"2016 là năm đầy dấu ấn với ngành du lịch, một năm vất vả nhưng nhiều cảm xúc, thành tựu. Chưa bao giờ ngành nhận được sự quan tâm quyết liệt, chỉ đạo cụ thể, sát sao của Đảng và Nhà nước, Chính phủ như thế”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói. Ngày 25/12, ngành du lịch tổ chức lễ đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu tại Phú Quốc. “Đây là con số đẹp, tương đương mức tăng 25%, tương đương 2 triệu khách so với năm ngoái”, ông Tuấn nói thêm. Được biết, vị khách thứ 10 triệu đến từ thị trường Anh sẽ được nhận kỷ niệm chương và quà của nhà tài trợ, cùng hai vị khách thứ 10 triệu cộng và trừ một đến từ Thụy Điển và Đức.
Con số đẹp
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, 10 triệu khách thể hiện sự tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh khó khăn năm qua. “Nếu chúng ta không miễn visa cho thị trường 5 nước Tây Âu thì khó tạo cú hích này. Thực tế thị trường Tây Âu tăng 16%, kéo theo mức tăng trưởng của các thị trường khác”, ông nói. Lãnh đạo ngành du lịch nhấn mạnh thời gian tới vẫn đẩy mạnh quảng bá xúc tiến ở các thị trường quan trọng là Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu, bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng, đẩy mạnh e-marketing.
Khách Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, như thế cũng không quá vui mừng? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nói rằng thị trường Đông Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc rất quan trọng, chiếm trên dưới 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. “Khách Trung Quốc tới các thành phố như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng gần đây có mức chi tiêu ngày càng cao. Thời gian qua Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư mạnh ở Việt Nam và nhóm du khách từ hai nước này cũng tăng rõ rệt. Khách Nhật Bản là người cao tuổi, học sinh sinh viên quan tâm tới nhiều điểm du lịch Việt Nam, đáng mừng là thời gian lưu trú ngày càng cao”, ông Tuấn Anh nói.
Thực tế Trung Quốc là thị trường đáng quan tâm của tất cả các nước muốn phát triển du lịch. Năm 2015 Thái Lan đón 9 triệu khách Trung Quốc. “Dự báo đến 2030 khách Trung Quốc du lịch quốc tế có thể đạt 300 triệu người, tăng thêm 100 triệu người. Dù một số tác động không hay của khách Trung Quốc, nhưng nước nào muốn phát triển du lịch đều quan tâm thu hút bởi thu nhập tăng cao và xu hướng tiêu dùng nhiều hơn của người Trung Quốc”, lãnh đạo ngành du lịch nói.
Vẫn còn nhiều yếu kém
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch thừa nhận ngành vẫn còn nhiều yếu kém cần thẳng thắn nhìn nhận và tiếp tục đổi mới, trong đó tiếp tục chấn chỉnh cơ sở lưu trú như nỗ lực năm 2016. Hai trong số điểm nóng được đề cập trong cuộc gặp gỡ sáng 22/12: Một số doanh nghiệp lữ hành bị cạnh tranh thiếu lành mạnh do bị sửa số điện thoại trên Google Maps, và một số doanh nghiệp Việt Nam kêu gọi Chính phủ vào cuộc trước thực trạng công ty đa quốc gia kinh doanh trên mạng, có trụ sở ở nước ngoài thu hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm mà không mất một đồng thuế.
Về việc một số công ty lữ hành tại TPHCM phản ánh số điện thoại và địa chỉ của họ bị chuyển thành thông tin của công ty Á Châu và công ty Lữ hành Việt trên công cụ tìm kiếm Google, Tổng cục Du lịch có văn bản “đề nghị Thanh tra Sở Du lịch TPHCM thành lập đoàn kiểm tra tư cách pháp nhân hoạt động kinh doanh của hai công ty nêu trên để kiểm tra thông tin, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý”. “Nếu đúng như phản ánh, hành động của hai công ty này trái pháp luật, rất bất lương và gian manh. Sau khi có kết quả thanh tra, nếu hai công ty này vi phạm, Tổng cục sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế”, ông Tuấn nói.
Trước sự việc công ty Vntrip gửi đơn kiến nghị đề nghị xem xét việc Agoda và Traveloka có biểu hiện trốn thuế ở Việt Nam, lãnh đạo ngành du lịch nói việc này liên quan nhiều hơn đến ngành thuế, nhưng Tổng cục ủng hộ và sẵn sàng phối hợp để bảo vệ ngành du lịch, hình ảnh đất nước Việt Nam. Thực tế khi khách hàng đặt phòng trên Agoda, công ty này được hưởng 20% hoa hồng mà không phải đóng thuế.
Các chuyên gia phân tích, với mục tiêu được Chính phủ đặt ra cho ngành du lịch với doanh thu đạt 30 tỷ USD năm 2020, doanh thu từ đặt phòng trên mạng có thể đạt hơn 5 tỷ USD, rõ ràng các công ty nước ngoài như Agoda nghiễm nhiên bỏ túi hơn một tỷ USD tiền hoa hồng bán phòng mà không phải nộp thuế. “Các công ty đa quốc gia không có chi nhánh, trụ sở ở Việt Nam kinh doanh thương mại trực tuyến hàng ngày kiếm lợi rất lớn ở Việt Nam nhưng không phải đóng góp gì cho đất nước. Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng xem xét và tìm những cơ sở pháp lý để thu thuế của Agoda và Traveloka ở Việt Nam, vừa đảm bảo không thất thoát thuế, vừa đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các công ty trên thị trường”, ông Lê Đắc Lâm, Tổng Giám đốc Vntrip nói. Vntrip cũng là sàn giao dịch điện tử đặt phòng khách sạn Việt Nam mới hoạt động từ 2016.
Ngày 20/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, trả lời công ty TNHH Vntrip.vn về việc Agoda, Traveloka trốn thuế tại Việt Nam.
Trả lời phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết đã nhận được chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính. Tổng cục giao các đơn vị thực hiện rà soát và sớm có câu trả lời.
Hữu Việt