Năm 2023 bên cạnh những thành tựu đạt được nhưng cũng là năm ngành giáo dục gặp nhiều thách thức với nhiều vấn đề nổi cộm của ngành.
Cùng Tiền Phong Online nhìn lại những vấn đề giáo dục "nóng" năm 2023.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn |
Nhiều bước phát triển mạnh mẽ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đã nhiều kết quả quan trọng như:
Một, hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát;..
Hai, hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo;
Ba, ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh;…
Bốn, chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm;…
Năm, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn;...
Sáu, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả;..
Bảy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; …
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Việc thể chế hóa còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương
Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Góp ý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu cho rằng , Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu quy định lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Tuy nhiên thực tế 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề.
Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000. Chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.
Lương công chức, viên chức hiện được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Trong đó lương cơ sở căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng của thị trường và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hệ số lương thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức. Lương cơ sở thấp (từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng), hệ số lương ít thay đổi nên không tạo ra động lực cho người lao động.
Từ 1/7, giáo viên mầm non hạng III vẫn là nhóm nhận lương thấp nhất, từ gần 3,8 đến hơn 8,8 triệu đồng một tháng tùy bậc. Mức này cao hơn so với trước đây khoảng 0,6-1,5 triệu đồng.
Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận lương cao nhất. Trong đó, người được áp dụng hệ số lương 6,78 sẽ được nhận hơn 12,2 triệu đồng một tháng.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ
Tại Phiên Giám sát Chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đây, nhiều khó khăn, vướng mắc mà Ngành Giáo dục đang phải đối diện đã được chỉ ra.
Số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp, môn học mới (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Cụ thể, cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Đến năm học 2024-2025, cấp Tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Cấp Trung học Cơ sở, môn Lịch sử và Địa lý thiếu 6.631 giáo viên, thừa 375 giáo viên.
Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới.
Nhiều địa phương có tình trạng đủ số lượng biên chế được giao nhưng không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Phân tích thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng một số địa phương thiếu cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên giữa các môn học và cùng cấp học giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau. Thực tế phân bổ chỉ tiêu giáo viên còn chưa đảm bảo những định mức tối đa do Bộ GD&ĐT quy định.
Chính thức bỏ thi thăng hạng từ 7/12
Theo Nghị định 85/2023 vừa được Chính phủ ban hành, các điều khoản liên quan đến thi thăng hạng viên chức trên toàn quốc đều được bãi bỏ. Viên chức được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn nếu đáp ứng các tiêu chuẩn. Đầu tiên, họ phải được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm liền kề trước khi dự xét thăng hạng; không trong thời hạn kỷ luật.
Viên chức phải có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn. Họ cũng phải có văn bằng, chứng chỉ, thời gian công tác tối thiểu. Ngoài tiêu chuẩn chung do Chính phủ quy định, viên chức dự xét thăng hạng cần đáp ứng điều kiện cụ thể do Bộ quản lý đưa ra.
Đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức được Bộ Nội vụ nêu hồi tháng 5. Lý do toàn quốc có 1,8 triệu viên chức khiến kỳ thi thăng hạng hàng năm tốn kém, có nhiều tiêu cực. Hơn nữa, trong 6 năm (2012-2018) chỉ có 6 bộ tổ chức thi. Các địa phương cử viên chức tham gia các kỳ thi này, thay vì tự tổ chức. Chỉ có TP Hà Nội tổ chức thi. Những chức danh như kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn chưa được thi.
"Bỏ thi thăng hạng viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng viên chức", Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói hồi tháng 6 và nhấn mạnh, đang tính toán để thời gian tới bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.
Yêu cầu Bộ Giáo dục đề xuất phương án biên soạn một bộ SGK
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa trong năm 2025. Yêu cầu trên được đưa ra trong chỉ thị của Thủ tướng về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 25/12.
Cụ thể, phương án biên soạn một bộ sách giáo khoa phải được đưa ra dựa trên cơ sở tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT hướng dẫn phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành.
Trước đó, trong Nghị quyết giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hồi tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014 là "chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa".
Năm bội thu của học sinh Việt trên "đấu trường" Olympic quốc tế
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023, đội tuyển Việt Nam đã đạt thành tích vô cùng xuất sắc. Theo đó, Việt Nam có 7 đoàn tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia bao gồm: 1 đoàn Tin học tham dự kỳ thi Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lí tham dự kỳ thi Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế các môn Toán học, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.
Đáng chú ý là tất cả các thí sinh của các đoàn tham dự Olympic năm nay của Việt Nam đều đoạt giải. Thành tích cụ thể gồm: 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen, tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất.
Bạo lực học đường nghiêm trọng
Bạo lực học đường là vấn đề không mới nhưng trong năm 2023 có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Hàng loạt vụ việc xảy ra cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng và rồi để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có 1 vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có 1 trường có học sinh đánh nhau. Nghiêm trọng hơn, đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng hơn.