Những sự kiện kinh tế - xã hội ‘bom tấn’ năm 2016

TPO - Hàng loạt tập đoàn nhà nước lỗ ngàn tỷ; Bê bối ‘khảo sát’ nước mắm ở Vinatas; Xổ số Vietlott và cơn sốt giải thưởng… là những sự kiện ví như ‘bom tấn’ dư luận năm 2016.

Hàng loạt tập đoàn nhà nước thua lỗ ngàn tỷ

Cuối tháng 8/2016, kiểm toán Nhà nước thông báo tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có 5 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Rất nhiều Tổng công ty, công ty nhà nước thua lỗ lớn, thậm chí phải dừng hoạt động trong thời gian vừa qua.

Điển hình các dự án của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng, và hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 7.000 tỉ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng vừa bổ sung thêm 7 nhà máy, dự án khác gồm đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai đang ‘sống dở chết dở’.

Bê bối ‘khảo sát’ nước mắm ở Vinatas

Ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã tổ chức buổi báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc.

Ngày 17/10 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố một kết quả khảo sát cho thấy: có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của quy chuẩn Việt Nam về hàm lượng Arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước mắm.

Thông tin này sau khi lên báo đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía các nhà khoa học, các chuyên gia cũng như các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.

Đa phần đều khẳng định nước mắm làm từ cá nên có chứa Arsen hữu cơ là hoàn toàn bình thường và ít độc. Trong khi đó, Arsen độc là Arsen vô cơ, và công bố của Vinastas thực chất là chiêu "đánh lận con đen".

Mặc dù vậy, rõ ràng thông tin này đã khiến dư luận hoang mang. 

Đến ngày 22/10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chính thức có kết quả kiểm tra nước mắm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 247 mẫu mắm được kiểm nghiệm gồm cả nước mắm truyền thống và công nghiệp đều không phát hiện asen vô cơ. 100% các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm cũng không phát hiện thấy các kim loại nặng như chì, thủy ngân và cadimi.

Lần lượt sau đó là hàng loạt cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, chấn chỉnh hoạt động của Vinastas cũng như xử lý kỷ luật nhiều cá nhân liên quan.

Đầu tháng 11, kết luận báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động của Vinastas liên quan tới khảo sát chất lượng nước mắm do Bộ Công Thương công bố cũng cho biết rằng, việc khảo sát nước mắm của Vinastas không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch do được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài.

Trước sự phản ứng của dư luận và các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) có văn bản lên tiếng về vụ việc. Phía Vinastas gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm và các cơ quan quản lý.

Ông Đoàn Phương, Chủ tịch Vianastas cho rằng, nhóm thực hiện chương trình đã thông tin về kết quả khảo sát chưa được thận trọng, rõ ràng, đặc biệt là việc đồng nhất khái niệm asen (thạch tín) hữu cơ và asen vô cơ trong nước mắm, gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm.

Sau lời xin lỗi, văn bản của Vinastas cam kết nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, kiện toàn tổ chức, quy chế làm việc để không xảy ra sai sót tương tự trong tương lai.

Xổ số Vietlott và cơn sốt giải thưởng 'khủng'

Ngày 20/7, Tổng Công ty TNHH MTV Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) phối hợp với VTC Mobile tổ chức lễ khai trương Trung tâm Quay số mở thưởng. Đồng thời chính thức quay số lần đầu tiên giải thưởng xổ số tự chọn Mega 6/45 với giải thưởng cộng dồn kiểu Mỹ. Khác với các hình thức xổ số khác, giải Jackpot (đặc biệt) của xổ số tự chọn được cộng dồn cho đến khi có người thắng giải.

Tại kỳ quay thưởng 39 ngày 16/10, sổ xố Vietlott đã gây chấn động với sự kiện một phụ nữ ở Trà Vinh trúng giải đặc biệt Jackpot hơn 92 tỷ đồng. Sau đó thì đã có tới 6 người nữa trúng với giải thưởng hàng chục tỷ đồng.

Tại kỳ quay thưởng 69 ngày 25/12, Vietlott tiếp tục gây chấn động khi có tới 2 người trúng giải đặc biệt gần 160 tỷ đồng. Đây là con số lịch sử ở Việt Nam.

Cty Vietlott cho hay, 2 vé trúng thưởng giải Jackpot được phát hành bởi các điểm bán hàng tại tỉnh Quảng Ninh và TPHCM.

Ngày 5/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về hoạt động của Công ty Vietlott. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo chi tiết về hoạt động của công ty này có ảnh hưởng tới xổ số kiến thiết truyền thống hay không, theo phản ánh của một số địa phương gần đây.

Trước đó dù Bộ Tài chính đã khẳng định hoạt động của Vietlott tại các địa phương không ảnh hưởng tới hoạt động xổ số truyền thống, song nhiều địa phương chưa đồng tình.

Kỷ lục 110.000 doanh nghiệp lập mới năm 2016

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho, biết tính đến ngày 20/12, số doanh nghiệp thành lập mới là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015, lập kỷ lục trong lịch sử kinh tế Việt Nam.

Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689, tăng 43,1%.

Tờ Zing dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng con số trên cho thấy năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000. “Điều này phản ánh người dân đã bỏ phiếu cho Chính phủ. Niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy”

Tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, tức là mỗi năm có thêm khoảng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong năm qua, Chính phủ đã có những cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Việt Nam đạt kỷ lục đón 10 triệu khách quốc tế

Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam sẽ đón du khách thứ 10 triệu ngày 25/12, tại cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Vị khách may mắn này mang quốc tịch Anh. Cùng với du khách thứ 9.999.999 (tới từ Đức) và 10.000.001 (tới từ Thụy Điển), cả 3 sẽ được lãnh đạo ngành du lịch tặng kỷ niệm chương và quà lưu niệm.

So với năm 2015, lượng khách quốc tế năm nay tăng 25% và có mức tăng trưởng tuyệt đối trong một năm (2 triệu lượt) cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, khách đến từ Đông Bắc Á, Tây Âu có sự tăng trưởng mạnh.

Với việc áp dụng thị thực điện tử từ 1/2/2017, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm sau đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng. Ngành Du lịch phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

MỚI - NÓNG