Ngày 15/11, tại TPHCM, triển lãm quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017 - Vietnam Foodexpo khai mạc với sự tham gia của 600 gian hàng đến từ 450 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài tham dự sự kiện này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tìm đối tác ngoại.
Theo các chuyên gia, với vùng nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao, sản lượng dồi dào, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nông thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không cao.
Vì vậy, nhiều địa phương đang áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu như phát triển thương hiệu, nâng cao kỹ năng quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tiếp thu công nghệ tiên tiến là mấu chốt căn bản để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm PAN cho biết, công ty thực hiện việc phát triển và nâng cao vị thế nền nông nghiệp Việt Nam bằng cách cung cấp các sản phẩm chất lượng cao trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ Việt Nam, cho Việt Nam và cả thế giới. Tập đoàn PAN tiếp tục khẳng định giấc mơ gìn giữ thương hiệu Việt với hàng chục sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cao cấp đã vượt đại dương vươn xa khắp thế giới.
Tại buổi kết nối giao thương, doanh nghiệp Việt còn tiếp cận nhiều loại máy móc, thiết bị tiên tiến của thế giới, thay vì việc phải đi ra nước ngoài để tìm hiểu. Đồng thời, tăng những hiểu biết về các xu hướng sản xuất nông sản của Việt Nam và thế giới. Điều này giúp cho doanh nghiệp trong nước có định hướng rõ nét trong việc phát triển năng lực nội tại để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Alexandre Bouchot - Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, Pháp sẽ giới thiệu toàn cảnh ngành công nghiệp thực phẩm, từ các lĩnh vực thịt chế biến, các sản phẩm từ sữa, nông sản... tới máy móc công nghệ chế biến thực phẩm với cam kết “chất lượng là tiêu chuẩn”.
Bộ Công Thương khẳng định trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
Lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, mức tăng của sản lượng sản xuất ngành chế biến thực phẩm mới chỉ 9%, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp tham gia sẽ tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm chế biến thực phẩm trong nền sản xuất cạnh tranh và thị trường thực phẩm có yêu cầu khắt khe của thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.