Nơi chôn rau cắt rốn vái vọng người

Nơi chôn rau cắt rốn vái vọng người
TP - Ngày thứ ba kể từ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, dòng người ngày một đông hơn tìm về làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy - nơi chôn rau, cắt rốn người con kiệt xuất của dân tộc để được dâng nén hương vái vọng linh hồn người quá cố.

> Người Quảng Bình thắp hương bái vọng Đại tướng
> Lòng dân hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dòng họ hy sinh tất cả vì dân tộc

Theo ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông, hiện đang trông coi ngôi nhà của gia đình Đại tướng ở quê nhà: Dòng họ Võ ở làng An Xá, tuy không giàu có, nhưng học rộng, tài cao nên được người đời kính trọng. Cụ cố Võ Văn Dũng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là danh tướng dưới trướng vua Quang Trung. Hiện nay tượng của ông Võ Văn Dũng, cùng với Bùi Thị Xuân được đặt trang trọng bên cạnh ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ tại bảo tàng Tây Sơn ở Bình Định.

Tính từ đời ông Võ Quang Nghiêm (cha của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), dòng họ này đã có 6 người hi sinh vì cách mạng, trong đó có cha và vợ đầu của Đại tướng.

Theo ông Võ Đại Hàm, nhà cụ Võ Quang Nghiêm ngày đó là một cơ sở cách mạng. Dưới danh nghĩa là một thầy đồ dạy học, nhà ông Nghiêm thường là nơi họp kín của những người cách mạng trong vùng.

Theo ông Võ Đại Hàm, Đại tướng sống ở nhà mình đến năm 13 tuổi thì được gia đình gửi xuống Đồng Hới học, sau đó vào Huế học ở trường Quốc học. Được vài năm thì bị Pháp bắt tù, sau đó trục xuất về quê. “Về quê, ông tập hợp bạn bè cùng trang lứa như: Đoàn Viết Doãn, Bùi Nguyên Các, Võ Hồng Thanh, Nguyễn Hữu Chuyên... lập nên “Hội đọc sách kín”. Được một thời gian thì ông Nguyễn Chí Diểu đi thuyền lên đón ông ra Hà Nội theo Bác Hồ, rồi thành Đại tướng. Còn những người tham gia Hội đọc sách kín của ông sau này đều là người cách mạng cả” - ông Hàm kể.

Trong tâm khảm ông Võ Đại Hàm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người bình dị, vui vẻ, sống thân ái và quan tâm mọi người. Mỗi lần về quê, lúc còn khỏe, Đại tướng thường ở lại nhà mình qua đêm để được trò chuyện với con cháu và người dân trong làng. Đại tướng thường nhắc mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau và tự lực vươn lên để thành người có ích cho xã hội. Riêng với con cháu, Đại tướng căn dặn, không được công thần, ỷ lại mà phải biết hy sinh, cống hiến để xứng đáng với dòng họ Võ.

Phủ phục bên ban thờ Đại tướng

Những ngày này, ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng ở quê nhà luôn chật ních người. Họ đến đây từ nhiều miền quê trong cả nước, mỗi người một cách thể hiện tình cảm, nhưng tất cả đều mang trong tim mình niềm tiếc thương vô hạn trước một nhân cách lớn không chỉ của dân tộc mà cả trên toàn thế giới. Những lời tự sự như ai điếu ngay bên ban thờ Đại tướng, đủ thấy sự kính trọng, niềm tin vào Đại tướng lớn lao biết dường nào.

Mặc dù xa quê đã lâu nhưng Đại tướng vẫn thuộc và rất thích nghe điệu hò khoan Lệ Thủy, đặc biệt là đua bơi trên dòng sông Kiến Giang.

Mỗi lần về quê, Đại tướng thường ngồi ở sân nhà để nghe đội văn nghệ làng hát hò khoan giã gạo, thi thoảng Đại tướng cất giọng hò theo, khiến ai cũng vui mừng hạnh phúc.

Năm 1999, Đại tướng về quê, huyện Lệ Thủy tổ chức đua bơi mừng Đại tướng. Đi trên chiếc thuyền ra giữa sông, Đại tướng cũng vỗ tay cổ vũ, thi thoảng Đại tướng hỏi mọi người bằng chất giọng đặc sệt Lệ Thủy: “Đò An Xá miềng mô hè”.

Ông Hà Thúc Thất đã gần 80 tuổi, một cựu binh trong Đoàn 559, dẫn theo người con trai, trong hai hàng nước mắt, ông nói: “Bác ơi, bác là người cầm quân thương lính tráng chúng con nhất. Đến đâu bác cũng cho quà, động viên, căn dặn”.

Ông Thất kể: Ngày đó, ông chiến đấu ở đường 20 - Quyết Thắng thì bất ngờ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng hỏi thăm sức khỏe từng người, căn dặn phải đoàn kết, đùm bọc nhau, yêu thương nhau.

Thấy chị em phụ nữ chấy, rận nhiều, Đại tướng hứa sau khi ra Hà Nội sẽ gửi thuốc diệt chấy rận vào, và Đại tướng đã thực hiện lời hứa. Những cử chỉ của Đại tướng ngày đó khiến ông không thể nào quên được.

Còn ông Hà Văn Sơn, 77 tuổi, cũng là một cựu chiến binh Trường Sơn, giờ ở huyện Quảng Ninh, cứ phủ phục trước ban thờ Đại tướng khóc nức nở. Ông nói như hờn dỗi, trách móc Đại tướng: “Cùng là lính của Đại tướng, rứa mà con chưa một lần được gặp Người. Giờ gặp ở đây, răng Đại tướng không nói gì với người lính già này câu nào”.

Trong dòng người đổ về ngôi nhà thời thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có những người ở tận Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Nghệ An... Có người từng mang nhiều kỷ niệm với Đại tướng, nhưng cũng có người vì ngưỡng mộ, kính trọng Đại tướng mà về.

Anh Nguyễn Trãi (49 tuổi) ở Nghệ An đã từng là lính 144, binh đoàn 32, gác nhà cho Đại tướng những năm 1982-1983.

Anh kể, ngày đó Đại tướng đã chuyển sang phụ trách Kế hoạch hóa gia đình nhưng Đại tướng vẫn giữ được phong thái thanh thản và luôn vui vẻ với mọi người. Trong ký ức của anh, Đại tướng là một con người bình dị, vui tính và luôn quan tâm đến mọi người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG