây là loạt sản phẩm kỷ niệm 175 năm ngày thành lập, và PP đã mất đến 8 năm để chế tác các "tác phẩm điêu khắc có chức năng xem thời gian" này. Hãng chỉ giao 6 chiếc "Grandmaster Chime 5175" cho khách hàng. Chiếc còn lại sẽ được lưu giữ trong bảo tàng của hãng. Giá mỗi chiếc "Grandmaster Chime 5175" tương đương 60 tỉ đồng tiền Việt!
Tên tuổi 6 vị khách hàng được Hãng PP giấu kín tuyệt đối. Chỉ cần hãng nêu tên, chắc rằng, kẻ sở hữu sẽ điêu đứng sự nghiệp. Thử ví dụ, trong số khách hàng đó có tên Tổng thống Obama, một ủy ban điều tra liên bang sẽ được thiết lập ngay để tìm hiểu ông này dùng nguồn tiền nào để mua PP.
Mặc dù từ xưa đến nay, 90% những chiếc PP được đặt mua đều có liên quan đến những phi vụ tặng quà.