> Tuổi trẻ làm gì để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc?
> Toàn cảnh 10 trung tâm thảo luận tại ĐH Đoàn
Sống đẹp
Mở đầu buổi thảo luận Tuổi trẻ làm theo lời Bác – Sống đẹp, sống có ích, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh vai trò quan trọng của chủ đề giáo dục tư tưởng, giáo dục đạo đức lối sống TN.
GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Hội đồng lý luận T.Ư nói: “Chúng ta cần biết tận dụng những năm tháng tuổi trẻ thời gian để sống đẹp, sống có ích bằng cách mỗi ngày chúng ta học tập Bác.
Bác là người vượt qua vòng danh lợi, trọn vẹn quên mình vì người khác, vì đất nước. Bác dạy TN ham làm việc lớn chứ không phải ham làm quan to”, GS Bảo nói.
Các ĐB đưa ra nhiều ý kiến liên quan việc giáo dục đạo đức, lối sống TN như: Xây dựng hình mẫu lý tưởng trong nhiều lĩnh vực cho TN học tập, định hướng các giá trị hình thành mẫu thần tượng cho TN; Các tiêu chí cụ thể trong việc học tập Bác ở tính cần, kiệm, giản dị, làm việc khoa học, sáng tạo; đặt giáo dục lịch sử làm trọng tâm, giúp TN quan tâm nhiều hơn nữa vấn đề biển đảo.
Các đại biểu chia sẻ nhiều cách thực hiện hiệu quả tại địa phương về học tập và làm theo lời Bác. Đó là các mô hình: Hành trình đưa TN ra đảo; Nhà em treo ảnh Bác Hồ (Tỉnh Đoàn Quảng Ninh); Cưới tiết kiệm (Hà Tĩnh)…
Vấn đề tuyên truyền dùng cái tốt lấn át cái xấu, mặt trái trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được các đại biểu quan tâm. ĐB đại diện (Báo Tiền Phong) cho rằng, thông tin về người tốt việc tốt, sống đẹp hấp dẫn hơn rất nhiều khai thác những cái xấu nhằm giật gân câu khách.
Báo Tiền Phong mở diễn đàn Sống đẹp, cổ vũ và định hướng giá trị sống cho TN và đang được đông đảo bạn đọc hưởng ứng, cổ vũ.
Anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, các đại biểu đã có nhiều ý kiến hay, ở nhiều nơi việc học tập làm theo lời Bác đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, các mô hình, phong trào chưa có ảnh hưởng rộng rãi. Anh Vinh mong muốn, sau diễn đàn, các đại biểu, cán bộ Đoàn tự soi lại mình đã sống đẹp, sống trung thực, giản dị, hòa đồng hay chưa để làm gương, định hướng nhận thức, đạo đức, lối sống của TN.
Tạo người “tử tế”, tin dùng người trẻ
Tại hội thảo Tuổi trẻ làm theo lời Bác - Sống đẹp, sống có ích. Ảnh: Nguyễn Hà. |
Thảo luận về Nguồn nhân lực trẻ xây dựng đất nước các đại biểu cho rằng, cần nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn trong tham gia phát triển nguồn nhân lực trẻ, tài năng trẻ; Định hướng cổ vũ cho tuổi trẻ xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học công nghệ...
Nhiều đại biểu đồng thuận với ý kiến cần nâng cao ý thức kỷ luật, tác phong lao động của thanh niên. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề nghị Đoàn TN cần quan tâm giáo dục các vấn đề cơ bản, bình dị giúp TN trở thành “người tử tế”, “có lòng tự trọng”… Có như vậy mới có nguồn lao động có kỷ luật.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: “Xu hướng chạy theo bằng cấp đang tồn tại trong xã hội mà TN phải đi tiên phong thay đổi tư duy này, phấn đấu rèn luyện thành người lao động có kỹ năng tay nghề cao. Giỏi một nghề hơn làm chín nghề”.
Các đại biểu đề cao việc tin dùng và tạo môi trường để người trẻ tham gia cống hiến và phát huy khả năng. ĐB Nguyễn Hà Thảo Chi (Chánh Văn phòng Thành Đoàn Đà Nẵng) chia sẻ về CLB Cán bộ trẻ. Đây là mô hình trực tiếp chịu sự chỉ đạo, quản lý, gợi ý hoạt động của Thành ủy Đà Nẵng, được hình thành từ năm 2004.
CLB là nơi để các cán bộ trẻ có cơ hội giao lưu với nhau, đóng góp các ý kiến phản biện cho lãnh đạo TP về các chính sách, quy định trước khi ban hành, áp dụng trong thực tiễn.
“Điều các đoàn viên thanh niên rất trân trọng là với những chính sách mới, lãnh đạo TP đều mời chúng tôi góp ý kiến và xem đây là kênh phản biện rất quan trọng trước khi ra quyết định tiến hành áp dụng chính sách đó cho toàn Thành phố”, Thảo Chi chia sẻ.
Chi cũng cho hay, hằng năm Thành phố dành phần thưởng trị giá hàng trăm triệu đồng cho các ý tưởng xuất sắc của cán bộ trẻ. Đặc biệt, Đà Nẵng còn triển khai Đề án 89 đào tạo các chức danh từ phó chủ tịch xã, phường.
Từ mô hình đào tạo này, rất nhiều bạn trẻ thế hệ 8X đã trở thành phó chủ tịch UBND các xã, phường của thành phố. Về việc thực hiện đưa tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã, các đại biểu cũng đã lắng nghe chia sẻ của đại biểu của Tỉnh Đoàn Cao Bằng, Bình Phước.
Coi trọng nguồn nhân lực
Tại trung tâm thảo luận Thanh niên và Hội nhập, ĐB Lê Thùy Trang, Phó trưởng ban Công tác thanh niên (TN) Đảng ủy ngoài nước, cho biết cần phát huy sức mạnh của TN Việt ở nước ngoài. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 1.000 tổ chức hội TN với những hoạt động đa dạng, rộng khắp các nước.
“TN Việt ở nước ngoài qua quá trình học tập, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến sẽ là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Đây là bộ phận quan trọng với nguồn lực lớn nên tổ chức Đoàn, Hội trở thành cầu nối hữu ích, đòn bẩy tích cực giúp họ phát huy tinh thần xung kích, rèn luyện, phát triển với hình thức quản lý mềm dẻo, linh hoạt, tránh hình thức và hành chính hóa”, bà Trang đề xuất.
ĐB Đặng Tất Dũng, Chủ tịch Hội SVVN tại Leeds (Anh) cho biết, để hội nhập, TN cần coi trọng thái độ hội nhập, có kiến thức để cùng nói chuyện trong không gian toàn cầu.
Do đó, TN phải rèn luyện, trau dồi những vấn đề kinh tế, chính trị, kỹ năng hội nhập. “Khi hội nhập, thanh niên cần phải có bộ lọc thông tin, phải có quá trình tiếp thu thông tin từ các nguồn tốt.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một kênh thông tin riêng cho lưu học sinh các nước để họ có thêm động lực, hứng khởi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội”, Dũng đề xuất.
Ông Trần Đắc Lợi, Phó Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng cho rằng, để thế hệ trẻ Việt Nam nhận thức đúng về vấn đề hội nhập cần phải chuẩn bị hành trang gồm kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh chính trị vững vàng và có bản sắc văn hóa.
Ông Lợi cho rằng, T.Ư Đoàn cần đổi mới mang tính đột phá trong các giải pháp giúp thanh niên tổ chức hoạt động đối ngoại và hội nhập, đưa công tác đối ngoại đi vào chiều sâu và tăng hiệu quả của hội nhập.
Tình nguyện từ những việc đơn giản
Tại trung tâm thảo luận “Tuổi trẻ tình nguyện, xung kích vì cuộc sống cộng đồng”, các đại biểu nhận định rằng, phong trào tuổi trẻ tình nguyện vì cộng đồng đang phát triển rộng khắp, hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng, thể hiện được tính xung kích của giới trẻ, tạo được hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, được xã hội thừa nhận và ủng hộ.
Hơn 10 năm qua màu áo xanh tình nguyện có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả những vùng bão lũ, thiên tai…
Để phát triển phong trào, nhiều đại biểu cho rằng, không nên đặt các mục tiêu vĩ mô liên quan tình hình xã hội, đất nước cho các hoạt động tình nguyện.
Trước hết, tuổi trẻ tình nguyện hãy làm những việc đơn giản nhất, những việc mà người khác ngại làm, không làm. “Đơn giản như việc thấy chướng ngại vật trên đường thì dừng xe, dẹp nó vào lề đường. Nhiều việc nhỏ, việc tốt tích hợp lại sẽ thành việc lớn” – Đại diện Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai nói.
Các ý kiến thảo luận chia sẻ, để các phong trào thực sự mang tinh thần tình nguyện, mỗi chương trình hoạt động nên có nghiên cứu, đầu tư. “Phải tìm hiểu kỹ về địa bàn chúng ta hoạt động tình nguyện, từ đó quyết định mang đến những gì người dân nơi đó cần”.
Anh Nguyễn Trương Hải Ngọc, Đại biểu Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu.
Anh Huỳnh Ngọc Phú, Bí thư Đoàn trường Đại học Bình Dương cho rằng, “cách cho” quan trọng hơn “của đem cho”, nhấn mạnh chất lượng thực sự chứ không nên chạy theo số lượng mà bỏ qua tinh thần hoạt động tình nguyện.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng “điều quan trọng nhất là chúng ta mang tinh thần tình nguyện, truyền cho xã hội ngọn lửa của tình yêu thương, lòng nhân ái”.
Các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề tìm nguồn kinh phí cho các hoạt động tình nguyện, kết nối, nâng tầm, tìm ra cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ cho các phong trào tình nguyện trong giới trẻ.
Cùng ngày tại 6 tổ thảo luận khác cũng diễn ra với 6 chủ đề “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống”; “Bản sắc thanh niên Việt Nam”; “Tuổi trẻ học tập vì ngày mai lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Vì đàn em thân yêu”; “Xây dựng Đoàn vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân”. |