Năm 2014:

Nông nghiệp “được mùa, được giá”

Xuất khẩu tôm đạt mức kỷ lục 4 tỷ USD. Ảnh: D.Khang
Xuất khẩu tôm đạt mức kỷ lục 4 tỷ USD. Ảnh: D.Khang
TP - Với kim ngạch xuất khẩu trên 30 tỷ USD, năm 2014 được xem là năm “được mùa, được giá” của ngành nông nghiệp, trong đó lĩnh vực thủy sản có mức tăng vượt bậc, nhất là xuất khẩu tôm.

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp hôm 25/12, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2014 tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, xuất khẩu tăng kỷ lục. GDP toàn ngành đạt 3,3%, giá trị sản xuất tăng 3,6%. Tổng sản lượng lúa cả nước đạt 45 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 31 tỷ USD (tăng 11,2%), một con số kỷ lục trước tới nay. Tính ra, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu 9,5 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, trong số gần 31 tỷ USD từ xuất khẩu nông lâm thủy sản, có tới 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản). Xuất khẩu tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi duy trì giá trong nước có lợi cho nông dân. Thị trường trong nước đối với nhiều loại sản phẩm ít hoặc không xuất khẩu cũng được cải thiện, nhất là với các sản phẩm chăn nuôi.

Năm 2014 cũng ghi nhận 2 mặt hàng quan trọng, làm “đầu kéo” toàn ngành là thủy sản và gỗ. Ngành thủy sản lần đầu tiên đạt mốc kỷ lục 7,92 tỷ USD, tăng 18%; đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ xuất trên 6,5 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, với ngành tôm, năm nay xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, tăng gần 30% so cùng kỳ, trong khi cá tra chỉ cầm chừng như năm ngoái, với kim ngạch đạt 1,8 tỷ USD.

Ông Phát cho biết, giá tôm năm qua bình quân 150-160 nghìn đồng/kg. “Nếu so sánh với giá lúa, khoảng 6 nghìn đồng/kg, thì một cân tôm gấp mấy chục lần lúa gạo. Với mức tăng trên 110 nghìn tấn tôm so với năm ngoái, ngành tôm có thêm 16.000 tỷ đồng”- ông Phát nói.

Tập trung cải thiện chất lượng

Theo Bộ trưởng Phát, năm 2015, mục tiêu số một “phải tạo chuyển biến mạnh mẽ” là chất lượng nông sản và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm tới, với nhiều hiệp định tự do hóa thương mại được ký kết, có hiệu lực vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức của nhiều mặt hàng nông sản.

Đầu năm 2015, nước ta gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Tới 90% mặt hàng từ các nước ASEAN có thể luân chuyển trong ASEAN với thuế bằng 0%, trừ một số trong danh mục nông sản nhạy cảm như đường mía, thịt và trứng gia cầm thương phẩm, bưởi, chanh, thịt chế biến là 5%.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, năm qua, ngành nông nghiệp đã liên tục phá những kỷ lục. “Giai đoạn mà cả nước, nông dân gồng mình vượt những cơn bão về suy thoái kinh tế, ngành nông nghiệp đã chặn được đà suy giảm trong mấy năm qua”- Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tăng trưởng như vậy, nhưng thu nhập của khu vực nông nghiệp còn rất thấp. Chúng ta có khoảng 10,2 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng thu nhập bình quân chỉ khoảng 3.100 USD/ha, khoảng hơn 60 triệu đồng. Nếu chia ra, khu vực trồng trọt được khoảng 82 triệu đồng/ha, thủy sản được 168 triệu đồng/ha, đều tăng cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, so với nước khác, mình còn thấp. Như Hà Lan khoảng 40 nghìn USD/ha, thậm chí có mô hình cho doanh thu tới 2 triệu Euro/ha. Còn tính thu nhập của người nông dân Việt Nam (khoảng 47 triệu người), bình quân chỉ 25 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, việc liên kết giữa nông dân, viện nghiên cứu, doanh nghiệp “chưa ổn lắm”. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, ngành nông nghiệp tiếp tục phải cải thiện chất lượng, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm. “Bất cứ sản phẩm nào cũng cạnh tranh trên sân nhà, ngay cả cái tăm cũng đã cạnh tranh rồi. Nếu không quan tâm đến an toàn thực phẩm thì thất bại trên sân nhà” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong quá trình hội nhập, có cái thu được, có cái phải trả giá, nếu không nỗ lực, sáng tạo thì trả giá sẽ đắt, khó thành công. Năm 2015, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức tháo gỡ cho doanh nghiệp (DN). Phó Thủ tướng nói: “Khối DN không phát triển thì rất gay go. Chỉ ba năm qua, khoảng 150 nghìn DN dừng hoạt động và giải thể”.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tăng trưởng như vậy, nhưng thu nhập của khu vực nông nghiệp còn rất thấp. Chúng ta có khoảng 10,2 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng thu nhập bình quân chỉ khoảng 3.100 USD/ha, khoảng hơn 60 triệu đồng. Nếu chia ra, khu vực trồng trọt được khoảng 82 triệu đồng/ha, thủy sản được 168 triệu đồng/ha, đều tăng cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, so với nước khác, mình còn thấp. Như Hà Lan khoảng 40 nghìn USD/ha, thậm chí có mô hình cho doanh thu tới 2 triệu Euro/ha. Còn tính thu nhập của người nông dân Việt Nam (khoảng 47 triệu người), bình quân chỉ 25 triệu đồng/ha.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.