Nóng lòng chờ thực hiện cơ chế học phí mới

Nóng lòng chờ thực hiện cơ chế học phí mới
TP- Mười trong số 11 ý kiến tại hội nghị trực tuyến thông báo về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 23/5, bày tỏ sự nóng lòng được thực hiện cơ chế học phí mới.

>> Học phí đại học lên 255.000 đồng/tháng trong năm nay?
>> Năm 2014 mới thực hiện mức trần học phí cao nhất

Nóng lòng chờ thực hiện cơ chế học phí mới ảnh 1
Sinh viên Đại học Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Chỉ bằng 15 kg gạo

Sau phần giới thiệu về đề án của đại diện Bộ GD&ĐT, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương là người đầu tiên có ý kiến.

Theo ông Châu, cơ chế thu học phí hiện hành nhiều bất cập, lẽ ra phải được thay đổi từ lâu. Mức học phí quá thấp, nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học ít.

Ông Châu nói: “Mức học phí mà đề án đề xuất thực hiện theo lộ trình từ nay đến 2014 tăng so với hiện nay nhưng mức tăng chưa nhiều. Từ năm 2008, trường Đại học Ngoại thương không được cấp chi thường xuyên mà phải tự chủ tài chính. Riêng khoản lương, trường phải chi 20 tỷ đồng".

"Nếu đề án được Quốc hội thông qua, học phí (mức 255.000 đồng/ tháng/sinh viên) thực thu của trường sẽ chỉ 18 tỷ đồng. Để học phí đủ chi cho tiền lương, chúng tôi phải được thu 290.000 đồng/tháng/sinh viên. Nên chăng, Chính phủ có cơ chế để các trường đại học tự chủ tài chính, như Đại học Ngoại thương được tự quyết định về  học phí” - ông Châu nêu ý kiến.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng đồng quan điểm này. Ông Hùng so sánh mức học phí hiện nay (180.000 đồng/tháng/sinh viên) chỉ bằng giá 15 kg gạo loại thường.

“Giáo dục cần sự tham gia của nhân dân và họ tham gia vào việc này cũng chính vì tương lai của thế hệ trẻ. Mức học phí tăng cũng đồng nghĩa với việc người học phải có sự lựa chọn kỹ càng hơn, trách nhiệm và nghĩa vụ học tập cũng lớn hơn” - ông Hùng chia sẻ.

Từ đầu cầu TPHCM, Giáo sư Phạm Phụ nhắc đi nhắc lại cụm từ “học phí cao, hỗ trợ nhiều” như một giải pháp tất yếu cho vấn đề tăng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo công bằng xã hội.

Hà Nội xin thí điểm

Về phía địa phương, phát biểu ý kiến tại hội nghị có đại diện các sở GD&ĐT Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Hậu Giang. Tất cả những sở này đều cho biết, dư luận cán bộ quản lý, giáo viên ở địa phương mình đều nhiệt liệt ủng hộ đề án.

Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, đổi mới như nội dung đề án đề xuất là yêu cầu bức thiết, nếu những người có trách nhiệm không quan tâm, không phê duyệt đề án thì chất lượng hệ thống giáo dục khó phát triển như mong muốn.

Còn theo ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, lãnh đạo Sở đã chia sẻ với trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang về nội dung đề án với mong muốn các đại biểu quốc hội địa phương mình có tiếng nói đồng thuận, giúp ngành GD&ĐT sớm được thực hiện cơ chế tài chính mới.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở, kiêm đại biểu quốc hội khóa XII, bày tỏ sự ủng hộ với đề án bằng cách đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép Hà Nội được triển khai thí điểm đề án đổi mới cơ chế tài chính.

“Không thể nào duy trì học phí như hiện nay, bởi nó quá thấp. Đã vậy, từ năm 2004, các trường phổ thông phải chi 40 phần trăm học phí cho quỹ lương. Phần còn lại rất ít ỏi, gây nhiều khó khăn cho các hoạt động hỗ trợ việc dạy học trong nhà trường. Từ đó, phát sinh ra nhiều khoản thu không có trong quy định, gây thắc mắc cho phụ huynh học sinh. Nhưng nếu không thu thì trường không đủ để chi phí tối thiểu. Đề án này bây giờ mới có cũng là quá muộn” - bà Nga phát biểu.

Bà Nga cho biết, nếu được cho phép thí điểm thực hiện cơ chế tài chính mới, Hà Nội dự kiến trình HĐND Thành phố chia học phí thành năm mức.

Học sinh các hộ nghèo, gia đình chính sách sẽ được miễn học phí, thậm chí được thành phố hỗ trợ thêm tiền để mua sách, vở, dụng cụ học tập;

Học sinh các xã miền núi của Hà Nội mở rộng đóng học phí ở mức không khác hiện nay (từ 20.000 - 30.000 đồng/tháng/học sinh);

Học sinh có cha mẹ làm nông nghiệp cũng sẽ đóng học phí thấp.

Bà Nga nói: “Học phí chỉ thay đổi ở những người có khả năng đóng góp cho xã hội nhiều hơn nhưng hiện nay, chúng ta không thể thu bởi quy định cũ.

Ví dụ, khu vực nội thành, chúng tôi tính chỉ thu khoảng 100 đến 120.000 đồng/tháng/học sinh; ngoại thành, với những vùng thu nhập tương đối, sẽ thu mức 70.000 - 90.000 đồng/tháng/học sinh”.

Ý kiến trái chiều duy nhất tại hội nghị

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT: “Theo lý giải của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, sở dĩ chúng ta không miễn hết học phí cho giáo dục THCS, bởi phần học phí thu được ở cấp học này của cả nước (2.046 tỷ đồng) sẽ đảm bảo cho 852.000 học sinh được đi học trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng tương ứng (cả nước có 6,27 triệu học sinh THCS).

Như vậy, học phí thu được ở cấp THCS chỉ giải quyết được việc đi học cho tương đương 13,6 phần trăm số học sinh THCS.

Theo tôi, có thể đưa ra những giải pháp khác, chẳng hạn tăng cường xã hội hóa giáo dục như khuyến khích mở các cơ sở đào tạo ngoài công lập, hoặc triển khai mô hình trường công lập tự chủ tài chính...

Con số 13,6 phần trăm không phải là con số lớn, mà đề án này thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2014, nghĩa là ta có đủ thời gian để giải quyết.

Đề án sẽ mang tính nhân văn hơn nếu chúng ta đưa vào đó mục tiêu từng bước giảm dần học phí để tới năm 2014 có thể miễn hết học phí đối với học sinh THCS”.  

MỚI - NÓNG