Thổi hồn cho gỗ
Đi qua cổng làng, hỏi ông Trần Văn Bản, ai cũng biết. Ngôi nhà xây nằm ngay sát đường, nơi người thợ tóc hoa râm đang cặm cụi giữa ngổn ngang gỗ và hàng trăm chiếc dùi đục. Ông Bản năm nay ở tuổi 56, nhưng đã 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn bánh trung thu. Giống như mọi năm, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, gia đình ông lại tất bật làm hàng. “Hôm nay có đài truyền hình trên Hà Nội mời lên để phỏng vấn với quay sản phẩm, cũng quý hóa thật nhưng bận quá, không dám nhấc chân đi đâu được cô ạ”, người thợ già vừa cười vừa nói, đôi tay vẫn nhịp nhàng gõ đục. Ông bảo, nhiều ngày nay chỉ có vài tiếng ngủ nghỉ, thời gian còn lại ông tập trung làm khuôn để còn kịp trả hàng cho khách miền Nam. Hôm nào căng quá, vợ chồng ông phải huy động cả con cháu đến làm cùng.
Công đoạn tạo nét trong khuôn là khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người thợ |
Cả gian ngoài của ngôi nhà là nơi ông Bản chế tác hàng ngày, cũng là nơi để ông trưng bày những mẫu khuôn bánh trung thu bằng gỗ với đủ các kích thước, kiểu dáng khác nhau. Từ một khúc gỗ xù xì trở thành một khuôn bánh có hồn phải trải qua nhiều công đoạn, từ xẻ gỗ, xử lý độ ẩm để tránh hư hỏng gỗ, cắt phôi theo yêu cầu của khách hàng, bào nhẵn, kẻ mực rồi ngâm mỡ. Ông bảo, người thợ phải tuân thủ trình tự các bước như vậy thì bánh làm ra sẽ đẹp mắt và không bị dính. Công đoạn cuối cùng là đánh giấy ráp để từng họa tiết của khuôn thêm mịn màng. Công việc này thường được các cháu trong nhà hoặc bà Tâm, vợ ông đảm nhận.
Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của máy móc, công đoạn đục, phá để tạo độ nông sâu cho sản phẩm cũng đã được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng hơn. Khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất chính là đục đẽo hình thù trong khuôn. Đây là công đoạn hoàn toàn phụ thuộc vào đôi tay của người thợ mà không máy móc nào thay thế được. Phải thật tỉ mỉ, sáng tạo, cẩn thận trong từng đường nét. Bởi chỉ cần sai một nét là khuôn bánh sẽ bị bỏ đi.
“Làm lâu cũng quen tay, quen mắt. Chỉ cần nhìn ảnh thôi là tôi biết được nét nào chìm, nét nào nổi. Những nét đơn giản thì tôi đục trực tiếp lên gỗ. Nét nào cầu kỳ phức tạp thì phải phác họa trước. Mỗi loại khuôn lại có đặc trưng riêng. Khuôn bánh dẻo thì hoa văn phải sắc nét, to. Với bánh nướng thì hoa văn mềm mại đều nét, nét nhỏ hơn. Làm khuôn bánh nướng cần sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian hơn”, ông Bản cho hay.
Mỗi mùa Trung thu, ông Trần Văn Bản lại bận rộn với công việc đục khuôn bánh đã gắn bó 40 năm nay |
Trước kia, khuôn bánh trung thu thường được làm bằng gỗ thị nhưng dần dần ông Bản chuyển sang dùng gỗ xà cừ, bởi gỗ vừa có độ bền, ít cong vênh, vừa có độ dẻo giúp tạo tác họa tiết dễ hơn. Ông cũng phân tích, sở dĩ khuôn gỗ vẫn còn chỗ đứng là bởi khuôn nhựa tuy nhẹ, tuy sạch, nhưng không có lỗ thông hơi, dẫn đến bí, dễ mốc bánh và còn không tạo nét. Khuôn gỗ trái lại vừa thoáng, vừa không độc hại, chắc chắn, nét góc, lại bền.
Mỗi mùa Trung thu, gia đình ông Bản xuất xưởng hàng trăm chiếc khuôn. Hai năm Covid, sản lượng có giảm đi nhưng năm nay nhu cầu đã sôi động trở lại. Những khuôn phổ thông có giá dao động từ 350 nghìn đến 450 nghìn đồng, khuôn nhỏ thường được các trường học đặt để học sinh thực hành làm bánh có giá chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng, cũng có những khuôn cầu kỳ hơn có giá 600 nghìn đến 700 nghìn đồng hoặc hơn một triệu đồng…
Thầm lặng giữ nghề truyền thống
Vừa làm luôn tay, ông Bản vừa hồi tưởng lại thời kỳ rực rỡ của làng nghề làm khuôn bánh Thượng Cung. Ông cũng chẳng nhớ nghề này có tự bao giờ, chỉ biết từ rất xa xưa. Ngày bé, mỗi khi tan học, cậu bé Trần Văn Bản đã biết lê la theo chân các cụ trong làng để “học mót” nghề, từ cách cầm đục, chọn gỗ, tỉa tót từng hoa văn… dần rồi cũng học theo và thạo nghề lúc nào không hay. Vào những năm 1980-1990, nghề đục khuôn bánh của làng ông phát triển rực rỡ nhất. Hàng ngày, xe tải từ khắp các nơi trong cả nước nườm nượp đổ về Thượng Cung chất những bao tải to đựng khuôn bánh lên xe. Dọc con đường dẫn vào làng, gỗ xà cừ được xếp hàng dài để chờ thợ xẻ gỗ. Các nhà làm nghề phải nuôi thợ ăn, ở dài ngày tại nhà để xẻ gỗ bằng tay, sau đó gia đình mới pha khuôn được.
Khuôn gỗ hình 12 con giáp cũng được khách hàng rất ưa chuộng |
Tuy nhiên kể từ năm 2000 trở đi, những chiếc khuôn nhựa từ Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường bởi giá cả rẻ, mẫu mã đa dạng. Khuôn bánh bằng gỗ bị ghẻ lạnh, rớt giá, các hộ trong thôn Thượng Cung chuyển sang làm đồ gỗ mỹ nghệ. Lác đác còn vài nhà bám trụ rồi cũng rơi rụng dần, đến nay chỉ còn mình ông Bản vẫn thiết tha với nghề.
“May sao mấy năm gần đây, người ta có xu hướng quay về với giá trị truyền thống, nên khách tìm đến tôi cũng nhiều hơn. Các lò bánh trong Nam ngoài Bắc, các trường mầm non đặt hàng để dạy các cháu làm bánh, có cả khách nước ngoài cũng tìm đến đây mua khuôn làm đồ lưu niệm”, ông khoe.
Giữ gìn giá trị truyền thống nhưng ông Bản không bảo thủ mà chủ động thích nghi với thời cuộc. Bên cạnh những hoa văn truyền thống như mai, trúc, cúc, sen, cá chép, rồng, phượng…, người thợ mộc già còn tạo ra những khuôn bánh có họa tiết mới mẻ giúp mâm cỗ trông trăng sống động hơn với hình ảnh lợn mẹ - lợn con, 12 con giáp, Chùa Một Cột…, và cả những khuôn bánh chạm khắc tinh xảo theo đơn đặt hàng của các công ty. Ông học hỏi các mẫu con giống mới trên internet để cải tiến, tạo ra những chiếc khuôn hình hoa lá, con thú, nhân vật hoạt hình... Nhờ mạng xã hội mà các giao dịch của ông cũng trở nên thuận tiện hơn. Khách hàng chỉ việc đặt hàng gửi mẫu qua tin nhắn, ông sẽ làm theo.
Với những họa tiết mới lạ làm theo yêu cầu riêng của khách thì không những cần sự tinh tế, khéo tay của người thợ mà còn đòi hỏi tính toán, nghiên cứu kỹ. Có khuôn làm ra bánh nặng hai đến ba lạng, cũng có khuôn làm ra bánh nặng tới cả tạ. Khuôn bánh thông thường, ông Bản mất khoảng hai, ba tiếng để hoàn thành, nhưng cũng có những khuôn bánh lớn, cần sự cầu kỳ ông phải dành hơn một tháng mới làm xong.
Năm 2019, ông Bản được doanh nghiệp đặt hàng đúc khuôn gỗ khổng lồ để làm ra chiếc bánh nướng nặng 1 tạ, trưng bày trong lễ vinh danh “Cặp bánh Trung thu lớn nhất Việt Nam”. Sản phẩm khuôn bánh của ông cũng được trưng bày tại các triển lãm, hội chợ làng nghề do thành phố Hà Nội tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Hết mùa trăng, đỡ bận hơn, ông Bản lại túc tắc làm sẵn hàng trưng bày. Ngoài ra, còn nhận thêm các đơn hàng khuôn oản, khuôn xôi… quanh năm không hết việc. Hai người con của ông hiện cũng đã mở xưởng mộc riêng tại nhà và có thể hỗ trợ ông Bản khi cần.
Sau 40 năm gắn bó với nghề, thổi hồn cho biết bao thớ gỗ xù xì, thô ráp, đến nay, đôi tay ông Trần Văn Bản đã đầy vết chai sẹo, căn bệnh đau cột sống cũng ngày càng nặng hơn, đến bữa cơm chẳng dám ăn no vì ăn no khó gập bụng, không ngồi được nhiều. Hỏi ông định bao giờ “nghỉ hưu”, người thợ già cười phà phà: “Ngày bé tôi bị chó dại cắn không chết, cách đây 20 năm bị sét đánh nhưng bây giờ vẫn ngồi được ở đây. Nên trời còn cho sống ngày nào là còn cầm búa, cầm đục, giữ và truyền nghề cho con cháu”.