'Những thân thể nhiễm độc' lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần đây nhất, ngày 22/8, Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất độc da cam/ dioxin cho quân đội nước này để sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thì ở một chiều kích khác, bà Trần Tố Nga và cuộc chiến đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã trở thành cảm hứng cho các nghệ sỹ Pháp dàn dựng vở kịch “Những thân thể nhiễm độc.”

Từ trường hợp của bà Trần Tố Nga

Vở kịch “Những thân thể nhiễm độc” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Marine Bachelot Nguyễn, dựa theo câu chuyện về cuộc đời bà Trần Tố Nga, một nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến đòi công lý cho những người cùng cảnh ngộ, sẽ được Viện Pháp tại Việt Nam và đoàn kịch Lumière d’Aout giới thiệu đến đông đảo khán giả vào tháng 11 tới đây. Trước đó, tại Pháp, “Những thân thể nhiễm độc” đã được công diễn tại Festival Avignon (lễ hội sân khấu lâu đời và nổi tiếng nhất tại Pháp).

'Những thân thể nhiễm độc' lên tiếng ảnh 1

Bà Trần Tố Nga trả lời phỏng vấn sau phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris

Chia sẻ về lý do làm tác phẩm này, đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn cho biết: “Vào mùa xuân năm 2019, tôi đã đọc cuốn “Ma Terre empoisonnée” (tạm dịch là “Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi”), tự truyện của bà Trần Tố Nga. Số phận đầy biến cố của người phụ nữ này đã làm tôi rất ấn tượng và cảm động. Đó là câu chuyện của một người đã sống qua suốt một thời kỳ lịch sử Việt Nam, từ một đứa trẻ trong cuộc chiến tranh giành độc lập đến một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trải qua thời kỳ quá độ lên CNXH sau năm 1975, rồi sang Pháp sinh sống vào những năm 1990. Giống như hàng triệu người dân khác bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, ở tuổi nghỉ hưu, bà nhận thức được gốc rễ của các vấn đề sức khỏe của mình và đã tiến hành một cuộc đấu tranh mang tính lịch sử: Bà kiện 14 công ty hóa chất nông nghiệp của Mỹ, đòi họ phải chịu trách nhiệm về việc sản xuất chất độc gây ra ô nhiễm đất và ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua nhiều thế hệ. Bà yêu cầu bồi thường cho bản thân và cho các nạn nhân chất độc da cam khác.

Sự phản kháng của người phụ nữ này, trong suốt cả cuộc đời, để chống lại các thế lực thực dân, đế quốc và tư bản, đối với tôi, đó là một mẫu mực. Tiểu sử và các cuộc đấu tranh của bà giúp chúng ta có thể tiếp cận với các trang cơ bản của lịch sử đương đại, trong sự đan xen của các phương diện chính trị, kinh tế, con người và hệ sinh thái. Với sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, vụ diệt chủng sinh thái được coi là đầu tiên trong lịch sử đã xảy ra: một tội ác chống lại sự sống, gợi lại các hoạt động tàn phá khác trong quá khứ và hiện tại”.

Vở kịch chỉ có một diễn viên là Angélica Kiyomi Tisseyre-Sekine đan xen với các phần trình diễn, văn bản, video, tái hiện cuộc chiến tranh mà con người Việt Nam, đất nước Việt Nam đã trải qua thông qua cuộc đời bà Trần Tố Nga.

“Những thân thể nhiễm độc” được kể ở ngôi thứ nhất, tái hiện nhiều mốc thời gian, độ tuổi khác nhau và cho khán giả thấy được sự khác biệt của từng thời kỳ. Khi tham gia vở kịch này, Angélica có cùng độ tuổi với nhân vật Trần Tố Nga khi bà là chiến sĩ ở vùng du kích, cùng độ tuổi với rất nhiều thanh niên cùng bà gia nhập Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam.

“Tiểu sử và cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga là chủ đề của nhiều bài báo cũng như một số video hay phim tài liệu gần đây. Với tư cách là đạo diễn, mục tiêu của tôi là tạo ra một màn độc thoại truyền cảm và độc đáo, tái hiện xuyên suốt các thời kỳ, tạo ra cầu nối và những điều bất ngờ: điều khiến tôi quan tâm không phải là bộ phim tiểu sử được thần thánh hóa mà là cách cơ thể và tâm hồn của người phụ nữ này sẽ kể câu chuyện cho khán giả. Làm thế nào mà lịch sử và thế giới lại chảy trong cơ thể ấy, trong từng tế bào và cả trong trí tưởng tượng của bà”, biên kịch, đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn nói thêm.

Cuộc chiến không dễ dàng

Cách đây 10 năm, bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, là nạn nhân chất độc da cam đã đệ đơn kiện tại Tòa án Evry ở Paris, nhằm buộc Dow Chemical, Monsanto, Thomson Hayward, Hercules, Uniroyal, Diamond Shamrock, Occidental Chemical Corporation… tổng cộng 26 công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc sản xuất, cung cấp chất độc hóa học trong chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Sau những vụ sáp nhập và đổi tên kể từ đó, vẫn còn 14 công ty bị truy tố trước công lý Pháp. Theo ước tính, từ năm 1961 đến 1971, phía Mỹ đã sử dụng gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin để rải lên rất nhiều cánh rừng và mảnh đất ở Việt Nam gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe con người.

Tháng 4/2014, Tòa Evry mở phiên xét xử đầu tiên. Từ năm 2014 đến năm 2020, đã có 19 phiên tòa thủ tục. Ngày 10/5/2021, Tòa Đại hình Evry có kết quả trả lời Phiên tranh tụng ngày 25/01/2021 giữa các luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga và các luật sư đại diện cho 14 công ty hóa chất Mỹ. Tòa không chấp nhận vụ kiện của bà Trần Tố Nga với phán quyết: “Tòa không có thẩm quyền xét xử do liên quan tới hành động của Chính phủ Mỹ”.

Thất vọng, nhưng bà Trần Tố Nga vẫn tiếp tục đệ đơn kiện. Ngày 7/5/2024, Tòa phúc thẩm Paris mở Phiên điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Trước thềm sự kiện này, nhiều tổ chức, đoàn thể,… đã biểu tình rầm rộ tại Paris, ủng hộ vụ kiện của bà.

Ngày 22/8/2024, Tòa phúc thẩm Paris đã đưa ra phán quyết bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội nước này để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Phán quyết này đã gây ra nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều. Mặc dù tòa án đã dựa vào các quy định quốc tế để bảo vệ các công ty hóa chất Mỹ khỏi trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc áp dụng các quy định này trong trường hợp này là không phù hợp, bởi vì hậu quả của chất độc da cam/dioxin là quá nghiêm trọng và kéo dài.

'Những thân thể nhiễm độc' lên tiếng ảnh 2

Bà Nga và đạo diễn Marine (ngoài cùng bên trái) trong buổi công diễn “Những thân thể nhiễm độc”

Bà Nga cho biết: “Tôi sẽ không buông tay mà tiếp tục theo đuổi vụ kiện”. Các luật sư của bà Trần Tố Nga cũng bày tỏ quyết tâm tiếp tục đồng hành cùng bà: “Cuộc chiến của chúng tôi thực hiện không kết thúc với quyết định này. Chúng tôi sẽ kháng cáo lên tòa giám đốc thẩm”.

Theo luật sư Nguyễn Trần Trung Hiếu: “Vụ kiện của bà Trần Tố Nga không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới liên quan đến việc các công ty đa quốc gia bị kiện vì những hậu quả nghiêm trọng do sản phẩm của họ gây ra, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa chất. Trước đó, vụ bê bối nước bẩn ở Flint (bang Michigan) cũng từng gây chấn động dư luận hồi 2016. Hay là vụ kiện của rất nhiều cá nhân, cộng đồng đối với Công ty Monsanto của Mỹ (nay đổi tên thành Công ty Solutia) kéo dài suốt từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay.

Khó khăn lớn nhất của các vụ kiện liên quan đến chất độc hóa học là thời gian kéo dài, có khi lên đến hàng thập kỷ, do quy trình tố tụng phức tạp và các công ty bị kiện thường sử dụng nhiều biện pháp pháp lý để trì hoãn. Để thắng kiện, các nạn nhân phải chứng minh được một cách rõ ràng rằng bệnh tật của họ có liên quan trực tiếp đến việc tiếp xúc với chất độc hóa học, đây thường là một quá trình khó khăn và đòi hỏi nhiều bằng chứng khoa học. Một rào cản lớn nữa là quyền miễn trừ. Nhiều công ty lớn thường có các quy định pháp lý bảo vệ họ khỏi trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là khi hoạt động ở các quốc gia có quy định pháp luật lỏng lẻo. Chưa kể, các vụ kiện này thường rất tốn kém, đòi hỏi các nạn nhân phải có đủ tài chính để thuê luật sư và các chuyên gia khác”.

'Những thân thể nhiễm độc' lên tiếng ảnh 3
Diễn viên Angélica-Kiyomi Tisseyre-Sékiné trong vai bà Trần Tố Nga

Cũng theo luật sư Hiếu, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, các vụ kiện này vẫn có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những nguy hại của chất độc hóa học và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Trường hợp các vụ kiện thành công có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách và pháp luật, giúp bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe của con người và môi trường.

“Những thân thể nhiễm độc” chính thức công diễn tối 5/11, tại sân khấu IDECAF, thành phố Hồ Chí Minh; tối 9/11, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng và tối 15/11, tại Trường Pháp quốc tế Alexandre Yesin, Long Biên, Hà Nội.

MỚI - NÓNG