Hoàng Sa, Trường Sa - lịch sử ghi những ngày này

Nơi lưu giữ tư liệu đồ sộ về chủ quyền

TS Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, giới thiệu về các tư liệu quý
TS Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, giới thiệu về các tư liệu quý
TP - Giữa những ngày cả thế giới lâm vào đại nạn dịch COVID - 19 với hàng triệu người mắc bệnh, hàng trăm nghìn người chết, gây ra khủng hoảng chưa từng có suốt nhiều thế kỷ qua, thì Trung Quốc lại tiếp tục khiêu khích, gây hấn ở biển Đông. Ăm ắp tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, song người Việt vẫn cần phải ghi nhớ những ngày này.

Nhà trưng bày Hoàng Sa mỗi năm đón hơn 32.000 lượt khách, nhưng những ngày này ngừng phục vụ để phòng chống dịch COVID-19. Bên trong, TS Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa và cộng sự vẫn đang miệt mài hoàn thiện bộ sưu tầm tư liệu mới về Hoàng Sa - Trường Sa.

Nơi lưu giữ tư liệu đồ sộ về chủ quyền ảnh 1 Một bài báo trên báo Nhân Dân số ra ngày 25/3/1988 trong bộ sưu tập
Bộ sưu tập đặc biệt

Không gian Nhà trưng bày vắng lặng khiến câu chuyện về Hoàng Sa - Trường Sa vang vọng cả dãy nhà. Giữa hàng chục ngàn tư liệu, hình ảnh, hiện vật… khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, TS Công dẫn chúng tôi lên tầng 4 giới thiệu về bộ sưu tập đặc biệt đang được trưng bày ở đây. Đó là bộ sưu tập hàng chục ngàn bài báo từ những năm 1978-1979 đến năm 2012 nói về Hoàng Sa - Trường Sa, được nhà sưu tập Trần Thị Thanh Phương và vợ là bà Phan Thu Hương dày công cắt dán từ các trang báo. Bộ sưu tập báo được đóng thành tập sách dày hơn 1.000 trang.

“Đây là một tư liệu quý về cuộc đấu tranh trên mặt trận thông tin, báo chí của chúng ta để đưa ra trước công luận thế giới, tố cáo những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam”, ông Công nói.

“Nhiều phóng viên, nhà báo quốc tế đã ghi hình những trang báo để phản ánh những hành động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Đồng thời, cũng nói lên tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ của Việt Nam - phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam”, ông cho biết. 

Tái hiện hải chiến Hoàng Sa

Không gian sự kiện Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được trưng bày với chủ đề “Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - 1945-1974”. Đây là một trong những chủ đề nói về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, tái hiện sự kiện Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thông qua tư liệu lịch sử, ghi nhận sự hy sinh, mất mát của các binh sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa trong trận chiến không cân sức.

Những tư liệu được trưng bày bao gồm sơ đồ trận hải chiến; một số hình ảnh chiến hạm của quân lực Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc; tư liệu báo chí ghi lại nội dung Trung Quốc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam...

Nơi lưu giữ tư liệu đồ sộ về chủ quyền ảnh 2

Biếm họa “Hòa bình, hợp pháp kiểu Trung Quốc”

Dẫn chúng tôi đến không gian trưng bày này, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa cho biết, việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa đã cướp đi sinh mạng của 75 binh sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa; đa số còn rất trẻ, có người mới lập gia đình. Ông Nguyễn Thành Trọng lúc hy sinh mới 22 tuổi, vợ ở nhà đang mang thai con đầu lòng.

“Sự góp mặt của các thư tịch, bản đồ cổ của Trung Quốc và phương Tây tại một số không gian trưng bày khách quan bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc khi cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ từ lâu đời. Thực tế đảo Hải Nam mới là cương giới cực nam của Trung Quốc”, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa - TS Lê Tiến Công

Sau khi ông mất được hơn hai tháng, vợ ông sinh con trai và đặt tên là Nguyễn Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ghi nhận công lao của ông, Nha Hưu bổng và Cấp dưỡng thuộc Bộ Cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa quyết định trợ cấp tiền cho con trai ông đến năm 18 tuổi. Bà Nguyễn Thị Lựa và con trai Nguyễn Hoàng Sa đã trao tặng cho UBND huyện Hoàng Sa bản trích lục bộ khai sinh lập ngày 30/3/1974 của ông Nguyễn Hoàng Sa; tấm thiệp in hình chiến hạm Nhật Tảo HQ10 cùng dòng chữ “Kỷ niệm Nguyễn Thành Trọng đã tử trận ngày 19/1/1974 tại đảo Hoàng Sa trên chuyến tàu Nhật Tảo HQ10, Trung sĩ Nhứt trọng pháo hải quân” cùng quyết định trợ cấp cho ông Nguyễn Hoàng Sa. Tất cả đều được trưng bày trong không gian sự kiện đặc biệt này. Nổi bật trong không gian trưng bày là nhật trình của chiến hạm Nhật Tảo.

“Đây là những ghi chép khá chi tiết và đầy đủ về hành trình di chuyển và tham chiến bảo vệ chủ quyền của hộ tống hạm Nhật Tảo. Những ghi chép mặc dù rất ngắn gọn, nhưng thể hiện rõ diễn biến cuộc chiến, và cả cung bậc cảm xúc của những con người đang nằm giữa ranh giới sống-chết. Có sự nuối tiếc, có sự sợ hãi, những điều rất đời thường của mỗi con người, nhất là những con người đang độ thanh xuân. Nhưng cũng có những tấm lòng gan dạ, quả cảm, bình tĩnh trước cái chết khi đã làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa”, TS Công cho biết.

Theo cán bộ, nhân viên Nhà trưng bày, dù nhiều khách Trung Quốc đến Đà Nẵng nhưng ít người vào thăm Nhà trưng bày. “Có lẽ chính du khách, người dân Trung Quốc cũng cảm thấy hổ thẹn bởi những chứng cứ, hình ảnh tư liệu tố cáo tội ác cũng như những hành động ngang ngược của Trung Quốc khi chiếm biển đảo, chủ quyền Việt Nam”, một hướng dẫn viên tại Nhà trưng bày nhận định.

Tư liệu quý từ phương Tây

Những ngày này, cán bộ, nhân viên Nhà trưng bày Hoàng Sa đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đưa thêm vào kho tư liệu trưng bày các tài liệu liên quan Hoàng Sa và Trường Sa được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp.

Hàng trăm tệp lưu ảnh chụp nhiều tài liệu, như các công văn của Bộ Ngoại giao Pháp gửi cho Tổng thư ký Ủy ban Đông Dương ngày 16/9/1946 (về hoạt động của hải quân Pháp ở Paracels - Hoàng Sa và ý định thiết lập một cứ điểm vĩnh viễn ở đây), 2/1/1947 (về hoạt động của tàu chiến Tonkinois liên quan Paracels), 25/1/1947 (tương tự); công văn của Bộ Nước Pháp hải ngoại về chủ đề quần đảo Paracels (24/1/1947); điện tín từ Sài Gòn (21/1/1947) của Haussairé gửi cho Bộ Ngoại giao để trình cho Bộ Quốc phòng và Bộ Nước Pháp hải ngoại, cũng như Đại sứ Pháp ở Nam Kinh, nội dung về hoạt động của tàu Tonkinois ở quần đảo Paracels; điện tín đi từ Paris, 11/1/1947, của Chavel bày tỏ lập trường của Pháp trước Trung Hoa Dân Quốc về vấn đề Paracels; công văn Bộ Ngoại giao gửi Bộ trưởng Bộ Nước Pháp hải ngoại 28/11/1946 báo về việc Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng đảo Paracels…

Bên cạnh đó, Nhà trưng bày cũng mới sưu tập và tiếp nhận thêm tư liệu báo chí và các trích đoạn văn bản của Pháp và một số nước khác liên quan Hoàng Sa - Trường Sa từ trước Chiến tranh Thế giới thứ hai cho đến thập niên 50 của thế kỷ XX. “Đây là các tài liệu cơ bản quan trọng về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời thuộc địa và thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sự có mặt của nhóm tài liệu này tạo ra một phông tư liệu bổ sung cần thiết cho danh sách các tài liệu khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam đang sở hữu, nhất là danh sách các tài liệu từ phía chính quyền Pháp.

"Các tài liệu tạo cơ sở cho việc nghiên cứu các hoạt động xác lập, củng cố chủ quyền cũng như khai thác tài nguyên tại Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cung cấp chi tiết lịch sử tranh chấp tại quần đảo này trong giai đoạn thuộc địa và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”, TS Công nói.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Bình luận