Nơi hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp

Lan hồ điệp trồng trong nhà kính ở Đà Lạt.
Lan hồ điệp trồng trong nhà kính ở Đà Lạt.
TP - Theo ông Abe Masayuki, cố vấn các vấn đề chung Việt Nam- Nhật Bản, hoạt động nông nghiệp thời đại ngày nay đã khác trước rất nhiều, không còn đơn thuần là gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và đem bán nữa mà đã chuyển thành thu hoạch, gia công thành các sản phẩm khác để gia tăng giá trị sản phẩm. Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang đi theo hướng này.

Hút vốn FDI

Lâm Đồng là một trong những địa phương có số lượng dự án thu hút đầu tư FDI, ODA trong nông nghiệp nhiều nhất nước; đa phần rót vốn vào các dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao (CNC). Chỉ trong 3 năm gần đây, tỉnh này đã thu hút được 67 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng. Tập đoàn Bejo (Hà Lan) mạnh tay rót 9,5 triệu euro cho dự án sản xuất giống rau xuất khẩu tại huyện Lâm Hà, đạt quy mô đầu tư lớn nhất Đông Nam Á. Công ty TNHH AgriVINA triển khai dự án nghiên cứu và nhân giống hoa cao cấp lớn nhất Việt Nam với số vốn 1,5 triệu USD...

Vùng đất này không chỉ có tiềm năng, lợi thế so sánh về đất đai, khí hậu mà còn có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Xác định đây là điều quan trọng trong chiến lược kinh doanh nên ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản để mắt tới Lâm Đồng. Ngoài 11 dự án với tổng vốn đăng ký là 32,48 triệu USD, nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội làm ăn tại đây.

Theo ông Abe Masayuki, cố vấn các vấn đề chung Việt Nam- Nhật Bản, hoạt động nông nghiệp thời đại ngày nay đã khác trước rất nhiều, không còn đơn thuần là gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và đem bán nữa mà đã chuyển thành thu hoạch, gia công thành các sản phẩm khác để gia tăng giá trị sản phẩm. Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đưa kiến thức phát triển nông nghiệp tiên tiến vào Việt Nam, xây dựng các quy trình về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt để đưa về Nhật Bản và xuất đi các nước khác.  

Đón đầu làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, mới đây, Lâm Đồng quy hoạch một khu nông nghiệp CNC khoảng 328ha cho các doanh nghiệp đến từ quốc gia này, hướng tới sản xuất những sản phẩm chất lượng để thâm nhập thị trường Nhật Bản. “Chúng tôi xác định đây sẽ là bước đột phá của tỉnh trong tương lai”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, nói.

Cú hích từ công nghệ cao

Chính các nhà đầu tư đến từ những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Bỉ, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan… đã đưa các công nghệ tiên tiến (nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ kiểm soát dinh dưỡng đất, công nghệ kiểm soát dịch hại sinh học, công nghệ thủy canh, công nghệ sau thu hoạch, kể cả công nghệ robot và nano) vào sản xuất ở Lâm Đồng. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để hạn chế tối đa hóa chất nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. “Đó là giải pháp hợp lý nhất trong giai đoạn chuyển đổi như hiện nay, khi chưa thể áp dụng rộng rãi hình thức nông nghiệp hữu cơ. Đóng góp của KH&CN với sự phát triển nông nghiệp tại Lâm Đồng là rất lớn, làm gia tăng 55% năng suất, trong khi tỉ lệ này trong cả nước là 34%”, chuyên gia của Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho hay.

Nhờ vậy, nhiều loại cây trồng của Lâm Đồng có năng suất ở top đầu của thế giới như chè, đặc biệt là chè ô long. Trên thế giới, ô long chỉ có năng suất cao nhất là 12 tấn/ha thì tại Lâm Đồng đạt 18 tấn/ha. Chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn ngang với một số nước tiên tiến. Nhiều nông sản của Lâm Đồng đã xây dựng được thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đã có 18 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu, trong đó có 7 nhãn hiệu được cấp chứng nhận và 9 nhãn hiệu tập thể với nhiều thương hiệu mạnh như rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, cá nước lạnh Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang,... 

Theo ông Phạm S, chương trình nông nghiệp CNC ở Lâm Ðồng đã đạt được kết quả quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế cao và chủ động hội nhập quốc tế. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 346,4 nghìn ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp CNC là 49.089 ha. Tuy mới chiếm 13,9% diện tích nhưng giá trị nông sản ứng dụng CNC đã chiếm trên 30% giá trị ngành nông nghiệp, góp phần đưa giá trị xuất khẩu nông sản lên trên 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Doanh thu bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích cây trồng đạt 500 triệu - 2 tỷ đồng/ha/năm, riêng diện tích rau thủy canh đạt tới 8- 9 tỷ đồng/ha/năm.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng còn cho biết năm 2017 này, nhiều chương trình, dự án mới sẽ được triển khai, đặc biệt với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Đà Lạt và TPHCM liên kết mở trung tâm giao dịch hoa để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; đồng thời minh bạch giá hoa nhằm tránh tình trạng thương lái thao túng, ép giá. Hàng chục năm qua, xứ hoa Đà Lạt nhiều lần dự định hình thành trung tâm này nhưng chưa thực hiện được. Hiện Lâm Đồng đã là vùng cà phê Arabica có chất lượng cao trên thế giới và đang đầu tư cải tạo để trở thành vùng cà phê Robusta đạt năng suất cao nhất thế giới. Không chỉ là vùng bò sữa organic đầu tiên của Việt Nam, Lâm Đồng có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm bò sữa của Đông Nam Á. Bò thịt cao sản, cá nước lạnh, đông trùng hạ thảo (nấm Ophiocordyceps sinensis) cũng có cơ hội vươn lên top đầu khu vực.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.