Chính sách nhiều, hiệu quả nhỏ giọt
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa các doanh nghiệp và nông dân với Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam ngày 7/7, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP giống cây trồng Thái Bình cho rằng, để phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, doanh nghiệp và nông dân phải tạo được mối liên kết “cùng thắng”. Tuy nhiên, mối liên kết này lâu nay chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Báo, doanh nghiệp không thể đi làm ăn, ký kết với từng hộ nông dân nhỏ lẻ, cá thể. Mối liên kết này thời gian qua lỏng lẻo, nông dân bỏ hợp đồng với doanh nghiệp xoành xoạch. Để tạo mối liên kết chặt chẽ, doanh nghiệp phải liên kết thông qua đại diện nông dân là hợp tác xã, tổ hợp tác.
“Thế nhưng, dù có sự chuyển đổi Hợp tác xã theo luật mới năm 2012, nhưng xin thưa, hầu hết vẫn là “bình mới rượu cũ”. Các Hợp tác xã vẫn hoạt động èo uột, thiếu vốn, trình độ quản lý thấp”- ông Báo nói.
Ông Báo cho biết, Công ty của ông đầu tư cho một hợp tác xã ở Hà Nam 500 triệu đồng để làm khu tập kết, bảo quản nông sản. Tuy nhiên, sau mấy năm, việc đó cũng chưa làm được, nông sản vẫn phải để vạ vật trên nền nhà.
Do vậy, để nông dân khấm khá được từ làm nông nghiệp, bám trụ nông thôn, chúng ta phải có hệ thống Hợp tác xã, Tổ hợp tác mạnh...Và Hội Nông dân cần có vai trò mạnh hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ hình thành những loại hình kinh tế tập thể tiên tiến như vậy.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Cũng theo ông Báo, đã hơn chục năm qua, ông đã đề xuất sản xuất theo vùng, chứ không phải theo phong trào thành tích, nhà nào cũng nuôi gà 'tam hoàng', ngan 'pháp'… do vậy, phải “biến nông thôn thành doanh nghiệp, nông dân thành doanh nhân”, chúng ta mới tiến lên nền nông nghiệp hiện đại được.
Trong khi đó ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, lâu nay, việc gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã nói nhiều, được đẩy lên thành phong trào “nóng” ở nhiều địa phương, nhưng thực sự chưa có nhiều mối liên kết hiệu quả.
“Tôi đang làm chuỗi sản xuất tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng. Tại đây có vài doanh nghiệp còn yếu rất hào hứng tham gia xu hướng này, nhưng những doanh nghiệp có vốn, chủ động được thức ăn thì gần như không muốn tham gia”-ông Huy nói.
Theo ông Huy, thời gian qua, nhiều chính nhà nước đưa ra cho nông nghiệp, nhưng nhằm mục đích quản lý nhiều hơn là mang lại lợi ích trực tiếp cho các đối tượng trong chính sách…
“Người làm chính sách chưa sâu, sát thực tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc mặc dù nhà nước ban hành nhiều chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nhưng hầu hết đã bị lỗi thời”-ông Huy nói.
Đừng đổ lỗi cho nông dân
Bà Trần Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Giống cây trồng Trung ương (VINASEED) chia sẻ, doanh nghiệp của bà đang liên kết với hơn một vạn nông dân từ sản xuất giống, rau quả, lương thực. Bà cho rằng, không nên đổ tội cho nông dân, vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp có đầu ra, có chia sẻ với nông dân không?
Chủ tịch VVINASEED lấy ví dụ: Khi công ty của tôi làm lúa ở ĐBSCL, nông dân ban đầu họ không tin vì doanh nghiệp ở ngoài Bắc vào, nhưng tôi vẫn kí giá sàn. Khi giá xuống tôi không hạ giá, giá lên, tôi cùng nông dân chia đôi. Vì tôi có đầu ra ổn định, gạo bán 1.000USD/kg. Nông dân hoàn toàn họ nghiêm túc, chúng tôi nghiêm túc.
“Để nông dân tham gia vào chuỗi, doanh nghiệp có đầu ra ổn định, có chia sẻ lợi ích một cách thoả đáng, giữ chữ tín với người nông dân. Tất cả nông dân rất cần doanh nghiệp, vấn đề chỉ là cách ứng xử của doanh nghiệp như thế nào”- bà Liên chia sẻ.
Cũng tại diễn đàn, ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Ba Huân miền Bắc, cho rằng, yếu tố quan trọng để gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản là phải tạo ra lợi nhuận kép.
Khi giá lên thì nông dân chia sẻ với doanh nghiệp, khi giá xuống doanh nghiệp chia sẻ với nông dân. Khi xảy ra rủi ro, doanh nghiệp đứng ra đền bù và hỗ trợ cho nông dân.
Công ty Ba Huân hiện nay là 1 trong số ít những doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào xây dựng chuỗi chăn nuôi gia cầm, trứng gia cầm sạch để tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, nông dân và doanh nhân nông nghiệp chính là “2 chân” của nền kinh tế nông nghiệp nước ta. Muốn cho nền kinh tế nông nghiệp nước ta phát triển, tiến lên phía trước bền vững thì “2 chân” phải vững, phải chắc, phải đi đều và phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau.
Ông Môn cho rằng, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thơi, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà trước hết bảo đảm cho người nông dân có thể đổi đời trên mảnh đất của mình.