Nỗ lực giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

0:00 / 0:00
0:00
TP - Huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) với cách làm dân vận “Kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục” gắn với tăng cường gần dân, bám dân, phát huy dân chủ, đến nay có nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Dân vận khéo giải phóng mặt bằng

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua huyện Krông Pắc có tổng chiều dài hơn 33 km, diện tích GPMB khoảng 255 ha. Để bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện dự án, cấp ủy cùng hệ thống chính trị huyện Krông Pắc đã quyết liệt tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư vùng dự án đoạn qua huyện Krông Pắc.

Nỗ lực giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột ảnh 1

Chính quyền địa phương nhận được sự ủng hộ của người dân về phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng

Ông Hoàng Trung Thành, trú ở thôn Tân Sơn (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) cho biết, gia đình có 8 sào đất rẫy trồng cây cà phê xen sầu riêng. Sau khi chính quyền địa phương đến tận nhà giải thích cặn kẽ, vận động, gia đình đã đồng thuận hợp tác bàn giao 4.000m2 đất. “Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có ý nghĩa quan trọng, tôi cũng như nhiều gia đình khác rất vui vẻ, hợp tác triển khai đo đạc cùng chính quyền để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”, ông Thành cho biết thêm.

Tương tự, huyện Krông Pắc đã kịp thời bố trí 240 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ dân ở các thôn Thanh Bình, Thanh Xuân (xã Ea Kênh) có phần mộ trong diện tích đất thu hồi. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày trước Tết Thanh Minh, 16 phần mộ đã được người dân chủ động cất bốc, di dời về nghĩa trang tập trung. Chị Đàm Thị Đào (thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh) cho hay, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, việc cất bốc phần mộ của người thân trong gia đình diễn ra thuận lợi, giải quyết kịp thời nguyện vọng của người dân, kịp thời giao mặt bằng cho đơn vị thi công cao tốc.

Tháo gỡ vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, xác định công tác giải phóng mặt bằng là công việc khó khăn, thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, khó lường, do đó, công tác dân vận trong GPMB cần phải đi trước để tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai, huyện Krông Pắc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.

“Bên cạnh đó, chính quyền phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực bám sát, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó tuyên truyền, giải thích, đồng thời có cách làm linh hoạt, phù hợp, đúng pháp luật. Ngoài ra, với phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà”, căn cứ vào đặc điểm tình hình địa phương, hoàn cảnh từng hộ để phân loại nhằm tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả”, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết thêm.

Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, việc đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, bởi dự án đi qua nhiều đất rẫy trồng cây sầu riêng, giá trị kinh tế rất cao. Để thuyết phục người dân, Hội đồng bồi thường GPMB huyện, các tổ ở 8 xã có dự án đi qua đã phải trực tiếp đi từng nhà, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn vướng mắc của dân.

Thời gian tới, Hội đồng bồi thường huyện và các địa phương tiếp tục phối hợp tốt hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB và công khai minh bạch trong việc bồi thường. Kho bạc nhà nước huyện và hệ thống Ngân hàng huyện tạo điều kiện tốt nhất trong việc giải ngân, chi tiền cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện để thực hiện việc đền bù.

MỚI - NÓNG