'Nóng' chuyện tiêu tiền cho khoa học, môi trường

'Nóng' chuyện tiêu tiền cho khoa học, môi trường
TP - Vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực KHCN, môi trường trở nên “nóng” tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH tổ chức ngày 25/4 tại Đà Nẵng.

> Sẽ có cơ chế tài chính đặc thù cho khoa học công nghệ
> Phát triển thị trường khoa học công nghệ

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2012, ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động KHCN là 16.568 tỷ đồng, chiếm 2% tổng chi NSNN. Trong đó, kinh phí đầu tư phát triển 6.008 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp khoa học 7.160 tỷ đồng…

Năm 2013, tổng chi NSNN cho KHCN là 14.144 tỷ đồng. Nhiều đại biểu thắc mắc về mục đích và hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách.

Ông Phùng Đức Tiến, Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN&MT, cho rằng, vấn đề cần quan tâm là việc chi khoản ngân sách 2% cho KHCN đã đúng mục đích, quản lý nhà nước và đầu tư đến đâu?

Vấn đề cơ chế sử dụng vốn ngoài ngân sách và việc phân bổ, phê duyệt chậm, trách nhiệm thuộc về ai? ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) băn khoăn về cơ chế quản lý và hoàn thiện các thể chế liên quan. Đầu tư nguồn ngân sách rất lớn, nhưng lĩnh vực nào được đánh giá là hiệu quả nhất, tới đây nên tập trung đầu tư cho cái gì?

“Chúng ta đầu tư ra bao nhiêu tỷ cho phát triển KHCN liệu đã thu được kết quả tương xứng chưa? Vì sao đất nước mình lại cần đến lắm viện nghiên cứu thế, có nên lãng phí như vậy không?”, bà An chất vấn.

Nhiều ĐBQH quan tâm vấn đề nguồn nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực trong lĩnh vực KHCN tăng 4,6 % (so với năm 1996), nhưng thực chất tăng như thế nào về sản phẩm, chất lượng?

Năm 2013, dự kiến ngân sách sự nghiệp cho lĩnh vực môi trường là 1.172 tỷ đồng. Đặc biệt, tập trung xử lý những điểm nóng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước khu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai, nơi phát sinh dịch bệnh; xử lý chất thải rắn ở các đô thị, khu công nghiệp, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu dân cư tập trung...

Trả lời chất vấn của các ĐBQH, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, song luật quy định các vấn đề này liên quan 8 bộ, nhưng các bộ phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến sự chậm trễ.

Về vấn đề kêu gọi đầu tư của các đơn vị trong xử lý rác thải, ông Tuyến nói rằng, rác thải ở Hà Nội và TPHCM chưa đủ lớn để các nhà đầu tư ký kết xây dựng.

Hơn nữa, khi xây dựng vướng khung của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính. Vấn đề Bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) gây ô nhiễm 14 năm nay, Bộ TN-MT đã làm những việc có thể làm, đó là phối hợp với một đơn vị của Nhật Bản xây dựng nhà máy đốt rác sinh điện.

Ông Tuyến nói thêm: “Vấn đề chỉ đạo điểm, Bộ đã hợp tác với các địa phương thực hiện một số mô hình. Bộ chỉ làm được đến như vậy thôi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.