Ai thao túng đất nông lâm trường? - Bài 2:

Nỗi bất lực của các nông trường

Những căn nhà tạm được dựng lên trên đất nông trường Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) để “xí phần”. Ảnh: Phạm Thanh
Những căn nhà tạm được dựng lên trên đất nông trường Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) để “xí phần”. Ảnh: Phạm Thanh
TP - Tại Thanh Hóa, mỗi nông trường được giao quản lý hàng nghìn hécta đất, nhưng hàng chục năm qua chỉ đủ trả lương cán bộ, công nhân, thậm chí lỗ nếu phải đầu tư hạ tầng, máy móc. Trong quá trình quản lý và chuyển đổi thành các công ty, hầu hết nông trường xảy ra tình trạng dân lấn chiếm đất đai, hoặc cho thuê, mượn lộn xộn.

Như đất hoang

Nông trường Bãi Trành (huyện Như Xuân, Thanh Hóa), trên giấy tờ được giao quản lý trên 4.000 ha đất sản xuất, nhưng thực tế chỉ kiểm soát được 2.517 (trong đó có 1.352 ha đang sản xuất và 1.165 ha đất rừng hoặc đồi núi đá, khe suối không khai thác). Số còn lại trên 1.500 ha bị người dân lấn chiếm trong nhiều năm qua. Trong số người lấn chiếm, có cả công nhân, con em công nhân viên nông trường, cả người dân địa phương lẫn người dân các tỉnh khác di cư sang lấn chiếm đất sản xuất. Dù năm 2006, nông trường Bãi Trành được chuyển giao cho Cty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam), nhưng tình trạng đất đai bị lấn chiếm vẫn tiếp diễn.

Đặc biệt, việc lấn chiếm đất nông trường để xây nhà diễn ra ồ ạt khoảng thời gian từ năm 2004-2013, khi tuyến đường nối Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) với xã Bãi Trành (huyện Như Xuân) chạy xuyên qua nông trường Bãi Trành hình thành. Khi đó, cả trăm hộ dân (hầu hết là cán bộ, công nhân nông trường và con em họ) liên tục ra chiếm đất mặt đường dựng nhà kiên cố trên tổng diện tích hơn 3ha.

Chạy dọc tuyến đường nối Khu kinh tế Nghi Sơn với xã Bãi Trành qua các thôn 4, 5… xã Xuân Bình (Như Xuân, Thanh Hóa), những căn nhà 2-3 tầng, nhà tạm san sát mọc lên. Thậm chí, có nhà mới dựng khung, hoặc chòi tạm được dựng lên nhưng không có người ở, chủ yếu nhằm “xí” phần đất của nông trường.

Bà Nguyễn Thị H. (thôn 4, xã Xuân Bình, Như Xuân) cho biết, khi có đường từ Nghi Sơn lên Bãi Trành, nông trường đã cắt đất 2 bên đường chia cho các hộ công nhân làm đất ở. Riêng phần đất tại thôn 5 dù đất 2 bên đường đã được đào rãnh, cắm mốc nhưng không chia cho công nhân, nông trường lại bố trí cho các hộ công nhân ở sát bờ suối. Giao thông khó khăn, mỗi khi mưa lớn là cả khu bị cô lập. Vì vậy, năm 2004 - 2005, cứ hằng đêm hàng chục hộ công nhân thôn 5 và con em họ kéo lên mặt đường dựng nhà, giành đất. Khi mặt trời lên cán bộ nông trường, chính quyền từ xã tới huyện lại xuống lập biên bản, cưỡng chế. Chính quyền cứ phá đi dân lại xây mới. Tới nay, đã có 112 hộ nằm trong danh sách lấn chiếm đất nông trường bị lập biên bản hết lần này tới lần khác. Nhưng đây chỉ là phần nhỏ trong tổng số hơn 1.500 ha đất nông trường Bãi Trành bị lấn chiếm làm đất ở, đất sản xuất tồn tại hàng chục năm qua.

Tại nông trường Yên Mỹ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), theo người dân địa phương, khoảng sau năm 1985, khi tận thu hết cây trồng, một số khu đất nông trường không tiếp tục khai thác và bỏ hoang. Thấy đất bỏ không, người dân địa phương đã vào khai phá, cải tạo lại đất để trồng cao su, mía, sắn… Đến năm 2011, Cty TNHH MTV Yên Mỹ (chuyển tên từ nông trường Yên Mỹ) tới yêu cầu người dân ký hợp đồng giao, nhận khoán đất trên diện tích họ đang khai thác. Tranh chấp lại xảy ra.

Cán bộ được chia nhiều đất?

Không chỉ việc quản lý đất đai bị buông lỏng, nhiều nông trường còn bị “tố” chia đất khoán thiếu công bằng giữa cán bộ và công nhân, người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị H. kể, 2 vợ chồng bà lên làm công nhân cho nông trường Bãi Trành từ năm 1967 (nay đã nghỉ hưu), có 5 người con. Năm 1992-1993, khi nông trường chia đất khoán cán bộ công nhân viên, nhà bà H. chỉ được chia 3 sào đất, trong khi đó cán bộ nông trường được chia vài hécta, ở những vị trí đẹp. Bà H. dẫn trường hợp ông L.V.T. nguyên bí thư, kiêm đội trưởng đội sản xuất số 4 và 5 trước đây được giao khoán đất ở cả 2 thôn 4 và 5. Thậm chí, phần đất được nông trường cấp ở thôn 4 ngay sát mặt đường được ông T., chia thành nhiều lô bán lại cho người khác dựng nhà ở. Vì chỉ được nhận khoán 3 sào, để có đất sản xuất gia đình bà H. phải bỏ tiền mua thêm 3 sào nữa của những công nhân được giao khoán nhưng không làm. Do đó, dù bà H. có 5 người con nhưng tất cả đều không thể thành công nhân nông trường vì diện tích đất nhận khoán ít; để có thu nhập họ phải đi làm thuê cho người khác.

Theo Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, thời kỳ cao điểm tỉnh này có 12 nông trường và 15 lâm trường. Giai đoạn 2003-2004, Thanh Hóa tiến hành sáp nhập, chuyển đổi một số nông lâm trường. Tính tới năm 2004, Thanh Hóa chỉ quản lý 6 nông trường với tổng diện tích đất trên 12.300ha và 13 lâm trường với tổng diện tích trên 82.100ha. “Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất tại các nông trường vẫn xảy ra. Như nông trường Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) còn hơn 87 ha đất bị tranh chấp, lấn chiếm, nông trường Hà Trung (thị xã Bỉm Sơn) cho UBND phường Bắc Sơn mượn gần 91ha đất để sử dụng”, báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa đánh giá.

Đặc biệt, tuy quản lý diện tích đất đai màu mỡ, rộng lớn như vậy, nhưng năm 2004, các nông trường tại Thanh Hóa chỉ đạt doanh thu 78,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân chỉ đạt 89,85 triệu đồng/nông trường/năm. Trong đó, nông trường Thống Nhất (Yên Định) có lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt 175 triệu đồng/năm, lợi nhuận thấp nhất là nông trường Yên Mỹ chỉ 12,46 triệu đồng/năm. Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, các nông trường đang được quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng hiệu quả không cao; đội ngũ lãnh đạo thiếu năng động, sáng tạo trong việc chủ động sản xuất, kinh doanh, chỉ trông chờ nguồn thu từ giao khoán đất cho dân để duy trì bộ máy; phối hợp giữa nông trường và chính quyền địa phương chưa tốt trong ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai…

            __________

(Còn nữa)

Từ năm 2004 tới nay, Thanh Hóa tiếp tục chuyển đổi nông trường thành các công ty TNHH, hoặc giao các nông trường cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng, như giao nông trường về Cty CP Mía đường Nông Cống; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam… Hiện, Thanh Hóa còn 3 nông trường đang làm thủ tục để chuyển giao cho các công ty quản lý, sử dụng. Nhờ chuyển đổi, tổng doanh thu các nông trường năm 2014 tăng lên trên 282,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt trên 3,2 tỷ đồng/năm, bắt đầu nộp ngân sách địa phương trên 1,4 tỷ đồng. Với các lâm trường, hầu hết đã chuyển thành các ban quản lý rừng.

MỚI - NÓNG