Đã xảy ra 4 vụ xả súng, 3 vụ tấn công bằng bom xăng và 9 vụ đâm xe vào các trụ sở băng đảng nằm trong tổng số 49 trường hợp được cảnh sát ghi nhận từ giữa ngày 1/9/2015 đến ngày 6/3/2016. Nỗi lo về cuộc chiến tàn khốc trong nội bộ băng nhóm Yamaguchi-gumi lan tỏa từ khi tổ chức tội phạm này tách ra thành hai nhóm chính là Yamaguchi-gumi và Kobe Yamaguchi-gumi vào cuối tháng 8/2015.
Trụ sở của băng nhóm này hiện ở đảo Awaji, tỉnh Hyogo. Theo Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA), nhóm Yamaguchi-gumi là mục tiêu của 21 vụ tấn công trong 49 trường hợp bạo lực được ghi nhận trong khi Kobe Yamaguchi-gumi bị tấn công 19 lần. 4/9 vụ còn lại là các cuộc tranh cãi giữa hai nhóm này và 5 trường hợp khác vẫn chưa có chi tiết cụ thể. Mặc dù mối liên hệ giữa các cuộc tấn công gần đây vẫn chưa được khẳng định, nhưng NPA cho rằng, hai nhóm này đang trong giai đoạn chiến tranh.
Theo NPA, các vụ tấn công ngày càng bạo lực, đặc biệt là kể từ tháng 2/2016. Mới đây, cảnh sát Nhật Bản đã thành lập đơn vị chuyên trách giám sát và ngăn chặn cuộc chiến giữa các nhóm tội phạm này. NPA cũng ra lệnh cho các sở cảnh sát trên khắp cả nước thành lập các trụ sở điều tra riêng và thúc giục họ thu thập thông tin tình báo liên quan đến hoạt động của băng nhóm nói trên.
Sự chia rẽ của tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi đã cảnh báo lực lượng cảnh sát về khả năng lặp lại “trận tắm máu” của băng nhóm xã hội đen vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Cũng như tổ chức Mafia ở Ý và hội Tam Hoàng tại Trung Quốc, yakuza của Nhật Bản thực hiện tất cả các hoạt động phi pháp từ cờ bạc, ma túy, mại dâm cho đến vay nặng lãi, tống tiền, tội phạm công nghệ cao cùng nhiều hoạt động khác núp vỏ bọc từ thiện…
Theo tờ Japan Times, trùm băng đảng Yamaguchi-gumi là Shinobu Tsukasa (74 tuổi) không hài lòng việc một số chi nhánh của tổ chức nuôi tham vọng mở rộng lãnh thổ. Cảnh sát Nhật Bản cho biết, 12/30 nhóm thuộc Yamaguchi-gumi hiện giờ muốn “ly khai” thành lập băng đảng mới.
Trong năm 2011, ông trùm Tsukasa khi được thả khỏi nhà tù đã buông một câu: “Nếu Yamaguchi-gumi tan rã, trật tự công cộng có thể trở nên tồi tệ”. Hồi những năm 1970, Tsukasa cũng bị tù 13 năm về tội dùng kiếm samurai giết chết một đối thủ. Nhóm Kobe Yamaguchi-gumi tuyên bố chia tách vì “bất phục cánh già không thức thời lại tham lam”. Sự kiện này khiến 21 tổ chức Yakuza khác rúng động. Vấn đề của các thủ lĩnh trẻ là trung thành với cánh già hay nối gót “kẻ nổi loạn” Kunio Inoue, “bố già” băng nhóm mới Kobe Yamaguchi-gumi.
Riêng Sumiyoshi-kai, tổ chức Yakuza lớn hàng thứ hai, đã có một số thủ lĩnh cấp dưới bày tỏ tình đoàn kết với băng nhóm Kobe Yamaguchi-gumi. NPA tin rằçng, sớm muộn gì băng Kohei-ikka, một nhánh của Sumiyoshi-kai, sẽ ly khai để gia nhập Kobe Yamaguchi-gumi. Theo luật gia Hideaki Kubori, người có 45 năm kinh nghiệm trong việc đấu tranh chống tội phạm, điều này cho thấy cả hệ thống Yakuza đang suy yếu theo chiều hướng “không thể đảo ngược”.
Nguyên nhân sa sút, theo Sách Trắng của NPA, là Chính phủ Nhật đã ban hành nhiều bộ luật và sắc luật hữu hiệu chống các hoạt động phi pháp của Yakuza. Năm 1992, Bộ Luật Chống tội phạm có tổ chức đầu tiên được ban hành nhưng phải đợi đến 5 năm sau mới phát huy tác dụng.
Năm 2009, chính quyền cấp tỉnh đồng loạt ban hành sắc lệnh chống tội phạm có tổ chức, bắt đầu từ tỉnh Fukuoka với việc cấm mọi giao dịch kinh tế liên quan đến Yakuza. Băng đảng hơn 100 năm tuổi này vào cuối năm 2014 có hơn 10.300 thành viên chính thức và 23.400 thành viên chưa chính thức.
Do các cuộc trấn áp thường xuyên và nỗ lực của cảnh sát Nhật Bản trong thời gian qua mà nguồn thu của Yamaguchi-gumi đã bị hạn chế đáng kể những năm gần đây. Tuy nhiên, năm 2014, doanh thu của Yamaguchi-gumi vẫn vào khoảng 80 tỉ USD và được xem là tổ chức tội phạm giàu có nhất thế giới.