Nông nghiệp Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất

Việt Nam vươn lên là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Việt Nam vươn lên là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
TP - Từ một nước thiếu lương thực, nhưng bằng những chính sách sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, ngành Nông nghiệp đã có bước đột phá và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Hiện nay ngành Nông nghiệp và PTNT cũng đi đầu trong tái cơ cấu, mà minh chứng là hàng loạt “đại gia” vừa quyết định đầu tư lớn vào nông nghiệp.

Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, trong quá trình phát triển, Nông nghiệp là lực lượng tiên phong trong đổi mới, là nền tảng của quá trình phát triển kinh tế, là trụ đỡ của đất nước trong các giai đoạn khó khăn. Theo ông Phát, hoàn thiện thể chế tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn là giải pháp đột phá để đổi mới.

Nhìn lại quá trình gần 30 năm đổi mới, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, Nông nghiệp Việt Nam duy trì ở mức tăng trưởng trung bình 3,5%/năm là mức thuộc loại rất cao ở toàn vùng châu Á nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng, chỉ sau Trung Quốc. Mức tăng trưởng cao đã tạo nên một động lực hết sức mạnh mẽ để làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Việt Nam không những đủ cung cấp lương thực, thực phẩm cho 80-90 triệu dân với mức tăng thu nhập rất cao mà còn trở thành nước xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới với 10 loại nông sản có mức xuất khẩu trung bình hơn 1 tỷ USD/năm. Ngoài ra, nông nghiệp phát triển đã tạo ra một nông thôn mới với bộ mặt hoàn toàn thay đổi về điện, đường, trường, trạm, giao thông...

Điều đặc biệt là, tăng trưởng nông nghiệp còn đảm bảo ổn định cho đất nước vào những lúc mà kinh tế gay go, giúp cân bằng lại cán cân xuất nhập khẩu mà thường xuyên thâm hụt của Việt Nam, bù đắp cho cán cân thanh toán của Chính phủ, góp phần giảm lạm phát và ổn định thu nhập cũng như việc làm cho toàn xã hội.

Làn sóng đầu tư vào nông nghiệp

Tuy nhiên, có một thực tế là tăng trưởng GDP nông nghiệp có xu hướng giảm dần. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nền nông nghiệp cần có động lực mới.

Theo TS Đặng Kim Sơn, động lực cho tăng trưởng này thời gian qua chủ yếu đến từ việc khai thác mạnh mẽ tài nguyên tự nhiên. Toàn bộ tài nguyên được khai thác, cộng với lực lượng lao động dồi dào, trẻ, khỏe của Việt Nam góp phần tạo ra tăng trưởng. Nhưng các nguồn động lực đó đến nay đã đến mức giới hạn. 

Trong nông nghiệp, trước tình hình tăng trưởng giảm sút, nông dân thu nhập thấp từ sản xuất nông nghiệp, thậm chí có nơi nông dân trả lại đất, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và được Chính phủ thông qua tháng 6/2013.  

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trước triển vọng lạc quan của thị trường nông sản thế giới, nhiều công ty xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế cam kết hợp tác đầu tư vào Việt Nam. Với các chính sách thu hút đầu tư đúng đắn và chiến lược phát huy lợi thế cạnh tranh khôn khéo, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp giống như đã từng là điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư vào công nghiệp 15 năm vừa qua.

Thêm vào đó, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, các nhà đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, bất động sản không hiệu quả trong nước sẽ hướng vào nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nguồn đầu tư tiềm năng của khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế là một cơ hội ít quốc gia có được trong giai đoạn phát triển tới của ngành Nông nghiệp Việt Nam. 

Từ trước Đổi mới với Chỉ thị 100 của Bộ Chính trị, sau Đổi mới là Chính sách “Khoán 10”, và giờ đây là Đề án tái cơ cấu, Nông nghiệp và PTNT xứng đáng là lực lượng tiên phong trong đổi mới, tạo động lực to lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm tới đây.

MỚI - NÓNG