Nông dân làm phim về chính mình

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (trái) đang hướng dẫn cho bác Mười Thành quay phim.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (trái) đang hướng dẫn cho bác Mười Thành quay phim.
TP - Khởi đầu từ ý tưởng Việt Nam có tới 70% dân số làm nông nghiệp nhưng những bộ phim về người nông dân thường ít và thiếu tính thực tế, hai nhà báo Thủy Phạm và Vân Anh đã xây dựng dự án “Youfarm- Cánh đồng quê tôi”. Không có kịch bản chi tiết, những người thực hiện đã xuống với nông dân, “cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc” để xây dựng bộ phim.

Tự quay phim, diễn xuất

Ba đạo diễn trẻ được mời tham gia dự án là Tạ Nguyên Hiệp, Trịnh Đình Lê Minh và Nguyễn Hữu Tuấn. Dù không chuyên nghiệp, Tạ Nguyên Hiệp từng đạt giải Trống đồng cho phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Los Angeles 2011; Trịnh Đình Lê Minh tốt nghiệp thạc sỹ sản xuất phim tại Austin- Texas, trong khi  Nguyễn Hữu Tuấn, người từng là hiện tượng điện ảnh Việt với việc tự sản xuất bộ phim độc lập mang tên “Dành cho tháng 6”.

Tạ Nguyên Hiệp cho biết, sở dĩ cả nhóm nhận làm dự án này vì muốn làm một cái gì mới mẻ cho điện ảnh. “Tôi không thể ngờ khi tiếp xúc với người nông dân, cuộc sống của họ đầy ắp ngôn ngữ điện ảnh”- Hiệp nói. Nơi lựa chọn của cả nhóm là các hộ nông dân thuộc xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, một vùng đất rất thuần nông. Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, chính từ sự thuần nông này mà chúng tôi khám phá ra sự phong phú, đa dạng của cuộc sống nơi đây. “Một buổi ra đồng cũng có thể để lại những thước phim rất đẹp và sinh động, một câu chuyện của người nông dân cũng dư thừa chất liệu cho nội dung vài tập phim”- Tuấn nói. 

Các đạo diễn trẻ không trực tiếp làm mà họ hướng dẫn người dân tự làm phim về mình. Chính những người nông dân sẽ học cách quay phim, lựa chọn đề tài. Nguyễn Hữu Tuấn cho hay: “Chúng tôi muốn giúp người nông dân kể câu chuyện của chính họ với khán giả một cách sinh động và chân thực nhất. Đó là sự thú vị nhất mà không nhà làm phim nào có thể dàn dựng được”.

“Làm phim cực hơn làm ruộng”

Trong những người nông dân mà cả nhóm lựa chọn, mỗi người có một tính cách, suy nghĩ riêng. Nông dân Mười Thành là một người quảng giao, vui vẻ. Ông ham hội họp, giao tiếp và ưa chỉ dẫn cho mọi người về khoa học kỹ thuật. Ông là hiện thân của một nông dân miền Nam có tính cách xởi lởi, nhân hậu. Trong khi đó, vợ chồng cô Năm Sữa lại tính tình khác nhau như nước với lửa. “Chồng thì bảo thủ, quyết giữ cách làm ăn cũ, còn vợ lại hăng hái đi tìm những kỹ thuật nuôi trồng, canh tác mới. Chính vì thế nên hay xảy ra mâu thuẫn”- các đạo diễn nhận xét. Tiếp xúc với nông dân Bảy Ước mới thấy ông am tường về vùng đất này như thế nào. Ông có nhiều câu chuyện kể về những sự thay đổi của vùng đất từ những ngày còn kháng chiến tới bây giờ…

“Thông qua dự án, cả nhóm hy vọng sẽ có nhiều bộ phim chân thực hơn nữa về nông dân trong cả nước bởi họ chính là những người trực tiếp tạo ra thức ăn, của cải và gìn giữ tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia: Đó là đất”.

Đạo diễn trẻ Tạ Nguyên Hiệp

“Thú thiệt là từ ngày cha sinh mẹ đẻ tới giờ tui mới hay làm phim là như thế. Cực hơn làm ruộng nhưng rất vui. Mấy chú đạo diễn trẻ nhưng hay thiệt, chuyện của mình tưởng chẳng ra  gì nhưng có mấy chú góp ý thêm chút hương vị là hay liền. Vậy mà từ bữa tụi nó xuống tới giờ chỉ lo làm thôi chưa ngồi với nhau được trận nào. Chắc phải chờ tới bữa cuối thôi”- ông Mười Thành cười nói.

Thời gian làm phim chỉ hơn 1 tuần nhưng những ngày này, cả xã Mỹ An vui như trẩy hội. Đi đâu cũng nghe mọi người kể chuyện làm phim như thế nào, ai cũng muốn góp thêm câu chuyện của mình vào phim.

Theo kế hoạch, dự án làm phim sẽ kéo dài trong 1 tuần. Sẽ có 4 bộ phim ngắn với thời lượng khoảng 3 phút/phim, về những nông dân do chính họ dàn dựng. Ngoài ra, nhóm 3 đạo diễn sẽ thực hiện một bộ phim ngắn của chính họ về toàn bộ dự án này. Theo Tạ Nguyên Hiệp, qua cuộc sống người nông dân, chúng tôi mới thấy được những khó khăn, thách thức mà họ đang gặp phải như bị lừa mua giống, mua phân rởm; bị thương lái ép giá mua nông sản...

MỚI - NÓNG