Nông dân huề vốn

Nông dân huề vốn
TP - “Cho đến giờ này chưa có tỉnh nào chính thức đưa ra một giá lúa chuẩn để làm cơ sở thu mua cho nông dân”- ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) khẳng  định như vậy với PV Tiền Phong chiều 9-4.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 12-3, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn phương pháp xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa để UBND các tỉnh làm căn cứ xác định giá thành sản xuất lúa và công bố giá lúa trên địa bàn.

Theo đó, giá lúa do các địa phương công bố phải đảm cho người sản xuất lúa lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, đến nay các Bộ chưa có hướng dẫn và vì vậy các địa phương cũng chưa có cơ sở để tính và công bố giá chính thức.

Dù vậy, theo ông Bảy, tuy chưa chính thức nhưng một số địa phương cũng đã “nhẩm tính” giá thành sản xuất lúa trên địa bàn. Chẳng hạn, tỉnh An Giang tạm tính giá thành là 2.740 đồng/kg, các tỉnh khác ở khu vực ĐBSCL tạm tính trên 3.000 đồng/kg.

Điều vướng mắc ở đây là Bộ Tài chính không cho phép tính giá thuê đất vào chi phí sản xuất và giá thành. Lý do, đất đai là sở hữu toàn dân.

Một nguyên nhân khác, theo ông Bảy, việc thuê đất để sản xuất là có thật, nhưng không có số liệu thống kê cụ thể là bao nhiêu người thuê, diện tích đất thuê chiếm bao nhiêu phần trăm tổng diện tích giao trồng lúa... nên không thể đưa vào giá thành.  

Cũng vì chưa có giá chính thức nên hiện VFA cũng đang tạm tính và lấy mức giá thu mua lúa là 4.000 đồng/kg. “Với giá này, nếu căn cứ ở giá thành từ 2.740 đồng đến trên 3.000 đồng như các địa phương tính thì nông dân vẫn có lãi ít nhất 30% như chỉ đạo của Thủ tướng”- Ông Bảy nói.

Trắng tay

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm nay các DN tham gia thu mua dự trữ lúa gạo sẽ phối hợp với thương lái để thu mua theo giá đã công bố. VFA đã triển khai cho các DN thành viên phối hợp theo hình thức: thương lái mua trực tiếp của dân và bán lại cho DN tại kho của DN.

Theo ông Bảy, giá lúa DN của ông làm giám đốc-Công ty XNK nông sản thực phẩm An Giang- đang mua (tại kho) với giá 4.050-5.200 đồng/kg, tùy từng loại (trừ loại lúa thơm Jasmine có giá 5.000-5.300 đồng/kg). Để bán được với giá ấy, thương lái phải mua của nông dân với giá thấp hơn nhiều mới bù được các chi phí thu mua, vận chuyển, quản lý, nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Như vậy, khó có thể đảm bảo rằng người nông dân thu được mức 4.000 đồng/kg cũng như đảm bảo lãi 30% như Thủ tướng chỉ đạo. Chưa kể, việc xác định giá thu mua 4.000 đồng/kg lúa là chưa có cơ sở đáng tin cậy.          

Theo tính toán của ông Tư Bốn, một nông dân ở xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, tổng chi phí sản xuất một hécta lúa vụ đông-xuân, gồm từ khi làm đất, xuống giống đến thu hoạch (cả chở đến bán cho thương lái) là 17 triệu đồng/ha. Nếu làm giỏi, đạt năng suất 7 tấn/ha và bán với giá 4.000đồng/kg, nông dân thu về được 28 triệu đồng/ha, lãi 11 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, cách tính này vẫn chưa đúng và đủ bởi chưa tính tiền thuê đất và phí quản lý của chủ đất vào giá thành.

Theo tính toán sơ bộ, giá thuê đất hiện nay từ 800.000 đồng đến trên 2 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, còn chưa tính cả chi phí bảo hiểm, lãi ngân hàng, giao dịch... Nếu tính đúng và tính đủ, giá thành sẽ lên đến 3.930 đồng/kg, và nếu vậy người nông dân không được lãi đồng nào.

Trong một diễn đàn về lúa gạo gần đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cũng tỏ rõ băn khăn về việc chưa có sự công bằng phân chia lợi nhuận giữa người làm ra lúa gạo với DN kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.  

MỚI - NÓNG